Nổ lớn tại căn cứ Hama, Syria: Israel tấn công hệ thống phòng không tối tân của Iran?

Trung Phạm |

Kênh truyền hình Sky News cho rằng vụ việc dường như là một vụ tấn công nhằm phá hủy hệ thống phòng không Bavar 373 của Iran được bố trí ở căn cứ Hama, Syria.

Nhiều chi tiết đang dần lộ diện nhưng cho tới thời điểm này vẫn xuất hiện những thông tin mâu thuẫn nhau về mức độ cũng như nguyên nhân gây ra một loạt các vụ nổ lớn ngày 18/5 ở một căn cứ không quân của Syria tại Hama.

Diễn ra không lâu sau vụ Israel oanh tạc phá hủy hàng chục mục tiêu khác nhau ở Syria vào ngày 10/5/2018, một số hãng tin tức nhận định vụ nổ nêu trên có thể là một đợt tấn công nữa nhằm vào hệ thống phòng không tiên tiến của Iran.Thế nhưng, nhiều kênh truyền thông khác lại cho rằng đó là một vụ tai nạn với những mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Những gì được biết cho tới thời điểm này là ngày 18/5/2018 đã xảy ra một loạt vụ nổ lớn làm rung chuyển sân bay quân sự Hama của Quân đội Syria (SAA), địa điểm được cho là một căn cứ của Iran và các lực lượng do nước này hậu thuẫn, đã phá hủy nhiều kho nhiên liệu và đạn dược.

Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al Assad hiện chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào về nguyên nhân hay mức độ thiệt hại do vụ nổ gây ra và liệu sự cố có phá hủy bất cứ máy bay nào hay không.

Israel tấn công hệ thống tên lửa Bavar 373 của Iran?

Thông tin ban đầu từ kênh truyền hình Sky News tiếng Ả Rập cho biết, đã có 2 vụ nổ diễn ra và hàng chục người tại căn cứ đã tử vong. Quan trọng hơn, hãng tin tức này cho rằng vụ việc dường như là một vụ tấn công nhằm phá hủy hệ thống Bavar 373 của Iran được bố trí ở đâu đó trong căn cứ.

Nhưng có một sự thật đã được khẳng định là Israel, cả trong lời nói và hành động, đã bày tỏ quan điểm không chấp nhận việc Iran tăng cường sự hiện diện quân sự và gia tăng ảnh hưởng ở Syria.

Ngày 10/5, sau loạt tập kích bằng rocket nhằm vào phần lãnh thổ do Israel kiểm soát trên Cao nguyên Golan mà Israel cáo buộc do Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thực hiện, Tel Aviv đã ngay lập tức không kích giáng trả phá hủy nhiều mục tiêu của Iran ở Syria cũng như các hệ thống phòng không của chính Syria.

Nổ lớn tại căn cứ Hama, Syria: Israel tấn công hệ thống phòng không tối tân của Iran? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không Bavar 373 của Iran

Tháng 4/2018, Israel cũng đã phát động một đợt không kích tiêu diệt căn cứ sân bay T-4 của Syria nhằm phá hủy các lợi ích của Iran tại đây. Một trong những mục đích của vụ tấn công này là tiêu diệt hệ thống phòng không Tor-M1 do Nga chế tạo mà Iran đã đưa tới Syria.

Như vậy, một vụ tấn công phá hủy hệ thống Bavar 373 rõ ràng rất phù hợp với các mục tiêu của những chiến dịch quân sự gần đây của Israel nhằm vào Syria. Chỉ riêng sự hiện diện của hệ thống này ở Syria cũng có thể cho thấy sự leo thang từ phía Iran. Được tiết lộ vào năm 2016, vũ khí của Bavar 373 được cho là không thu kém gì tên lửa S-300.

Tuy nhiên, những vụ nổ ở căn cứ không quân Hama lại diễn ra giữa ban ngày, không phải là đặc điểm thường thấy của một vụ tấn công tên lửa hoặc oanh tạc từ trên không.

Tất cả những vụ tấn công trước đẩy của Israel nhằm vào Syria đều diễn ra ban đêm. Đây là chiến thuật phổ biến bởi nó giúp che giấu lực lượng tấn công cũng như để gây bất ngờ cho đối phương, khiến họ không có nhiều thời gian phản ứng.

Hơn nữa, các quan chức Iran thông báo, Bavar 373 mới chỉ trải qua giai đoạn thử nghiệm ban đầu vào tháng 1/2018 và chưa rõ họ có tổng số bao nhiêu hệ thống phòng thủ này. Từ lâu, Iran đã có nhu cầu cấp thiết trang bị các hệ thống phòng không tầm xa ở những địa điểm chủ chốt bên trong đất nước, và đây nhiều khả năng là lý do chính để họ phát triển vũ khí này.

Cũng có khả năng, với cam kết triển khai một số vũ khí tiên tiến tới Syria, Iran có thể đã quyết định đưa các hệ thống tên lửa đất đối không này tới đây để giúp Syria tăng cường năng lực phòng không đối phó với các cuộc tấn công trong tương lai của Israel.

Ngược lại, Israel cũng có thể đã quyết định việc phá hủy Bavar 373 là sứ mệnh cấp bách nên họ đã ra tay kể cả là vào ban ngày.

Các tên lửa cũng chưa hẳn là mục tiêu duy nhất hay là trọng tâm của bất cứ chiến dịch quân sự nào của Israel. Tel Aviv đã từng thực hiện các cuộc tấn công phá hủy các nguồn cung quân sự ở Syria cho Hezbollah - lực lượng vũ trang Lebanon được Iran và Syria hậu thuẫn.

Cũng có thể, các vụ nổ là hậu quả của một vụ tấn công bằng các máy bay không người lái, hành động phá hoại hay bằng một số dạng thức tấn công bí mật nào đó nhằm vào căn cứ Hama.

Một số nguồn tin ở Syria khi chia sẻ thông tin với các hãng truyền thông nước ngoài, trong đó có cả hãng thông tấn - phát thanh Sputnik của Nga và kênh truyền hình el-Nashra TV của Lebanon thì cho rằng nguyên nhân của vụ nổ xuất phát từ "sự cố kỹ thuật".

Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria có trụ ở ở Anh, một cơ quan giám sát độc lập cũng cho biết sự cố gây ra là một tai nạn và tổng cộng có 5 vụ nổ tất cả.

Các nguồn tin của tổ chức này nói rằng, ít nhất 11 người đã bị chết, gồm cả người Syria và người nước ngoài, có thể là người Iran hoặc lực lượng do Iran hậu thuẫn.

Nhưng có điều, các vụ nổ có phải do tai nạn hay không thì việc nó diễn ra ở một căn cứ quân sự lớn tại Syria rõ ràng nó là một tín hiệu rất có thể sẽ dẫn tới những tính toán sai lầm tiếp theo.

Tên lửa Israel không kích Thủ đô Damascus của Syria đêm 9/5/2018

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại