Cụ thể, Xinhua đưa tin, một nhóm các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện ra 3,5 lít chất lỏng màu vàng (yellow fluid) đựng trong một chiếc bình cổ bằng đồng ở ngôi mộ có niên đại từ thời nhà Tây Hán (202 TCN- 8) tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Sau khi rót ra cốc thí nghiệm, chính mùi thơm đặc trưng của chất lỏng này đã khiến các nhà nghiên cứu chú ý đến. Shi JiaZhen, người đứng đầu của Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ tại thành phố Lạc Dương, chia sẻ: "Chất lỏng có mùi thơm giống rượu".
Rượu làm từ gạo hoặc cao lương là thành phần quan trọng trong những nghi lễ hoặc lễ cúng tế của người Trung Quốc thời xa xưa, và nó thường được đựng trong bình rượu bằng đồng chạm khắc tinh xảo. Vì thế, nó được xem là thức uống thượng hạng thời cổ đại.
Ngay từ thời xa xưa, người Trung Quốc thường ủ và đựng rượu trong bình. Ảnh: Getty Images
Nhà nghiên cứu Shi Jiazhen cho biết thêm, các thử nghiệm tiếp theo sẽ giúp tiết lộ các thành phần thực sự của chất lỏng có niên đại 2.000 năm tuổi.
Bên cạnh rượu cổ nghìn năm, hài cốt người cùng nhiều đồ tạo tác bằng đồng và số lượng lớn các niêu đất sơn màu cũng được tìm thấy tại khu mộ có diện tích khoảng 210m2.
Một đồ tạo tác bằng đồng có xuất xứ từ thời nhà Tây Hán, được tìm thấy trong ngôi mộ. Ảnh: IC
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu phát hiện ra chiếc đèn hình ngỗng trời trong hầm mộ. Đây được cho là cổ vật đầu tiên có hình dạng này mà giới nghiên cứu tìm thấy ở Lạc Dương, kinh đô lâu đời của 13 triều đại với lịch sử lên tới 3.000 năm.
Đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia khảo cổ phát hiện ra rượu gạo cổ ở Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 3/2018, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy thức uống này trong một ngôi mộ cổ ở gần Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây.
Zhang Yanglizheng, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Thiểm Tây, cho biết: "Loại rượu mà chúng tôi tìm thấy có màu trắng sữa và hơi đục. Những thí nghiệm sau đó cho thấy rằng rượu này tập trung cao các chất axit amin và một lượng nhỏ protein và axit béo, tương tự như rượu gạo mà chúng ta uống ngày nay".
Nhóm chuyên gia nhận định rằng những bằng chứng mới về khảo cổ vừa được phát hiện đang làm thay đổi sự hiểu biết của các nhà khoa học về Trung Quốc thời cổ đại.
Tham khảo nguồn: Newsweek, Chinadaily