Khi “Đại bàng chiến” không còn kiểm soát bầu trời

TUẤN SƠN |

Bước sang năm 2018, Không quân Nga dự kiến sẽ được trang bị các biến thể nâng cấp của máy bay chiến đấu đa năng Su-30 và máy bay tiêm kích thế hệ 4++ Su-35. Điều này đe dọa phá vỡ thế độc tôn kiểm soát bầu trời của dòng máy bay chiến đấu Mỹ đã hơn 40 năm tuổi F-15 Strike Eagle (Đại bàng chiến) vốn đang là trang bị chủ yếu của Không quân Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới.

Đại bàng chiến” của bầu trời

Được phát triển dựa trên những kinh nghiệm chiến trường của Không quân Mỹ trong thập kỷ 1960-1970, F-15 thực sự là “đại bàng” của bầu trời với 2 động cơ mạnh mẽ, hệ thống điện tử trên khoang hiện đại với hàng loạt vũ khí tấn công hiện đại.

Ngay khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1969, nguyên mẫu F-15 của hãng chế tạo Boeing đã được Không quân Mỹ đánh giá cao và nhận được ngay đơn đặt hàng chế tạo 107 máy bay.

 Khi “Đại bàng chiến” không còn kiểm soát bầu trời - Ảnh 1.

 Khi “Đại bàng chiến” không còn kiểm soát bầu trời - Ảnh 2.

Các biến thể của máy bay chiến đấu F-15 Eagle được coi là một trong những mẫu máy bay quân sự thành công của Mỹ.

Xét ở khía cạnh kỹ thuật, F-15 là một máy bay chiến đấu có khả năng cơ động cao. Hai động cơ phản lực Pratt & Whitney F100-PW-100 cung cấp lực đẩy tối đa tới 23,5 tấn đã giúp F-15 đạt được kỷ lục hàng không thế giới, trong đó có khả năng bay leo cao ở tốc độ siêu thanh. F-15 có thể bay với tốc độ tối đa tới Mach 2.5 và bay hành trình cận âm (Mach 0.9).

Ở thời điểm xuất hiện, F-15 được thiết kế với nhiệm vụ giành ưu thế trên không với hệ thống ra-đa hàng không không có đối trọng trên thế giới AN / APG-63. Hệ thống ra-đa này đã biến F-15 thực sự là quái vật trên không với khả năng phát hiện các mục tiêu bay ở khoảng cách tới 200km và tấn công mục tiêu ngoài tầm nhìn bằng tên lửa không đối không bán chủ động.

Khả năng chiến đấu của F-15 không cần phải đợi lâu mới được thể hiện. Trong cuộc chiến giữa Israel và khối Ả rập giữa những năm 1970, máy bay chiến đấu F-15 của Không quân Israel đã giành thắng lợi áp đảo trước các dòng máy bay Mig-21, Mig-23 của Không quân các quốc gia Trung Đông.

Theo ghi nhận, các máy bay F-15 của Không quân Israel đã bắn rơi tới 104 máy bay của đối phương trong không chiến, mà không có bất kỳ thiệt hại nào.

Tới cuộc chiến vùng Vịnh lần 1 năm 1990, máy bay chiến đấu F-15A/B của Không quân Mỹ cũng giành thắng lợi áp đảo trước máy bay Mirage F-1 và Mig-29 của Iraq.

Khả năng chiến đấu của F-15 sau đó còn được tăng cường ở biến thể F-15C với động cơ phản lực mới và hệ thống ra-đa AN / APG-70 nâng cấp tăng cường khả năng không chiến.

Ngoài biến thế giành ưu thế trên không, để thay thế nhiệm vụ cho máy bay ném bom chiến thuật F-111, máy bay F-15 có thêm biến thể tăng cường khả năng không đối đất F-15E. Sự kết hợp giữa ra-đa hàng không APG-63V3 và đầu nối chỉ thị mục tiêu LANTRIN giúp F-15E tấn công các mục tiêu mặt đất bằng vũ khí chính xác cao.

Dù Mỹ đã dừng đặt mua máy bay F-15 từ năm 2001, nhưng dòng máy bay chiến đấu này vẫn nhận được sự quan tâm từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Tính tới thời điểm hiện tại, Không quân Mỹ vẫn sở hữu tới 177 máy bay F-15C nâng cấp và 224 chiếc F-15E. Chúng sẽ tiếp tục phục vụ tới những năm 2030.

Câu trả lời từ phía Nga

Đối trọng với máy bay F-15 chính là “gia đình” máy bay tiêm kích hạng nặng Su-27 của Liên Xô và Nga. Tuy nhiên, do dòng máy bay chiến đấu này xuất hiện muộn vào thập kỷ 1980, nên hai dòng máy bay giành ưu thế trên không chủ lực của Mỹ và Liên Xô chưa có cơ hội đụng trận trên không với nhau.

Theo yêu cầu thiết kế, Su-27 được đánh giá có khả năng chiến đấu tốt hơn 10% so với phiên bản F-15A/B. Nhưng thực tế, máy bay tiêm kích Nga đã đạt được hơn thế nhờ thiết kế khí động học hợp lý và tiềm năng nâng cấp lớn.

 Khi “Đại bàng chiến” không còn kiểm soát bầu trời - Ảnh 3.

Sự xuất hiện của máy bay Su-30...

 Khi “Đại bàng chiến” không còn kiểm soát bầu trời - Ảnh 4.

...và Su-35, vị thế độc tôn của F-15 trong lĩnh vực máy bay chiến đấu giành ưu thế trên không đã chấm dứt.

Với hàng loạt gói nâng cấp, trang bị điện tử của máy bay F-15C có ưu thế hơn Su-27 cùng thời kỳ. Vấn đề này chỉ được giải quyết vào đầu những năm 1990 với biến thể nâng cấp Su-27M. Tuy nhiên, với sự tan vỡ của Liên Xô, Su-27 lại tiếp tục “hụt hơi” trong cuộc đua với F-15.

Tưởng như “Đại bàng chiến” sẽ tiếp tục giữ vững vị trí bá chủ bầu trời của mình, nhưng mọi việc đã thay đổi khi biến thể Su-30 xuất hiện. Với các biến thể Su-30MKI, MKM và SM; thực tế thử nghiệm và tập trận, Su-30 đã khẳng định được tính năng ưu việt hơn máy bay F-15C của Không quân Mỹ.

Dù được quảng cáo với hệ thống ra-đa mảng định pha chủ động (AESA) hiện đại trang bị trên máy bay F-15C, nhưng thực tế nó vẫn chỉ có tính năng tương đương với ra-đa mảng pha thụ động đang được trang bị trên máy bay Su-30MK/SM.

Trong khi đó, khả năng thao diễn trên không của F-15C hoàn toàn thua kém máy bay Su-30. Đến khi Su-35 với hệ thống ra-đa Irbis được giới thiệu, “Đại bàng chiến” đã chính thức mất ngôi vị bá chủ bầu trời của mình.

Ngoài ra, sự thay đổi của tư duy chiến đấu từ tác chiến tổng lực sang đa nhiệm cũng làm máy bay F-15 “hụt hơi” với máy bay Su-30. Ở biến thể, F-15E để tăng cường khả năng tác chiến không đối đất, F-15 đã phải hy sinh đáng kể khả năng không chiến của mình. Điều này lại không xảy ra với máy bay Su-30 của Nga.

Ví dụ rõ ràng nhất là máy bay Su-30MKI đã thể hiện được ưu thế không chiến rõ ràng với máy bay F-15 của Không quân Mỹ trong tập trận Red Flag, nhưng vẫn có thể mang các loại vũ khí đối đất, đối hải chính xác như bom thông minh, tên lửa BrahMos…

Hiện tại, dù máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đã xuất hiện, nhưng trong vài thập niên tới, máy bay F-15 và Su-30 sẽ tiếp tục là xương sống của không quân nhiều quốc gia trên thế giới. Trong tương lai, F-15 có thể đụng độ Su-30 trên bầu trời. Lúc đó, “Đại bàng chiến” liệu còn giữ được vị thế độc tôn trên bầu trời?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại