Khả năng tiêu diệt Tomahawk bằng súng bộ binh: Giải bài toán với 100 khẩu AK và 4 giây

Đại tá Phan Văn Từ (Nguyên Trưởng phòng công nghệ cao, Viện tên lửa, BQP) |

Để đối phó với Tomahawk, ta có thể lập các trận địa đón lõng. Điều này không quá phức tạp như một số người nghĩ.

LTS: Tình hình chiến sự tạm yên khi Mỹ-Anh-Pháp tuyên bố chiến dịch tấn công quân sự đã thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo rằng trong tương lai gần sẽ không tiếp tục xảy ra những đòn tập kích tương tự. Vậy phòng không Syria có thể làm gì để phát huy tối đa hỏa lực tiêu diệt tên lửa của Mỹ và đồng minh?

Nhân dịp này chúng tôi trân trọng giới thiệu lại bài viết của Đại tá Nguyễn Văn Từ để cung cấp cho độc giả thêm một góc nhìn về vấn đề này.

-----

Sau khi bài báo phân tích những tử huyệt của tên lửa hành trình được đăng (xem tại đây), một số độc giả băn khoăn và cho rằng trong thời đại công nghệ phát triển như ngày nay mà đi bàn về việc dùng súng bộ binh đánh tên lửa là không nghiêm túc.

Hôm nay, tôi viết bài này nhằm lý giải một phần thắc mắc đó và mong muốn nhiều độc giả khác tiếp tục góp ý kiến và cùng tìm ra những cách đánh sáng tạo hơn nữa.

Trước hết, tôi nói qua một chút về tác chiến phòng không. Mỗi một loại khí tài phòng không đều có một vùng tác chiến tương ứng, nghĩa là có một vùng mà chỉ trong vùng đó mục tiêu mới có khả năng bị tiêu diệt.

Vùng đó có thể hình dung gần với hình bình hành. Khi mục tiêu ở cự ly nhỏ thì nó phải ở độ cao nào đó thì khí tài phòng không mới tác chiến được, còn nếu nó ở thấp quá thì không thể tác chiến vì lúc ta vừa bắn ra, độ cao lập tức đã vượt quá độ cao của mục tiêu.

Còn khi mục tiêu ở cự ly lớn, ta không thể bắn được mục tiêu quá cao vì lúc đó mục tiêu nằm ngoài tầm với của khí tài.

Khả năng tiêu diệt Tomahawk bằng súng bộ binh: Giải bài toán với 100 khẩu AK và 4 giây - Ảnh 1.

Mô phỏng tên lửa hành trình Tomahawk

Tomahawk được chế tạo để bay ngoài vùng sát thương của tất cả các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại có hệ thống phát hiện mục tiêu và điều khiển hỏa lực bằng radar. Điều này lý giải rất đơn giản vì nó bay quá thấp, radar không thấy được và nếu có thấy thì tên lửa cũng không thể tác chiến ở độ cao quá thấp.

Vậy đánh nó bằng cách gì, không lẽ bó tay chịu trận? Trong bài trước trả lời độc giả (xem tại đây), tôi đã nêu một số đề xuất về cách đánh.

Khả năng tiêu diệt Tomahawk bằng súng bộ binh: Giải bài toán với 100 khẩu AK và 4 giây - Ảnh 2.

Xác máy bay Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam (ảnh chiếc máy bay F.111 thứ 4.000 của Mỹ bị bắn rơi - Tư Liệu)

Có một sự thật là trong chiến tranh phá hoại, ta đã dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực ném bom của Mỹ. Tôi xin khẳng định rằng bắn máy bay phản lực khó hơn nhiều bắn tên lửa hành trình vì:

- Máy bay do phi công lái nên đường bay của nó rất linh hoạt không dễ gì đoán trước;

- Phi công có thể phát hiện trận địa của ta và bay tránh;

- Máy bay có thể tấn công trận địa của ta bằng bom và các loại vũ khí có trên nó;

- Máy bay thường bay cao ngoài tầm với của súng bộ binh;

- Máy bay phản lực thường bay với tốc độ rất lớn có khi vượt âm…

Mặc dù có những khó khăn như vậy nhưng bộ đội và dân quân ta đã lập nên thế trận phòng không nhân dân và đánh thắng oanh liệt những cuộc tập kích của máy bay đối phương.

Để đối phó với Tomahawk, ta có thể lập các trận địa đón lõng. Điều này không quá phức tạp như một số người nghĩ. Loại trận địa thứ nhất là trận địa đón lõng để bảo vệ các mục tiêu mà ta thấy cần bảo vệ trước sự tấn công dự kiến của Tomahawk. Với loại trận địa này, hoàn toàn chủ động bố trí trực chiến thường xuyên mà không cần cơ động nhiều.

Loại trận địa thứ hai là trận địa đón lõng trên đường bay dự báo của kíp trực chiến tiền phương hay của thông tin tình báo. Loại trận địa này có thể bố trí sai do dự báo không chính xác nên cần có các phương án dự phòng và chuẩn bị trước phương án cơ động.

Việc chuyển đổi vị trí đón lõng cũng không quá phức tạp vì ta sẽ tích lũy được kinh nghiệm và vì đối phương không thể biết vị trí ta đón lõng nên không thể chủ động thường xuyên thay quỹ đạo.

Với tính năng của Tomahawk là bay rất thấp, bay từ cự ly xa và bay không quá nhanh – 800 km/h nên có thể bố trí một trận địa quy mô đơn giản như sau:

Huy động một đơn vị gồm 100 tay súng trang bị tiểu liên AK. Điều này hoàn toàn đơn giản. Bố trí 10 hàng ngang, mỗi hàng 10 người, cách nhau 10 m, các hàng ngang cách nhau theo chiều dọc hướng theo đường bay dự kiến 100 m. Như vậy, sẽ có một trận địa rộng 100 m và dài 1km.

Khả năng tiêu diệt Tomahawk bằng súng bộ binh: Giải bài toán với 100 khẩu AK và 4 giây - Ảnh 4.

Bộ đội Việt Nam với súng AK (Ảnh: Infonet)

Với tốc độ bay của Tomahawk là 800 km/h thì thời gian nó bay qua trận địa là bao nhiêu? Để tăng độ khó, tôi lấy tốc độ cao hơn 900km/h, như vậy nó bay được 900/3600 =1/4 km/s, nghĩa là bay nhanh nhất có thể thì một cây số nó bay mất 4 giây.

Trong 4 giây đó có thể làm được gì? Theo tính năng phổ biến của tiểu liên AK thì cự ly bắn của nó là từ 600 đến 1.000m, nên Tomahawk bay thấp nằm trong tầm tiêu diệt của AK. Sơ tốc của đạn là hơn 700m/s thừa sức cả bắn đuổi so với tốc độ nhỏ hơn 250m/s của Tomahawk.

Tốc độ bắn của AK là từ 600 đến 1800 viên/phút tùy theo các phiên bản khác nhau. Như vậy, với tốc độ thấp nhất là 600 viên/phút thì có nghĩa là ta có thể bắn 10 viên trong một giây.

Trong thời gian 4 giây Tomahawk lướt qua trận địa, mỗi một khẩu AK có thể bắn 4x10- 40 viên đạn. Nhưng trong thực tế chiến đấu thì có thể không xảy ra như vậy mặc dù ta đang tính cho phương án có tốc độ bắn thấp nhất vì một băng đạn của AK thông thường chỉ có 30 viên mà ta không có đủ thời gian thay băng đạn.

Để tăng thêm độ tin cậy cho độc giả, tôi giảm thêm từ phương án tối thiểu đi 1/3 số đạn còn một khẩu có thể bắn 20 viên.

Tóm lại với 100 khẩu AK trong 4 giây có thể tạo thành một lưới lửa ngay trước mũi Tomahawk: 2.000 viên đạn trong phạm vi hành lang rộng 100m và dài 1 km. Xác suất trúng đích như thế nào do độc giả phán quyết.

Ở đây tôi chỉ xét phương án huy động lực lượng tối thiểu. Còn trong thực tế chiến đấu còn có thể huy động cả trung liên, đại liên và pháo phòng không tầm thấp. Dĩ nhiên không ai coi thường Tomahawk, nhưng cũng không nên sợ nó.

Quý độc giả có thắc mắc hoặc phản biện về bài viết này, cũng như muốn tìm hiểu các kiến thức, câu chuyện thú vị liên quan đến tên lửa nói chung và tên lửa hành trình nói riêng, xin vui lòng gửi ý kiến cho chúng tôi qua email: quansu@ttvn.vn.

Trân trọng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại