"Chưa khởi hành, đã tới đích"
Chuyến thăm Đức vừa rồi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là một trong những sự kiện độc đáo rất hiếm thấy trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước này.
Từ năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, chỉ 3 năm sau khi NATO thành lập và trước Đức 3 năm. Đức là một trong những thành viên sáng lập EU, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ xin ra nhập liên minh này từ năm 1959 mà đến nay vẫn chưa được toại nguyện.
Khi xưa, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền phủ quyết việc nước Đức gia nhập NATO nhưng đã không sử dụng quyền ấy. Bây giờ, nước Đức vẫn thuộc về những thành viên EU chưa sẵn sàng đồng ý để cho Thổ Nhĩ Kỳ được kết nạp vào EU.
Dù vậy, mối quan hệ song phương này cho tới tận cuộc đảo chính quân sự thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2016 và cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới năm 2017 không đến nỗi xấu, kể cả khi ông Erdogan đảm trách cương vị Thủ tướng.
Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trở nên rất quan trọng đối với EU nói chung và đối với Đức nói riêng khi cuộc khủng hoảng tị nạn bùng phát. Theo sáng kiến và với vai trò dẫn dắt của Đức, EU đã đàm phán và thống nhất với Thổ Nhĩ Kỳ về giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ giúp ngăn chặn dòng người đi qua Thổ Nhĩ Kỳ sang tị nạn ở EU và nhận lại những người đã đến EU xin tị nạn nhưng không được EU chấp nhận.
Đổi lại, EU trả cho Thổ Nhĩ Kỳ khoản tiền lớn và chịu nhượng bộ cho Thổ Nhĩ Kỳ một số yêu sách của nước này về công dân Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh vào EU và xúc tiến đàm phán việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Có đi, có lại như thế, nên bên nào cũng toại lòng.
Mối quan hệ này trở nên xấu đi trầm trọng từ sau cuộc đảo chính quân sự kia và đặc biệt từ sau cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ.
EU và Đức không hài lòng với chính sách đối nội và đối ngoại của ông Erdogan, cáo buộc ông Erdogan vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp phe đối lập, hạn chế tự do ngôn luận và báo chí. Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quả đắng đối với EU khi vừa phải tranh thủ lại vừa buộc phải gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nước Đức lại còn có chuyện công dân Đức bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ, nhà báo Đức bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc khủng bố và phía Đức cho rằng người Thổ Nhĩ Kỳ hay gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức với quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ hay có cả hai quốc tịch Đức và Thổ Nhĩ Kỳ bị ông Erdogan sử dụng làm công cụ cho những mưu tính quyền lực riêng.
Vì thế, chuyện quan hệ của nước Đức với Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và chuyến thăm Đức này của ông Erdogan nói riêng làm cho nội bộ chính trường và xã hội ở nước Đức phân rẽ sâu sắc.
Nếu là Tổng thống nước khác chứ không phải của Thổ Nhĩ Kỳ thì ông Erdogan gần như không thể được phía Đức mời và đón tiếp trong bối cảnh tình hình hiện tại, và vào thời điểm hiện tại.
Từ đó có thể thấy được ngay là ông Erdogan đã thành công với chuyến đi này từ trước khi lên đường sang thăm Đức, hay nói theo cách khác là chưa khởi hành đã tới đích. Diễn biến và kết quả cụ thể của chuyến thăm Đức 3 ngày này của ông Erdogan đã xác nhận điều ấy.
Phía Đức đã sử dụng một thủ thuật nghi thức lễ tân ngoại giao để hạn chế ý nghĩa và giá trị thiết thực của chuyến thăm này đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan là khách chính của Tổng thống Đức chứ không phải của Thủ tướng Đức; mà ở Đức thì Thủ tướng mới nắm thực quyền hành pháp.
Ông Erdogan được Tổng thống Đức đón tiếp trọng thị - trong khi không có hội đàm chính thức với Thủ tướng Đức, có quốc yến của Tổng thống - trong khi chỉ có ăn trưa và ăn sáng làm việc với Thủ tướng Đức.
Phía Đức đề cập đến những điều không hài lòng của phía Đức và ông Erdogan đáp trả lại ngay, sòng phẳng và không nhường nhịn chủ nhà như lẽ ra phải vậy theo thông lệ ngoại giao quốc tế.
Trong chuyến thăm Đức lần này, ông Erdogan là khách chính của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (trái). Ảnh: AP.
Tạm bằng mặt, chưa bằng lòng
Phía Đức dẫu không thích thú nhưng vẫn phải đón tiếp ông Erdogan vì những nguyên do sau đây:
Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại, bất kể nội trị và tình hình kinh tế xã hội như thế nào, vẫn có tầm quan trọng chiến lược đối với EU và đặc biệt đối với Đức.
Chỉ cần quyền biến trong vấn đề người tị nạn, tức là gây khó hoặc không hợp tác với EU nữa, thì tình thế có thể trở nên vô cùng bất lợi cho vai trò và ảnh hưởng của Đức trong EU và đối với vị thế quyền lực của cá nhân Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Đức, trong bối cảnh tình hình là vai trò, ảnh hưởng và vị thế ấy đang tiếp tục sa sút rõ rệt.
EU, nước Đức và cá nhân bà Merkel hiện chẳng khác gì đã trở thành 'con tin' của Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyện đối phó và khắc phục cuộc khủng hoảng tị nạn.
Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang gặp khó khăn lớn về kinh tế, tài chính và tiền tệ. Tăng trưởng kinh tế giảm, đồng Lira mất giá nhanh chóng - hiện đã bị mất giá hơn 40% so với cách đây không đầy nửa năm, và khoản nợ nước ngoài phải trả trong thời gian tới rất nhiều.
Nước này lại đang bị Mỹ trừng phạt về kinh tế và thương mại cũng như quan hệ với Mỹ rất trắc trở. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ suy sụp về kinh tế và khủng hoảng tài chính, tiền tệ thì EU sẽ bị thiệt hại rất lớn, ước tính vài trăm tỷ Euro và nước Đức không tránh khỏi bị vạ lây. Cho nên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tức là EU và nước Đức tự cứu mình.
Cho nên một kết quả trong chuyến thăm này của ông Erdogan là bà Merkel, dẫu có phải ngậm bồ hòn làm ngọt, thì cũng phải cử bộ trưởng kinh tế Peter Altmeier sớm dẫn đầu phái đoàn kinh tế lớn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí chiến lược và đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với NATO và EU trong cuộc chiến chống khủng bố, trong đối phó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và những lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria, ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.
EU và Đức dù hậm hực ông Erdogan đến mức nào, thì vẫn không thể không cần và dựa cậy vào Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, họ phải vậy với Thổ Nhĩ Kỳ thì mới mong có thể phân hóa nước này với Nga để ngăn chặn Nga gây dựng và mở rộng vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới ở khu vực này.
Thứ tư, ở nước Đức có nhiều triệu người Thổ Nhĩ Kỳ và người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ - thành phần này tạo nên diện cử tri mà đảng phái chính trị nào cũng phải để ý đến, và gây ra những vấn đề chính trị xã hội mà nhà nước Đức phải giải quyết.
Thực trạng đó buộc chính giới Đức phải rất thận trọng và khôn khéo về chính trị trong mọi chuyện liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân ông Erdogan.
Ông Erdogan ý thức được rằng sang Đức sẽ không tránh khỏi bị chơi vỗ mặt trong chuyện dân chủ và nhân quyền, nhà nước pháp quyền và tự do báo chí, nhưng ông tận dụng được những yếu thế hiện tại của phía Đức trước Thổ Nhĩ Kỳ.
Mục tiêu chính của ông Erdogan không phải là viện trợ kinh tế hay tài chính của Đức, cũng chẳng phải thôi thúc Đức tác động để EU sớm kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, mà là tác động chính trị, tâm lý và dư luận của chuyến thăm, mà là hình ảnh được phía Đức công nhận là ngang bằng, mà là cơ hội để thể hiện ở trong EU rằng EU nói chung và nước Đức nói riêng không thể ép buộc được Thổ Nhĩ Kỳ phải thuần phục và khuất phục, mà là thông điệp dẫu Thổ Nhĩ Kỳ thực thi chính sách đối nội và đối ngoại kiểu gì, thì EU nói chung và nước Đức nói riêng vẫn phải cần đến và nhờ cậy Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyến đi này dù vậy vẫn là biểu hiện về hòa giải giữa hai bên. Hai bên tạm bằng mặt với nhau thôi, chứ vẫn còn cách rất xa cả bằng lòng thực sự với nhau.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.