Những chiếc túi nylon cáu bẩn chứa toàn găng tay y tế đã qua sử dụng. Một số có dính đất, một số còn cả vết máu. Chúng được vứt lăn lóc trong một nhà kho ở ngoại ô thành phố Bangkok.
Ngay gần đó là một chiếc tô lớn, bên trong chứa thuốc nhuộm màu xanh và một vài chiếc găng treo vắt vẻo. Quan chức Thái Lan cho biết, đây là nơi các lao động nhập cư sẽ tìm cách biến những chiếc găng tay như vậy trở nên như mới, sau chuyến đột kích vào cơ sở này hồi tháng 12/2020.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều nhà kho như vậy vẫn đang hoạt động tại Thái Lan, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu găng tay y tế vốn đã bùng nổ kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Họ đang đóng thùng hàng triệu chiếc găng tay dưới chuẩn để xuất khẩu đến Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, giữa cơn khủng hoảng vật tư có lẽ phải mất nhiều năm mới giảm tải được.
Chiếc găng tay cáu bẩn, được nhuộm lại thành màu xanh và đóng vào trong hộp mới để xuất khẩu đến Mỹ trong đại dịch
CNN đã thực hiện một phóng sự kéo dài hàng tháng trời và phát hiện được hàng chục triệu găng tay giả hoặc đã qua sử dụng đã tuồn được đến Mỹ. Và con số ấy thực chất chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm mà thôi.
Các chuyên gia tin rằng đây là một ngành công nghiệp lừa đảo hết sức đáng sợ, thậm chí còn xem găng tay y tế đang là "mặt hàng nguy hiểm nhất Trái đất hiện nay," theo lời nhận xét của chuyên gia Douglas Stein.
"Làn sóng những chiếc găng tay bẩn thỉu, không đạt chuẩn đang được tuồn vào nước Mỹ, trong khi quan chức liên bang đến lúc này mới phần nào nắm được quy mô lớn đến khủng khiếp của nó," - Stein cho hay.
Bất chấp những rủi ro có thể xảy ra cho nhân viên y tế tuyến đầu và bệnh nhân, giới chức Mỹ đang gặp khó khăn trong việc xử lý hành vi buôn bán vật tư y tế bất hợp pháp. Một phần là bởi các quy định nhập khẩu với mặt hàng này đã bị buộc phải nới lỏng khi đại dịch trở nên căng thẳng.
Lừa đảo trục lợi từ nhu cầu gia tăng
Đầu năm 2020, nhu cầu cho các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) tăng phi mã khi đại dịch Covid-19 càn quét cả thế giới. Cùng với đó, giá bán găng tay y tế - cụ thể là găng tay cao su tổng hợp (nitrile) đã luôn giữ ở mức cao.
Những chiếc găng tay được sản xuất gần như toàn bộ tại Nam và Đông Á, dựa vào nguồn cung cao su thiên nhiên giới hạn và các nhà máy sản xuất chuyên biệt. Nhu cầu tăng lên, nguồn cung từ các thương hiệu uy tín, lâu đời sẽ không thể đáp ứng kịp.
Găng tay nitrile màu xanh là loại đạt chuẩn sử dụng trong y tế
Khi chính phủ và hệ thống y tế các nước phải khổ sở để có được thứ mình cần, thì cũng là lúc nhiều công ty nhận thấy cơ hội để kiếm tiền.
Cuối năm 2020, Tarek Kirschen - một doanh nhân tại Miami đã đặt lô găng tay trị giá 2 triệu. USD từ một công ty có trụ sở ở Thái Lan, mang tên Paddy the Room. Kirschen bán lại lô hàng này cho một nhà phân phối tại Hoa Kỳ.
"Thế rồi chúng tôi nhận được vô số cuộc gọi từ khách hàng, với một thái độ hết sức kinh khủng. Họ la hét, hỗn loạn," - Kirschen nhớ lại. Ông sau đó đã phải tận mắt kiểm tra ngay khi lô hàng thứ 2 đến được Miami.
"Tất cả đều là găng tay tái sử dụng. Chúng được giặt rồi dùng lại," - ông kể. "Một số thậm chí vẫn còn bùn đất và vết máu. Số khác có in dấu hiệu cho thấy hạn sử dụng từ cách đây 2 năm. Tôi không tin nổi vào mắt mình nữa."
Tarek Kirschen - doanh nhân Mỹ bị lừa 2 triệu đô vì lô hàng găng tay y tế kém chất lượng
Kirschen đã phải hoàn tiền cho khách hàng, vứt bỏ lô găng tay ở một bãi rác và cảnh báo cho FDA vào tháng 2/2021. Ông cho biết không có chiếc găng nào trong lô hàng được sử dụng vì mục đích y tế. Tuy nhiên theo ghi nhận từ CNN, các nhà phân phối khác của Mỹ đã tiếp nhận gần 200 triệu chiếc găng cũng của Paddy the Room trong thời điểm dịch bệnh.
Và chẳng có bất kỳ thông tin nào về chuyện gì đã xảy ra với số găng này, sau khi chúng đến được Mỹ.
Những kẻ bất nhân
Có ít nhất 2 nhà nhập khẩu cho biết toàn bộ lô hàng găng tay họ nhận được không phải là găng nitrile, và cũng không đạt chuẩn. Như công ty Uweport cho biết họ không thể bán lại chúng cho các công ty dược như kế hoạch. Thay vào đó, họ phải bán với mức giá thấp hơn cho các nhà phân phối khác để sử dụng trong nhà hàng, khách sạn và nhà máy chế biến thực phẩm.
Chuyên gia Douglas Stein - vốn là người đã mua đồ bảo hộ PPE từ châu Á trong nhiều thập kỷ - đã theo dõi hàng loạt những vụ lừa đảo bắt nguồn từ Đông Nam Á kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. "Nó bất chính một cách lố bịch ở mọi công đoạn trong chuỗi cung ứng," - ông nhận xét.
Sở hữu một mạng lưới kết nối người mua và bán trên LinkedIn, Stein thường xuyên phải tiếp nhận tư vấn cho những người mất đến cả triệu dollar vì dính phải các lô găng tay y tế lừa đảo, và phải ngăn cản họ ký kết các hợp đồng quá phi thực tế với những mức chiết khấu hấp dẫn đến không tưởng.
Louis Ziskin là một doanh nhân người Mỹ rất hứng thú với lĩnh vực này. "Chúng tôi thấy cơ hội kiếm tiền. Chúng tôi thấy có những khách hàng ngành y gần như phải cầu cạnh, lạy lục để có được chúng."
Hàng trăm ngàn chiếc găng tay y tế cáu bẩn được giặt lại, nhuộm màu rồi xuất khẩu bị thu giữ trong đợt đột kích của FDA Thái Lan vào cuối năm 2020
Chính vì vậy, công ty của Ziskin - AirQueen - đã xúc tiến một đơn hàng trị giá 2,7 triệu đô từ Paddy the Room, thông qua một bên môi giới cũng từ châu Á. Đơn hàng phải thanh toán trước 100% giá trị.
Ziskin từng có tiền án. Ông từng phải ngồi tù hơn 10 năm sau khi bị bắt vì buôn lậu thuốc lắc tại Mỹ vào năm 2000. Nhưng suốt một thập kỷ qua, ông là một doanh nhân công nghệ thành đạt, tên tuổi xuất hiện trong tạp chí Forbes. Thế rồi, ông bước vào thế giới buôn găng tay y tế khi đại dịch ập đến.
Một cuộc điều tra độc lập được thực hiện tại nhà kho ở Los Angeles sau đó xác nhận rằng hầu hết số găng tay Ziskin đặt mua không phải là găng nitrile, mà là găng cao su chất lượng thấp hơn hoặc làm từ vinyl - những loại bị cấm sử dụng cho mục đích y tế. Đa số là loại đã qua sử dụng, thậm chí còn có vết bùn đất phía trên.
Với lô hàng như vậy, Ziskin không có bất kỳ cơ hội nào bán được cho các bệnh viện cả.
"Đều là vì vấn đề an toàn thôi. Nhưng các công ty như vậy chưa bao giờ lọt vào danh sách đen thực sự khiến tôi choáng váng," - ông chia sẻ.
Có những chiếc găng vẫn còn bùn đất hoặc vết máu
Thắc mắc của Ziskin là có cơ sở, nhưng nguyên nhân có thể là vì cú lừa ấy quá tinh vi. Paddy the Room đã gửi cho Ziskin các biên bản điều tra độc lập, cho thấy lô hàng gửi cho ông là loại hàng đạt chuẩn chất lượng. Nhưng các biên bản đều là giả mạo. Bản thân công ty viết biên bản cũng không có thật.
Giống như Kirschen, Ziskin đã gửi đơn cảnh báo cho nhà chức trách ngay sau khi nhận được lô hàng này hồi đầu năm 2021, cho cả FDA lẫn CBP (Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ). Dẫu vậy, dữ liệu nhập khẩu cho thấy lời cảnh báo của họ chẳng có giá trị gì. Bởi sau đơn cảnh báo của Ziskin hồi tháng 2, vẫn có 28 container chở hơn 80 triệu chiếc găng được chuyển đến Mỹ, từ Paddy the Room.
Việc các lô hàng găng y tế kém chất lượng vào Mỹ dễ dàng một phần là vì FDA đã phải tạm thời nới lỏng quy định nhập khẩu do ảnh hưởng của đại dịch. "Đơn giản là không có câu trả lời. Không có cách nào để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả," - Stein giải thích. "Điều này mở toang cánh cửa cho những kẻ trục lợi bất nhân."
Người phát ngôn của FDA cho biết các lô hàng như vậy được nhập về "chỉ khi số găng tay ấy đáp ứng được tiêu chuẩn được chấp nhận, và có nhãn hiệu được in ấn thể hiện rõ ràng rằng số găng này không được sản xuất dưới điều kiện nhiều rủi ro." Nhưng thực tế khi kiểm tra, chuyện số găng này không đạt chuẩn gần như chỉ được phát hiện sau khi hàng được chuyển tới.
Louis Ziskin - doanh nhân Mỹ bị lừa 2,7 triệu đô cho hợp đồng mua găng kém chất lượng
Tháng 8/2021, FDA cuối cùng đã phát hành cảnh báo nhân viên cảng về cái tên Paddy the Room, trong đó yêu cầu mọi lô hàng từ công ty này đều phải được kiểm tra kỹ càng. Và đó là 5 tháng sau khi Kirschen và Ziskin gửi đơn cho họ.
Theo báo cáo của CBP, họ đã thu giữ 40 triệu khẩu trang và hàng trăm ngàn trang thiết bị bảo hộ y tế bị làm giả. Một vài lô găng tay cũng bị thu giữ, nhưng không rõ số lượng bao nhiêu.
Nơi "nỗi sợ" đối mặt với "lòng tham" của con người
FDA tại Thái Lan cũng khá vất vả trong việc theo sát các vụ lừa đảo mua bán găng tay nitrile. Khi cơ quan này đột kích vào kho của Paddy the Room hồi tháng 12/2021, họ phát hiện những chiếc túi rác chứa toàn găng tay đã qua sử dụng, đa dạng về màu sắc, chất liệu và chất lượng. Công nhân nhà kho nhồi số găng này vào những chiếc hộp in nhãn SriTrang - một thương hiệu găng tay nổi tiếng của Thái Lan để làm giả. Liên hệ với SriTrang, công ty cho biết họ không liên quan gì đến Paddy the Room cả.
Theo Doug Stein, găng tay nhập khẩu vào Mỹ đáng lẽ không bao giờ được cho vào các hộp in tiếng nước ngoài. Riêng vấn đề này thôi đã là điều đáng báo động.
FDA Thái Lan đã bắt giữ chủ sở hữu nhà kho, nhưng không cách nào truy tố được công ty thuê nó, vì chủ là người từ Hong Kong (Trung Quốc). Và quan trọng hơn, cuộc đột kích ấy đã không thể khiến Paddy the Room phải đóng cửa. Phó Tổng thư ký FDA Thái Lan Supattra Boonserm cho biết trong những tháng tiếp theo, cơ quan đã đột kích một cơ sở khác tương tự như vậy.
"Họ chỉ chuyển địa điểm tới một nhà kho khác. Tại sao lại thế? Vì nhu cầu găng y tế là quá cao. Có quá nhiều khách hàng đang đợi."
FDA Thái Lan cho biết họ đã thực hiện ít nhất 10 chuyến đột kích và bắt giữ các lô găng tay kém chất lượng trong những tháng gần đây. Một số còn phát hiện ra công nhân đang giặt găng đã qua sử dụng và nhuộm chúng bằng phẩm màu.
Với quy mô nhập khẩu lớn như vậy, Doug Stein cho rằng nhiều khả năng vài lô găng tay như vậy đã lọt vào được hệ thống y tế. Tuy nhiên, chưa rõ những phi vụ như vậy có gây hại cho bệnh nhân và y bác sĩ Mỹ hay không.
Nhìn chung, những vụ lừa đảo như vậy thường mang đến thiệt hại lớn, và nó khiến một vài nạn nhân quyết định liều lĩnh tìm cách thu lại tiền. Như Ziskin đã đến Thái Lan hòng đòi được số tiền trị giá 2,7 triệu đô đã bị lừa. Tuy nhiên, mọi thứ không dễ dàng đến vậy. Ông và một vài người khác bị cảnh sát bắt giữ và truy tố vì tội xâm nhập và âm mưu bắt cóc sau chuyến đột kích vào một nhà hàng ở Bangkok.
Ziskin sau đó cho biết ông không ở đó, và phủ nhận mọi cáo buộc.
Lô hàng thu giữ được của FDA Thái Lan
"Tôi sẽ xem chuyện này đi đến đâu. Tôi liệu có thể lấy lại tiền không ư? Nhiều khả năng là không! Nhưng có phải chúng tôi đang vạch trần mọi chuyện, và hy vọng rằng nước Mỹ sẽ tìm cách ngăn chặn nó? Đúng thế đấy."
Sau khi cảnh sát Thái Lan trễ hạn nộp bằng chứng, Ziskin đã được phép trở về Los Angeles. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết sự vụ này vẫn chưa đóng lại, và những người liên quan đến vụ việc vẫn đang bị truy tố tại Thái Lan dù phủ nhận mọi cáo buộc.
Cuối tháng 7/2021, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) dọn sạch nhà kho của Ziskin ở Los Angeles, thu giữ 70.000 hộp găng tay để làm bằng chứng điều tra về Paddy the Room. Vấn đề là có bao nhiêu chiếc găng dưới chuẩn đang ở trong kho ở các cảng nước Mỹ. Có lẽ là hàng triệu, theo Stein, và ông tin rằng tổng giá trị các vụ lừa đảo này có thể lên tới hàng tỉ đô.
"Mọi thứ gặp nhau ở một thế giới ngầm đầy tăm tối, nơi nỗi sợ phải đối mặt với lòng tham."
Nguồn: CNN