Khi nào Trung Quốc thống trị thế giới về quân sự?

Anh Minh |

Trung Quốc có thể thống trị thế giới về quân sự, đó là nội dung một báo cáo mới cho Trung tâm New American Security do cựu thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work và đồng tác giả Greg Grant thực hiện.

Theo báo cáo này, giới lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch xây dựng quân đội trở nên hùng mạnh nhất thế giới, ít nhất là từ năm 2049. Nếu Mỹ muốn ngăn chặn điều này xảy ra, họ cần có một kế hoạch.

Ước muốn nói trên càng trở nên mãnh liệt khi vào năm 1991, giới lãnh đạo Trung Quốc đã chứng kiến Mỹ và đồng minh đánh bại quân đội Iraq với loạt mưa bom đạn với công nghệ chính xác.

“Bài học quan trọng nhất Trung Quốc rút ra được từ chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 là tấn công nhanh và uy lực trong giai đoạn đầu của cuộc chiến bởi đối thủ nếu thất bại trong giai đoạn này khó mà gượng dậy nổi trước kẻ thủ có năng lực tấn công 24/24h với các cuộc oanh kích bằng vũ khí chính xác trong mọi điều kiện thời tiết”, các tác giả Work và Grant.

Trong giai đoạn giữa những năm 1990, các lãnh đạo cấp cao của quân đội Trung Quốc (PLA) nhận ra rằng “họ đang vướng vào một cuộc đua dài hạn về kỹ thuật quân sự với Mỹ, và mục tiêu chiến lược của họ cần phải đạt được đi qua một số giai đoạn”.

Giai đoạn một là quân sự Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ với tư thế thấp hơn về kỹ thuật công nghệ. Các văn bản quân sự Trung Quốc trong giai đoạn cuối những năm 1990 và đầu thập niên 2000 thường bàn về việc làm sao đánh thắng trong một cuộc chiến với đối thủ mạnh hơn về kỹ thuật công nghệ, cho đến khi họ có thể thu hẹp khoảng cách mà Mỹ tạo ra.

Giai đoạn này, PLA sẽ phải trải qua những thời điểm họ thiếu “các năng lực tấn công chiều sâu và đa diện” nếu so với Mỹ.

Giai đoạn hai diễn ra khi Trung Quốc đạt được vị trí ngang bằng về vũ khí dẫn đường và một mạng lưới tác chiến và có thể ngăn chặn quân Mỹ trong một cuộc can dự ven biển ở châu Á.

Giai đoạn ba xuất hiện khi quân đội Trung Quốc có thể thiết lập một vị thế vượt trội quân đội Mỹ về công nghệ.

Trong năm 2019, Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn một. Nhưng theo bài trên National Interest, giai đoạn hai đang dần lộ diện khi nền kinh tế Trung Quốc không ngừng được mở rộng va công nghệ của nước này ngày càng cải thiện, một phần nhờ vào chiến lược do thám công nghiệp quy mô lớn.

Bên cạnh các mục tiêu chiến lược nói trên, PLA còn có những mục tiêu chiến thuật khác, theo các tác giả báo cáo. Đó là:

-Tấn công trước hiệu quả khi xây dựng một kho vũ khí tên lửa tầm xa chính xác và hệ thống chỉ thị mục tiêu tiên tiến, cho phép tạo ra khả năng vượt qua mạng lưới phòng thủ của Mỹ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

-Dẫn đầu thế giới về công nghệ trí tuệ nhân tạo và rồi triển khai công nghệ này nhằm giành lấy vị thế vượt trội về quân sự.

“Lẽ ra Bộ Quốc phòng Mỹ từ lâu đã phải vạch ra một đối sách”, hai ông Work và Grant viết. “Họ phải phát triển các khái niệm tác chiến, hệ thống và nền tảng tác chiến mới nhằm tạo điều kiện cho các lực lượng Mỹ thắng thế trước các nỗ lực có tổ chức của Trung Quốc nhằm phá hủy hệ thống tác chiến của Mỹ”.

Mỹ phải phát triển các khái niệm tác chiến, hệ thống và nền tảng mới để quân Mỹ có thể khai hỏa trước một cách hiệu quả và trụ vững trước hỏa lực của Trung Quốc. Họ phải đáp trả các thách thức về trí tuệ nhân tạo mà Trung Quốc tạo ra và đảm bảo luôn vượt trước trong cuộc đua công nghệ khốc liệt này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại