Hôm 26/10, hãng tin Sputnik đăng tải một bài viết với tựa đề "Đô đốc Mỹ ca ngợi hạm đội tàu ngầm của Nga". Theo đó, Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ ở châu Âu và châu Phi - Đô đốc James Foggo, nhận định rằng hạm đội tàu ngầm Nga đã tăng cường hiện diện ở Bắc Đại Tây Dương, cũng như ở Bắc Băng Dương.
Theo ông Foggo, Nga có hơn 40 tàu ngầm, một nửa trong số đó tập trung ở Hạm đội phương Bắc và có thể hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương, cũng như Bắc Cực. Đô đốc đánh giá hạm đội tàu ngầm Nga có sức mạnh đáng kể và lưu ý rằng Hải quân Nga đang đầu tư tiền vào việc hiện đại hóa trang bị.
"Nga tiếp tục đầu tư vào việc phát triển và sản xuất các tàu ngầm có hiệu quả cao. Họ là đối thủ đáng gờm nhất chúng tôi.
Các tàu này được trang bị tên lửa hành trình Kalibr, đây là những hệ thống chiến đấu rất hiệu quả. Và từ bất cứ nơi nào mà người Nga đóng quân, họ có thể tấn công bất kỳ thủ đô nào của châu Âu. Phải chăng họ sẽ làm điều này? Tôi không nghĩ như vậy, nhưng chúng ta cần phải biết họ đang ở đâu vào bất cứ lúc nào" - vị Đô đốc nói.
Bình luận về tuyên bố của ông Foggo, các cựu chỉ huy của các hạm đội Nga khẳng định, tàu ngầm của Hải quân Nga không tăng cường sự hiện diện ngoài khơi bờ biển Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực, nhưng gia tăng mức độ sẵn sàng chiến đấu.
"Theo các nguồn tin mở, có khoảng 60 tàu ngầm hạt nhân và diesel trong thành phần Hải quân Nga, hầu hết nằm trong Hạm đội phương Bắc" - cựu tư lệnh Hạm đội phương Bắc (1999-2001) - Đô đốc Vyacheslav Popov cho biết.
Cựu chỉ huy Hạm đội Baltic (2001-2006), Đô đốc Vladimir Valuev cũng đồng quan điểm trên. Theo ông Valuev, cả Nga và Mỹ đều có các đội tàu ngầm hoạt động tại tất cả các khu vực trên đại dương thế giới.
"Không có việc mở rộng hiện diện của hạm đội tàu ngầm Nga ngoài khơi Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực, nhưng chúng ta có thể nói về việc tăng cường sẵn sàng chiến đấu cho các tàu ngầm" - ông Valuev nói.
Tàu ngầm hạt nhân Vladimir Monomakh của Nga. Ảnh: Sputnik
Cũng trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, thuyền trưởng dự bị cấp 1 - chuyên gia quân sự Vasily Dandykin đã bày tỏ ý kiến về tuyên bố của Đô đốc James Foggo.
"Theo tôi, những tuyên bố đó được đưa ra, cùng với những điều khác, nhằm làm nổi bật ấn tượng cuộc tập trận quy mô lớn của NATO, hiện đang được tổ chức ở Na Uy và trên vùng biển nước nảy (Trident Juncture 2018).
Chúng ta đã không tiến hành cuộc diễn tập nào lớn như vậy ngay cả trong những thập kỷ gần đây, mà kể cả trong thời Xô Viết. Cuộc tập trận của NATO được tổ chức rất gần biên giới Nga", Vasily Dandykin nói.
Ông Dandykin lưu ý rằng hạm đội tàu ngầm Nga đã thực sự được cải thiện tích cực trong những năm gần đây, nhưng đội tàu các nước NATO cũng vậy.
"Nếu chúng ta so sánh lực lượng tàu ngầm của chúng ta với các hạm đội các quốc gia NATO, kể cả Hoa Kỳ thì họ có nhiều tàu ngầm đa năng hơn, và hiện giờ họ đang tích cực chế tạo các tàu ngầm mới.
Chúng ta cũng trang bị các tàu ngầm thế hệ thứ tư, Severodvinsk và Kazan, với nhiều thông số vượt trội so với tàu ngầm của NATO nhưng tôi cho rằng không chỉ có động cơ chính trị trong những phát biểu của họ về vấn đề này mà còn có cả sự tham ăn của người Mỹ.
Các tướng lĩnh Lầu Năm Góc đóng vai trò như những cái loa, và những lời lẽ liên tục về việc Nga đang trở nên mạnh mẽ hơn là một lời kêu gọi rõ ràng để Washington tiếp tục bỏ tiền gia tăng ngân sách quân sự Mỹ lớn chưa từng có, bao gồm cả việc xây dựng các tàu ngầm hạt nhân mới " - Vasily Dandykin nói.