Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, trong cuộc không kích do liên quân Mỹ - Anh - Pháp tiến hành vào rạng sáng ngày 14/4 vừa qua, toàn bộ các mục tiêu chính bị nghi là cơ sở sản xuất, cất trữ vũ khí hóa học của Syria đều đã bị phá hủy hoàn toàn.
22 quả tên lửa đã được phóng đi và san phẳng kho chứa vũ khí hóa học ở phía Tây thành phố Homs, trong đó có 9 tên lửa hành trình Tomahawk, tất cả đều xuất phát từ các tàu chiến Mỹ, 8 quả tên lửa Storm Shadow phóng từ máy bay chiến đấu của Anh, 3 quả tên lửa hành trình de Croisière Naval (MdCN) từ các khinh hạm của Pháp và 2 quả SCALP từ chiến đấu cơ Pháp.
Trong số 76 quả tên lửa tấn công Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Barzah ở ngoại ô Damascus có 57 tên lửa Tomahawk và 19 quả tên lửa không đối đất tấn công từ ngoài vùng phòng không của đối phương (JASSM) đã được nối dài tầm bắn.
7 quả tên lửa hành trình tầm xa SCALP của Pháp đã được sử dụng để tấn công mục tiêu thứ hai ở gần Homs, cũng được cho là một boong-ke chứa vũ khí hóa học.
Tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh
Điểm đặc biệt đáng chú ý trong vụ tấn công lần này là Mỹ đã lần đầu tiên đưa loại tên lửa hành trình tàng hình mới phóng từ trên không do Lockheed Martin chế tạo theo chương trình quốc phòng trị giá 4,6 tỷ USD vào tham chiến.
Cụ thể, hai máy bay ném bom B-1B đã phóng đi 19 quả tên lửa tấn công Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Barzah nằm ở ngoại ô Thủ đô Damascus. Đây là những quả tên lửa không đối đất tấn công từ ngoài vùng phòng không của đối phương (JASSM), cùng với 57 quả tên lửa Tomahawk đã phá hủy hoàn toàn mục tiêu nêu trên.
Mô hình tên lửa JASSM do Lockheed Martin chế tạo
Được sản xuất tại một nhà máy của Tập đoàn Lockheed Martin ở Troy, Alabama, JASSM có tiết diện phản xạ radar thấp khiến nó rất khó bị phát hiện và được thiết kế chuyên để xâm nhập lãnh thổ đối phương từ khoảng cách 322 km. Phiên bản nới dài tầm bắn (JASSM-ER) được các máy bay Mỹ phóng đi rạng sáng ngày 14/4 vừa qua có thể bay xa hơn 800 km.
Bay theo lộ trình định sẵn từ lúc rời bệ phóng tới mục tiêu, sử dụng các vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) và một hệ thống dẫn hướng tự mang, JASSM được phát triển để tấn công mục tiêu bằng một đầu đạn xuyên sâu nặng hơn 450 kg.
Lockheed Martin đã chuyển giao tổng cộng 2.000 tên lửa JASSM và JASSM-ER cho quân đội Mỹ, đồng thời cũng đã bán loại tên lửa này cho Australia, Phần Lan và Ba Lan. JASSM mới chỉ được phê chuẩn tham gia chiến đấu vào tháng 2/2018.
Mặc dù các quan chức Lầu Năm Góc đã không tiết lộ bất kỳ thông tin cụ thể nào về hoạt động của các tên lửa JASSM trong buổi họp báo hôm 14/4 nhưng những hình ảnh trước và sau của mục tiêu bị tấn công là cơ sở chế tạo vũ khí hóa học ở Barzah, ngoại ô Thủ đô Damascus là một minh chứng rất rõ cho mức độ hiệu quả của loại tên lửa tàng hình còn rất mới này.
Trung tâm nghiên cứu & phát triển Barzah sau vụ tấn công ngày 14/4/2018
Các máy bay ném bom B-1B đã tới căn cứ Al-Uldeid của Mỹ ở Qatar 1 tuần trường vụ tấn công Syria ngày 14/4