Ý tưởng này được các nhà nghiên cứu tới từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đưa ra trong dự án tạo ra tia laser khổng lồ chiếu lên vũ trụ được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal hôm 5/11.
"Tôi không biết các sinh vật thông minh xung quanh Mặt trời có phải là vị khách đầu tiên mà các tia laser này phát hiện hay không, nhưng chắc chắn nó sẽ gây chú ý", James Clark, một nhà nghiên cứu thuộc dự án cho biết.
Nhóm nghiên cứu tới từ Viện Công nghệ Massachusetts đề xuất chiếu tia laser để gửi tín hiệu tới người ngoài hành tinh. (Ảnh: MIT)
Theo ông Clark, cách tiếp cận này sẽ giúp chúng ta nhanh chóng kết nối với các sinh vật tới từ các hành tinh khác. Ông này cũng lưu ý rằng các tia laser được sử dụng làm cầu nối giữa Trái đất và sinh vật ngoài hành tinh sẽ phải đảm bảo có khả năng xuyên qua không gian vũ trụ với khoảng cách 20.000 năm ánh sáng.
Từ giả thiết này, Clark và các cộng sự đề xuất chế tạo một loại kính thiên văn với đường kính vào khoảng 30 m, có khả năng chiếu các tia laser có công suất từ 1 đến 2 megawatt.
Mục tiêu cụ thể mà nhóm nghiên cứu đề ra với ý tưởng này là tiếp cận với các sinh vật sống trong vùng Proxima Centauri - ngôi sao lùn, đỏ ở gần Mặt trời nhất.
Điểm đến được nhắm tới tiếp theo là TRAPPIST-1, ngôi sao lùn nâu cách Mặt Trời 39 năm ánh sáng nằm trong chòm sao Bảo Bình.
"Nếu thành công, chúng tôi có thể phát ra một thông điệp với tốc độ dữ liệu vào khoảng vài trăm bit mỗi giây, sẽ đến đó chỉ trong vài năm", ông Clark cho biết.
Mặc dù khá nhiều người tỏ ra hào hứng với đề xuất này, một số ý kiến cảnh báo phương thức tiếp cận trên có thể phản tác dụng khi dẫn người ngoài hành tinh xâm lược tới Trái đất. Bên cạnh đó, việc chiếu một chùm tia với bức xạ mạnh sẽ gây ra những vấn đề an toàn về mắt với bất kỳ ai nhìn thẳng vào nó.
Mặc dù vậy, Clark khẳng định đây là một kế hoạch khả thi, thắp lên hy vọng tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh trong bối cảnh mọi nỗ lực của loài người cho đến nay vẫn thất bại.