Ngày 21/11 vừa qua, các nhà khảo cổ học đã công bố một bức ảnh đáng kinh ngạc cho thấy tư thế kỳ lạ của 2 bộ hài cốt được cho là của một người đàn ông giàu có và nam nô lệ chạy trốn khỏi vụ phun trào núi lửa Vesuvius gần 2.000 năm trước ở thành phố Pompeii.
Một phần bộ xương được tìm thấy trong quá trình khai quật một biệt thự trang nhã ở ngoại ô thành phố La Mã cổ đại (Italy ngày nay) đã bị phá hủy bởi vụ phun trào vào năm 79 sau Công nguyên. Đó là khu vực giống như một chuồng ngựa với hài cốt của 3 con ngựa bị buộc dây từng được khai quật vào năm 2017.
Các bộ xương được tìm thấy trong quá trình khai quật một biệt thự ở Pompeii, Ý.
Các quan chức Pompeii cho biết 2 người đàn ông dường như đã thoát khỏi đám tro bụi núi lửa nhưng sau đó lại phải hứng chịu một vụ nổ mạnh diễn ra vào ngày hôm sau.
Massimo Osanna, giám đốc địa điểm khảo cổ cho biết: “2 nạn nhân này có lẽ đang tìm nơi ẩn náu thì bị luồng pyroclastic chảy ra từ núi lửa cuốn đi vào khoảng 9 giờ sáng. Đó là một cái chết do sốc nhiệt, hình dáng bàn chân và bàn tay siết chặt của họ là minh chứng rõ ràng".
Qua đánh giá xương sọ và hộp sọ, các nhà khảo cổ phỏng đoán 1 trong 2 nạn nhân là thanh niên, có khả năng từ 18 đến 25 tuổi, bị bệnh cột sống. Phát hiện đó khiến các nhà khảo cổ đặt ra giả thuyết rằng chàng trai trẻ phải lao động chân tay, giống như một nô lệ.
1 trong 2 nạn nhân được cho là một thanh niên.
Một nạn nhân khác, được tìm thấy gần đó, có cấu trúc xương chắc chắn, đặc biệt là ở vùng ngực, và có thể khoảng 30 đến 40 tuổi, các quan chức Pompeii cho biết. Cả 2 bộ xương đều được tìm thấy trong một hành lang dẫn đến cầu thang lên tầng trên của biệt thự.
Dựa trên dấu ấn về những nếp vải còn sót lại trong lớp tro, có thể thấy người đàn ông trẻ tuổi đang mặc một chiếc áo dài xếp ly ngắn, có thể bằng len. người đàn ông lớn tuổi, ngoài mặc áo dài khăn đóng, còn có một chiếc khăn choàng qua vai trái.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Văn hóa Ý, Dario Franceschini, cho biết phát hiện này góp phần củng cố "địa vị" của Pompeii. Đây quả thực là "một nơi tuyệt vời để nghiên cứu và học tập".
Vào một ngày trong năm 79 sau Công nguyên, núi lửa Vesuvius tại đế chế La Mã (Italy ngày nay) phun trào. Theo lịch sử ghi chép lại, Vesuvius phun trào khi đó đã bất ngờ phun nham thạch kèm theo những cột tro bụi khổng lồ. 16.000 người đã chết, trong khi thị trấn Pompeii của đế chế La Mã cổ thì bị chôn vùi dưới lớp đá và tro núi lửa dày hàng chục mét. Sau này, các nhà khảo cổ tìm thấy di thể các nạn nhân với đủ mọi tư thế. Họ bị đông cứng ngay tức khắc bởi nham thạch, nên thi thể được bảo quản gần như nguyên vẹn theo thời gian.
Không chỉ riêng thị trấn Pompeii, Vesuvius còn chôn vùi cả Herculaneum - thị trấn nằm gần ngọn núi nhất. Và theo như một nghiên cứu năm 2018, thảm họa xảy ra với người dân của Herculaneum còn đáng sợ và bi kịch hơn rất nhiều.
Cụ thể, nhóm chuyên gia khảo cổ tại ĐH Federico II (Ý) đã xét nghiệm 103 bộ xương tại 12 hầm trú ẩn đầy tro bụi của Herculaneum. Họ tìm thấy các dư lượng khoáng chất màu đỏ và đen có trong xương và hộp sọ của các nạn nhân, cả trong lớp tro bụi xung quanh khung xương.
Thi thể một đứa trẻ khoảng 4 tuổi ngồi trên bụng một người trưởng thành. Dường như người trưởng thành đang vươn tay về phía đứa bé trước khi chết.
Các chuyên gia cho biết, những hợp chất này có chứa sắt và oxit sắt - những hóa chất xuất hiện khi máu bị đun sôi và hóa hơi. Điều này đồng nghĩa với việc các nạn nhân tại Herculaneum đã ở quá gần núi lửa. Họ phải chịu đựng một sức nóng cực kỳ khủng khiếp, nóng đến nỗi máu trong cơ thể họ sôi lên và biến thành hơi nước.
Nguồn: SCMP