Biệt đội săn bắt chó thả rông (SBCTR) đã có từ hơn 10 năm rồi nhưng mấy hôm nay do biệt đội SBCTR hoạt động mạnh để ngăn ngừa tình trạng bệnh dại do chó cắn, ô nhiễm môi trường và đáp lại những lời phàn nàn của người dân bị rắc rối bởi thú cưng nên tình hình mới nóng lên.
Nóng vì biệt đội SBCTR ra tay quyết liệt hơn, truy đuổi chó đến đường cùng và vì chủ nuôi thú cưng chống trả quyết liệt bằng cách ngăn cản không cho bắt thú nuôi.
Người nuôi không đồng tình, người không nuôi hoan hô
Một chủ chó ở Bình Thạnh cho biết bà chỉ có 5 con chó là bạn, nếu biệt đội SBCTR bắt nó bà sẽ liều mình như chẳng có để bảo vệ đàn thú cưng.
Tôi hỏi:
- Sao chị không rọ mõm, xích cổ như quy định, vừa an toàn cho người xung quanh vừa không sợ bị tịch thu chó.
- Làm vậy mấy con chó nó buồn sao?
Bà sợ mấy con chó buồn nhưng bà không biết rằng cả khu phố buồn phát ốm vì đàn chó của bà. Mới sáng sớm, tiết trời mát mẻ, bà con ra khỏi nhà tập thể dục thì bà mở cửa cả đàn chó túa ra, con thì to như con bê, con thì nhỏ như ổ bánh mì, con phóng uế, con liếm chân, liếm mặt người qua kẻ lại, riêng con berger có thói quen quái lạ chồm lên đặt hai chân trước lên vai người đầu tiên mà nó gặp.
Cơn ác mộng của cả khu phố nhưng bà con cũng không thưa kiện gì vì thương bà già neo đơn chỉ có đàn chó làm bầu bạn lúc cuối đời.
Nuôi chó thả rông - chưa bao giờ chủ đề lại nóng như lúc này. (Ảnh minh họa)
Một khu phố sang trọng khác ở Gò Vấp, hàng xóm bắt đầu xích mích kể từ khi có phong trào nuôi và dắt chó đi dạo.
Khu này sang và im lắng, nhưng có một gia đình mới dọn đến cuối hẻm, nhà này có nuôi chó, chiều chiều dắt đi dạo, rọ mõm đàng hoàng, thật sang trọng, mấy hộ lân cận thấy hay hay nên bắt chước. Nhà này dắt chó sang trước cửa nhà kia vệ sinh và ngược lại từ đó sinh ra bất hòa và cãi lộn.
Những người không nuôi chó thì nhiệt liệt ủng hộ biệt đội SBCTR. Một chú Việt kiều hồi hương ở Phú Nhuận nói:
- Ở bên Tây tôi đã chịu không nỗi kiểu trưởng giả học làm sang dắt chó đi dạo, về Việt Nam thấy càng tệ hơn, chó không rọ mõm, không biết có chích ngừa dại hay không thả đi long nhong, chó đi trước, chủ theo sau, nhìn phát khiếp.
Anh Sáu PHĐ chủ trại hòm ở Củ Chi không sợ gì hết, chỉ sợ chó:
- Tôi đã ba lần nhập viện vì tông phải chó thả rông, còn phải đền tiền cho chủ chó. Bạn nghĩ xem, làng quê đã lên chợ hàng chục năm rồi mà bà con vẫn giữ thói quen nuôi chó đầy nhà, không rọ mõm, thả đi đầy đường, sơ ý là tông chó mang họa vào thân ngay.
Ý ông muốn nói là chủ chó sốt ruột vì chó bị xe tông gây thương tích sẽ xông vào hành hung người đi xe.
Cô hot girl nọ ở quận 1 còn đòi hỏi cao hơn:
- Kém văn minh, không biết tâm lý con chó là gì, muốn bắt nó phải nhẹ nhàng, cái kiểu giật dây thòng lọng mà bắt sẽ gây sang chấn tâm lý cho chó. Ai mà bắt con Xí muội của tôi, tôi sẽ thưa tới cùng.
Nói chung là bất phân thắng bại.
Chủ đề gây tranh cãi và vẫn bất phân thắng bại. (Ảnh minh họa)
Xử lý chó bị bắt như thế nào?
Theo quy định hiện hành ở TP. HCM nếu chó thả rông bị bắt quả tang, sau 72 giờ không có người đến nhận sẽ bị đem đi tiêu hủy, đây là vấn đề gây tranh cãi.
Ý kiến chung của những người khoái thú cưng là phản đối: "Tại sao phải tiêu huỷ, giết chó nếu không có người đến nhận? Sao không phân loại, kiểm tra bệnh dại, nếu con nào khỏe mạnh thì chuyển sang cơ sở nuôi và bán chó để chuyển sang chủ mới thay vì giết, tiêu hủy?".
Biệt đội săn bắt chó thả rông.
Trên các diễn đàn fanpage cũng nổ ra những cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề này, có một ý kiến được đồng tình cao là nên kéo dài thời gian nuôi nhốt thú cưng, chờ chủ đến nhận thay vì đem tiêu hủy vì chính chủ nuôi thú cưng mới là người có thể giải quyết vấn đề có trách nhiệm và ít gây tổn hại cho cộng đồng: "Cá nhân tôi cho rằng cách giải quyết tốt nhất phải quy về người chủ vật nuôi.
Một người chủ có trách nhiệm sẽ biết nuôi dạy "người bạn" của mình như thế nào, từ việc tiêm phòng ngừa bệnh, dạy đi vệ sinh đúng chỗ, dạy không sủa, không cắn người… (tất nhiên chó mèo cũng tùy con, có con dễ dạy con khó dạy như con người, cũng nhiều người dạy mà chưa thành).
Người chủ có trách nhiệm sẽ phải rọ mõm, xích sắt lại, rồi mang theo đồ hốt dọn phân tránh ảnh hưởng đến vệ sinh chung khi dắt chó mèo đi dạo. Điều này cũng thể hiện ý thức trách nhiệm của người chủ.
Rõ ràng ai cũng thấy việc chó thả rông, không rọ mõm là nguồn nguy cơ cao cho cộng đồng và ủng hộ việc thành phố cho biệt đội SBCTR ra tay dọn dẹp nhưng số đông còn băn khoăn ở chủ trương xử lý "tiêu hủy sau 72 giờ".
Còn người viết bài thì ủng hộ ý kiến đề cao trách nhiệm của người nuôi thú cưng, để có được quyền và niềm vui hợp pháp cho riêng mình, để nuôi thú cưng làm bầu bạn thì phải tuân thủ các quy định về tiêm phòng, vệ sinh nuôi nhốt và rọ mõm khi ra khỏi nhà".