Việc quân đội Nga tham chiến ở Syria với mục tiêu chính là chống khủng bố; nhưng cũng là cơ hội tuyệt vời để huấn luyện, thử nghiệm, hoàn thiện trong điều kiện thực chiến các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự mới.
Liệu Nga có mạo hiểm đưa T-14 Armata, loại xe tăng mới nhất của họ sang chiến trường Syria để thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu? Điều này là rất có khả năng, khi những loại vũ khí thuộc loại hiện đại nhất của Nga như tên lửa hành trình Kalibr hay máy bay tàng hình thế hệ 5 Su-57, cũng đã được đưa sang chiến trường Syria để thử nghiệm.
Nếu những chiếc T-14 Armata được đưa sang Syria, rất có khả năng nó có thể đối đầu với chiếc xe tăng chủ lực Merkava của Israel, nếu quân đội Israel vượt biên giới xâm nhập lãnh thổ Syria.
Siêu tăng T-14 Armata (trên) đấu Merkava: Ai sẽ thắng?
T-14 Armata "mối đe dọa" mới cho xe tăng phương Tây
Armata là một siêu tăng, được trang bị những công nghệ mới nhất của Nga. Cho dù bất kỳ thông tin nào: có thể là chính thống, tin đồn, hay chỉ là chiêu tuyên truyền; nhưng chắc chắn một điều – nó đã đặt nền móng mới cho hướng phát triển của dòng xe tăng chủ lực mà Nga muốn theo đuổi trong thập kỷ tiếp theo.
Tại châu Âu hiện nay loại xe tăng duy nhất có thể đe dọa được xe tăng Abrams và các dòng tăng hiện đại của NATO chính là chiếc T-14 Armata. Mẫu xe tăng mới nhất của Nga hiện được coi là "cuộc cách mạng" trong việc thiết kế các phương tiện chiến đấu mặt đất của lục quân.
Theo thông báo của nhà sản xuất, Armata đã chính thức bước vào sản xuất loạt lớn với số lượng hơn 100 chiếc, đủ để trang bị cho một trung đoàn xe tăng thuộc sư đoàn tăng Taman ưu tú của họ.
Merkava "chiến mã xa" khu vực Trung Đông
Năm 1979, Bộ Quốc phòng Israel chính thức đưa chiếc xe tăng chủ lực đầu tiên do người Israel tự chế tạo, với tên gọi Merkava (Merkava theo tiếng Hebrew là chiến mã xa) vào biên chế trong lực lượng phòng vệ Israel (IDF).
Tính tới thời điểm hiện tại, xe tăng Merkava đã "lên đời" tới phiên bản Mark IV và việc cải tiến chưa có dấu hiệu dừng lại trong tương lai. Hiện nay, Merkava là xe tăng chiến đấu chủ lực của IDF.
Xe tăng Merkava "chiến mã xa" khu vực Trung Đông.
Phiên bản Merkava Mark IV được đưa vào biên chế năm 2004 và đã có những cải tiến quan trọng, Merkava Mark IV được bị hệ thống bảo vệ tích cực Trophy (APS), hệ thống quản lý chiến trường Tzayad và giáp phản ứng nổ tiên tiến.
Merkava IV có khả năng sẽ tiếp tục được nâng cấp với những tính năng mang tính cách mạng, đó là việc trang bị hệ thống quan sát toàn cảnh Iron Vision, hệ thống tự động nhận biết và xử trí tình huống (một dạng trí tuệ nhân tạo); hiện nay chỉ có Israel là quốc gia đầu tiên phát triển công nghệ như vậy; và hệ thống tương tự cũng có thể được lắp trên những chiếc T-14 Armata.
Ai thắng ai?
Câu hỏi được đặt ra, nếu phải đụng độ nhau, chiếc xe tăng nào sẽ giành chiến thắng?
T-14 Armata là một thiết kế mới mẻ, độc đáo và có thể giữ được vai trò của mình trong vài thập kỷ tới đến khi có một dòng tăng mới thay thế.
Giống như bất kỳ loại xe tăng hiện đại nào, T-14 Armata là sự kết hợp giữa lớp giáp bảo vệ, hỏa lực và sức cơ động. Bộ giáp được làm từ một hợp kim thép mới bằng phương pháp điện phân tan, rõ ràng là nhẹ hơn thép truyền thống.
Giúp nó giảm nhiều trọng lượng của xe nhưng vẫn giữ được khả năng bảo vệ như những xe tăng hạng nặng khác. Xét về khả năng bảo vệ, Armata nhỉnh hơn Merkava.
Mặc dù T-14 có cùng công suất động cơ như Leopard 2 hoặc M1 Abrams, tuy nhiên, với trọng lượng chiến đấu chỉ 48 tấn, nên công suất đạt 31,3 mã lực/tấn trọng lượng; trong khi đó các xe tăng của phương Tây chỉ đạt 24 mã lực/tấn trọng lượng.
Cho dù vòng bánh xích của Armata nhỏ hơn so với Leopard 2 hoặc M1-Abrams, tuy nhiên do trọng lượng chiến đấu thấp, áp lực bánh xích của Armata lên mặt đất rất nhỏ, chỉ tương tự như những xe tăng của phương Tây.
Xe tăng T-14 Armata của Nga.
Trong khi đó, chiếc Merkava với trọng lượng 65 tấn, mặc dù được trang bị động cơ 1.500 mã lực, nhưng khả năng cơ động, nhất là trên những vùng đất lầy, lún, cát kém hơn Armata.
Armata là xe tăng đầu tiên dùng tháp pháo tự động, không có người bên trong, kết hợp với lớp giáp tiên tiến, hệ thống bảo vệ chủ động và khả năng cơ động nhanh nhẹn; T-14 Armata có thể bảo vệ kíp xe tốt hơn so với Merkava, khả năng sống sót trên chiến trường vượt trội so với xe tăng Leopard 2 của Đức hoặc M1 Abram của Mỹ.
Về các thiết bị điện tử, nhất là các thiết bị trinh sát, cảm biến, nhận thức tình huống chiến trường, chiếc Merkava lại vượt trội so với Armata; các chuyên gia quân sự lưu ý, các cảm biến là những thiết bị hết sức quan trọng đối với xe tăng hiện đại.
So với các hệ thống quan sát quang học thế hệ cũ, các máy quay camera và các cảm biến quang điện sẽ ít bị tổn thương trước hỏa lực của đối phương.
Trong khi đó, Nga vẫn đi theo thiết kế cổ điển, khi phát triển các loại kính quang học, kể cả xe tăng mới nhất của họ hiện nay đó là chiếc Armata.
Thực tế tại chiến trường Syria, những chiếc T-90 của họ đã bị lực lượng đối lập tại Syria dùng súng bắn tỉa 12,7mm M99 do Trung Quốc sản xuất (được trang bị phổ biến cho các bên tham chiến) bắn hỏng hệ thống gây nhiễu hồng ngoại TSHUL-7, trước khi toàn bộ xe tăng bị trúng tên lửa.
Hệ thống gây nhiễu hồng ngoại của xe tăng T-90 (cũng được trang bị trên Armata) có kích thước tương đối lớn (280mm x 380mm); với súng bắn tỉa M99 trong khoảng cách chỉ là từ 1.000 đến 1.200m, thì với một số lượng súng M99 nhất định, hoàn toàn có thể tiêu diệt được hệ thống này.
Bên cạnh ưu điểm của tháp pháo không người của Armata, giúp bảo vệ an toàn kíp xe, thì tháp pháo này cũng có nhược điểm đó là người chỉ huy không thể nhô người khỏi xe để quan sát.
Vấn đề này có thể giải quyết hoàn toàn bằng hệ thống như Iron Vision; nhưng chắc chắn là hiện nay Nga chưa thể có công nghệ đó, do vậy chiếc Armata con cưng của họ cũng chưa được trang bị.
IronVision là hệ thống quan sát toàn cảnh 360 độ do công ty Elbit Systems của Israel phát triển; cho phép kíp xe quan sát môi trường chiến đấu xung quanh theo thời gian thực mà không phải mạo hiểm thò người qua các cửa quan sát, màn hình hiển thị tương tự như trên các mũ bay của phi công quân sự.
IronVision dựa trên các cảm biến, cho hình ảnh độ phân giải cao trong điều kiện cả ngày lẫn đêm hoặc khói bụi và trong mọi điều kiện thời tiết.
Với giao diện thân thiện với người dùng, IronVision kết nối chặt chẽ giữa các cảm biến trên xe và hệ thống tích hợp thông tin quân sự C4I (chỉ huy - điều khiển - truyền tin - máy tính - tình báo) bên ngoài; tạo cho kíp xe khả năng nhận biết nhanh chóng tình huống trên chiến trường.
Buồng lái được cho là của xe tăng Merkava rất hiện đại.
Iron Vision có thể quan sát hoàn toàn các tình huống quanh xe, từ một người đứng hoặc bò vài mét gần xe, đến người di chuyển sát mặt đất, cách xe 150-300 mét.
Với màn hình hiển thị độc đáo, được gắn ngay trên mũ công tác của mỗi thành viên kíp xe, giúp người sử dụng hoàn toàn tự do di chuyển nhưng vẫn quan sát được tình huống bên ngoài; giúp kíp xe nhanh chóng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu.
Như vậy về nhận thức tình huống, trinh sát phát hiện mục tiêu trên chiến trường thì rõ ràng chiếc Merkava có ưu thế hơn hẳn; với hệ thống Iron Vision sẽ cung cấp cho kíp xe Merkava một lợi thế nhất định.
Thực tiễn trong các cuộc đấu tăng cho thấy, nếu kíp xe phát hiện trước mục tiêu thì luôn giành phần thắng. Trong cuộc chiến hiện đại, ngoài khả năng phát hiện của kíp xe, thì việc thông tin tình báo từ các phương tiện khác như trinh sát trên không, mặt đất có vai trò hết sức quan trọng; mà những lợi thế này Israel luôn vượt trội.
Do vậy dẫu hiện đại và mang nhiều tính cách mạng, nhưng nếu đụng độ trên chiến trường Syria, Armata chưa chắc có cửa thắng trước "chiến mã xa" Merkava của người Israel.
Xe tăng T-14 Armata phô diễn sức mạnh