TT Erdogan tuyên bố tìm bạn mới: Thời cơ vàng xuất hiện, TQ vung đòn hiểm nơi Mỹ "hở sườn"

Hải Võ |

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo áp 20% thuế đối với mặt hàng nhôm và 50% đối với thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, khiến đồng lira của nước đồng minh lập tức lao dốc.

Sau khi tuyên bố áp thuế quan được ông Trump đăng tải trên Twitter hôm 10/8 (giờ miền Đông), đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc giảm 20% xuống mức thấp kỷ lục, và giao dịch giảm 15 % so với đồng USD khi chốt phiên ngày 11/8, làm "bốc hơi" gần một nửa GDP của quốc gia này.

Cùng ngày 11, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phát biểu diễn văn chỉ trích hành động của Washington là "nhục nhã", đồng thời kêu gọi người dân "mang hết vàng và USD dưới gối của mình" ra để đổi lấy đồng lira, nhằm đánh thắng cuộc chiến kinh tế với Mỹ - mà ông gọi là "trận chiến quốc gia".

Trong bài đăng trên tờ New York Times ngày 11, ông Erdogan tuyên bố Ankara có thể bắt đầu tìm kiếm những đối tác mới, "trừ khi Mỹ bắt đầu tôn trọng chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và chứng minh rằng họ hiểu rõ những nguy hiểm mà đất nước chúng tôi phải đối mặt, nếu không quan hệ hợp tác song phương có thể bị hủy hoại".

"Trước khi quá muộn, Washington phải từ bỏ quan niệm sai lầm rằng quan hệ đôi bên có thể không cân xứng, và phải nhìn nhận thực tế rằng Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều lựa chọn khác," ông nói.

"[Mỹ] thất bại trong việc đảo ngược xu hướng chủ nghĩa đơn phương và thiếu tôn trọng hiện nay sẽ buộc chúng tôi bắt đầu tìm kiếm những người bạn và đồng minh mới."

Tổng thống Erdogan cũng có cuộc điện đàm khẩn cấp với đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận hợp tác song phương. Lãnh đạo Nga-Thổ đánh giá cao tiến triển tích cực trong quan hệ thương mại hai nước và hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, quốc phòng.

Mỹ "bong tróc" đồng minh

Theo Bloomberg, hành động mạnh tay của chính quyền ông Trump với Ankara mang tới rủi ro Mỹ không còn đồng minh bền vững tại Trung Đông.

Ngoài nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ "ngả" vào tay Nga, các lợi ích chiến lược mà Mỹ có từ đồng minh này cũng bị đe dọa, bao gồm quyền sử dụng căn cứ không quân Incirlik - cứ điểm quan trọng để Mỹ phát động các chiến dịch tấn công nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) cùng các hoạt động quân sự ở Syria.

Jacob Funk Kirkegaard, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Peterson, Mỹ, chính quyền Trump dường như sẵn sàng chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ không còn là đồng minh chiến lược.

Ông Aaron Stein, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương, Mỹ, cho rằng ông Erdogan có thể đã đánh giá quá cao vị thế của mình trong mắt ông Trump.

Việc Mỹ được sử dụng căn cứ Incirlik "là quan trọng, nhưng không đến mức như người Thổ tưởng tượng" - Stein nói, thêm rằng việc Ankara trả đũa Washington bằng cách thu lại căn cứ trên có thể tạo hiệu ứng ngược và chọc giận các đồng minh NATO khác trong khu vực.

Dù quan hệ Mỹ-Thổ đã lên xuống trong vài năm qua, tình hình chỉ xấu đi nhanh chóng khi Ankara ra lệnh bắt giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson - người bị cáo buộc liên quan âm mưu đảo chính hồi năm 2016, bên cạnh việc Thổ Nhĩ Kỳ mua lá chắn tên lửa S-400 của Nga, bắt giam các nhân viên lãnh sự quán Mỹ và ủng hộ các nhóm Hồi giáo.

Bloomberg trích lời một quan chức Mỹ giấu tên, mô tả thái độ của giới chức Washington về Thổ Nhĩ Kỳ là rất xấu, và chính quyền Trump đã cho thấy họ không e ngại việc hủy hoại quan hệ với Ankara.

"Cán cân quyền lực [Mỹ-Thổ] là bất cân bằng, hoàn toàn có lợi cho Mỹ," ông Stein bình luận. "Không có rào cản nào từ phía Mỹ để ngăn quan hệ xấu đi, đây cũng là điểm mà người Thổ hoàn toàn rối bời khi lý giải chính sách của Mỹ."

Michael Singh, chuyên gia từ Viện chính sách Cận Đông ở Washington, thì cảnh báo Mỹ sẽ bị tổn hại lợi ích nếu đoạn tuyệt với Thổ.

"Giá trị lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là về kinh tế mà là về chiến lược. Họ không chỉ là đồng minh NATO, mà còn có vị trí địa lý quan trọng," Singh nhận định. "Nếu không có Thổ hợp tác thì Mỹ sẽ vất vả hơn rất nhiều trong thực hiện các mục tiêu ở Syria, Iran, Nga và kể cả châu Âu."

Phát biểu tại hội nghị của đảng AKP cầm quyền ngày 11, ông Erdogan nói "Mỹ tin rằng họ có thể tác động tiền tệ để đánh ngã Thổ Nhĩ Kỳ... nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là một nền kinh tế mở" và sẽ dùng đồng nội tệ để giao dịch với Nga, Iran, Ukraine, Trung Quốc hay Ấn Độ.

TT Erdogan tuyên bố tìm bạn mới: Thời cơ vàng xuất hiện, TQ vung đòn hiểm nơi Mỹ hở sườn - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: Reuters/Jason Lee)

Quan hệ kinh tế-quân sự giữa Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ sâu sắc thêm

Tờ Asia Times (Hồng Kông) ngày 11 nhận định, Trung Quốc chính là "bạn mới" tiềm năng mà ông Erdogan tìm kiếm, bởi quan hệ hai nước liên tục được làm sâu sắc trong thời gian qua nhờ lực đẩy từ sáng kiến "Vành đai, Con đường".

Đối với Ankara, Trung Quốc bên cạnh vai trò hỗ trợ tài chính còn là nguồn lực công nghệ, cơ sở hạ tầng và tri thức chuyên môn. Dù vậy, giá trị của các đối tác phương Tây vẫn thể hiện rõ rệt hơn, khi tổng ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Trung Quốc chỉ bằng 19% so với sang Đức và 34% so với sang Mỹ.

Quan hệ giữa Ankara và phương Tây đã đi xuống từ sau khi tổng thống Erdogan lên nắm quyền. Đồng thời, quốc gia mệnh danh là cây cầu kết nối Á-Âu này đã "xoay trục" nhanh chóng về phương Đông.

Xu thế này thể hiện qua các chuyến công du thường xuyên của giới chức Trung Quốc tới Thổ Nhĩ Kỳ - theo Al-Monitor, bao gồm các chuyến làm việc liên quan tới lĩnh vực an ninh.

Chen Qingsong, sĩ quan Quân giải phóng nhân dân (PLA) phát biểu tại Ankara mới đây, nhận xét xu thế "hướng Đông" chỉ tăng tốc đáng kể sau khi ông Erdogan tái đắc cử tháng 1 năm nay.

Tùy viên quân sự Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ - phát biểu trong cùng sự kiện với ông Chen, kỷ niệm 91 năm thành lập PLA - cho hay quân đội hai nước sẽ cùng hướng tới "kết quả nở rộ".

Al-Monitor cũng lưu ý sự kiện có sự tham dự các các quan chức ngoại giao cấp cao, chính khách cùng nhiều chỉ huy Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy mức độ trọng thị của Ankara với đối tác phương Đông.

"Quan hệ song phương đang phát triển thuận lợi. Hành lang chiến lược trung tâm Thổ Nhĩ Kỳ - được thiết lập nhằm kết nối châu Âu với vùng Trung Á và với Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc - cũng phù hợp với sáng kiến 'Vành đai, Con đường'," ông Chen Qingsong nói.

Các bình luận từ những quan chức quân đội Trung Quốc phản ánh một phần thực tế các lĩnh vực then chốt trong quan hệ Trung-Thổ và liên hệ kinh tế ngày càng sâu rộng giữa hai nước.

Bắc Kinh có đầy đủ động lực để xúc tiến hơn nữa các liên hệ với Ankara giữa rạn nứt Mỹ-Thổ, bởi chính Trung Quốc đang vật lộn giữa những biện pháp trừng phạt mạnh bằng thuế quan từ chính quyền Trump, và tìm kiếm các đột phá khẩu ở các khu vực nóng của thế giới là một phần quan trọng trong nỗ lực đáp trả Washington.

Altay Atli, học giả tại Trung tâm chính sách Istanbul, Đại học Sabanci, Thổ Nhĩ Kỳ, nói: "Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và hiện đang có kế hoạch phủ sức mạnh kinh tế của mình lên phần còn lại của thế giới thông qua sáng kiến 'Vành đai, Con đường'.

Vào lúc này, Trung Quốc là nguồn gốc thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng là những kỳ vọng trong tương lai."

Theo ông Atli, Ankara kỳ vọng Trung Quốc sẽ trở thành nguồn đầu tư chủ lực về vốn và công nghệ vào nước này.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là phần không thể thiếu trong sáng kiến của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với vị trí nằm ở trung tâm "Vành đai, Con đường".

"[Quan hệ Trung-Thổ] là trường hợp đem lại lợi ích chung cho hai nước, và cả hai phía đều hào hứng phát triển quan hệ xa hơn trong tương lai," ông Atli nói.

Dù vậy, thách thức là điều không tránh khỏi khi Bắc Kinh và Ankara thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực an ninh và quân sự. Bước tiến này - theo Altay Atli - sẽ đụng chạm đến hiệp ước đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây.

Phó viện trưởng Viện quan hệ quốc tế, Đại học nhân dân Trung Quốc, giáo sư Kim Xán Vinh trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 12/8, khẳng định Mỹ bất mãn khi thấy Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy quan hệ với Nga, Iran, hay Trung Quốc.

"Nhưng hai nước thực tế không trở mặt bởi lịch ích quốc gia giữa họ là không thể tách rời," ông Kim nói.

Ông chỉ ra, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không là thành viên NATO thì vị thế của họ ở Trung Đông sẽ xuống dốc rất nhiều. Xét từ góc độ kinh tế đơn thuần, nếu không được phương Tây hỗ trợ thì tình hình kinh tế-xã hội của Thổ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, với vị trí địa lý hết sức quan trọng "vắt ngang" Âu-Á của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng không có khả năng buông đồng minh "ngả" theo phương Đông.

"Cho nên kết luận của tôi là, Mỹ-Thổ sẽ đối đầu vì thù cũ hận mới, nhưng vì lợi ích quốc gia mà hai nước sẽ không thể chia tay hoàn toàn," ông Kim Xán Vinh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại