Cuộc xung đột Israel-Hamas đã bước sang tháng thứ hai. Israel đã tăng cường các cuộc không kích Gaza và xe tăng cũng như binh lính của họ đang tiến vào vùng đất này.
Theo cơ quan y tế do Hamas điều hành, hơn 10.000 người, trong đó có 4.104 trẻ em đã thiệt mạng tại Gaza.
Hoạt động quân sự của Lực lượng Phòng vệ Israel tại một địa điểm ở Gaza vào ngày 5/11. Ảnh: Reuters
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi Israel dừng chiến dịch. Thế giới Ả Rập đã kêu gọi ngừng bắn; Mỹ đang gây áp lực để tạm dừng cuộc tấn công vào Gaza.
Reuters đưa tin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 6/11 nói Israel sẽ xem xét "các đợt tạm dừng chiến thuật nhỏ" giữa giao tranh ở Gaza để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận viện trợ hoặc đưa con tin ra ngoài.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với mạng truyền hình Mỹ ABC News, ông Netanyahu đã từ chối lời kêu gọi ngừng bắn.
Khi được hỏi về khả năng tạm dừng giao tranh vì mục đích nhân đạo, Thủ tướng Israel nói rằng lệnh ngừng bắn chung sẽ cản trở nỗ lực trong cuộc chiến của đất nước ông.
"Về những lần tạm dừng nhỏ mang tính chiến thuật – một giờ ở đây, một giờ ở kia – chúng tôi đã từng có trước đây. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ kiểm soát các tình huống để cho phép hàng hóa, hàng viện trợ nhân đạo được đưa vào [Dải Gaza] hoặc các con tin của chúng tôi, các con tin cá nhân, có thể rời đi", ông Netanyahu nói với ABC News hôm mùng 6.
'Tạm dừng chiến thuật' là gì?
Theo tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London, các thuật ngữ "tạm dừng chiến thuật" hoặc "ngừng bắn" không được định nghĩa trong luật pháp quốc tế. Những người bị lôi kéo vào các cuộc xung đột vũ trang không bắt buộc phải áp dụng các biện pháp như vậy theo luật.
Khi đó, việc tạm dừng chiến thuật là sự dừng tạm thời trong cuộc chiến, tạo điều kiện cho những việc khác xảy ra. Đây hoàn toàn là vì lý do nhân đạo. Việc tạm dừng có thể được giới hạn ở một khu vực cụ thể để cho phép các hoạt động nhân đạo. Chúng thường có hiệu lực trong một khoảng thời gian cụ thể và có thể kéo dài ít nhất là một vài giờ.
Samir Puri - giảng viên thỉnh giảng về nghiên cứu chiến tranh tại trường King's College London - nói: "Việc tạm dừng nhân đạo thực sự sẽ là một hiệp định đình chiến để cho phép hàng viện trợ hoặc những người cần sơ tán đi qua."
Theo Chatham House, việc tạm dừng chiến thuật có thể thúc đẩy các nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế. Chúng bao gồm việc sơ tán những người bị thương và bệnh tật, hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo nhanh chóng và không bị cản trở.
Cựu đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder đánh giá: "Chúng tôi đã thấy ít nhất một vài lần tạm dừng trong cuộc giao tranh của Israel khi các con tin - bốn con tin - đã được thả, rời khỏi Gaza và quay trở lại Israel."
Vào ngày 2/11, hàng trăm công dân nước ngoài và hàng chục người Palestine bị thương nặng đã được phép rời Gaza sau hơn ba tuần bị bao vây. Ảnh: Reuters
‘Tạm dừng chiến thuật’ khác với 'ngừng bắn' như thế nào?
Theo Al-Jazeera, sự khác biệt chính giữa "tạm dừng chiến thuật" và "ngừng bắn" là mục đích đình chỉ: tạm dừng để cho phép tiến hành một hoạt động nhân đạo cụ thể hoặc là đình chỉ chiến sự tổng thể.
Ngừng bắn có nghĩa là cuộc chiến giữa hai bên tham chiến chấm dứt hoặc dừng lại. Nó có hiệu lực sau khi các bên liên quan đạt được thỏa thuận và thường liên quan đến một tiến trình chính trị chính thức với những hứa hẹn sẽ làm giảm xung đột. Theo Al-Jazeera, điều này có thể đòi hỏi các bên phải rút vũ khí và bố trí lại quân đội.
Lệnh ngừng bắn thường bao trùm toàn bộ khu vực địa lý nơi chiến sự đang diễn ra, và nó có thể dẫn đến một giải pháp lâu dài.
Al-Jazeera nhận định, trong trường hợp xung đột Israel-Hamas, lệnh ngừng bắn sẽ liên quan đến việc Israel rút xe tăng và quân đội khỏi Gaza, đồng thời Hamas hứa sẽ thả tất cả con tin.
Những quốc gia nào đã kêu gọi ngừng bắn?
Reuters ngày 6/11 đưa tin, những người đứng đầu một số cơ quan lớn của Liên Hợp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi thống nhất về lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Gaza. 18 bên đã ký vào lời kêu gọi, bao gồm Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Turk, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus và Giám đốc viện trợ Liên Hợp Quốc Martin Griffiths.
"Toàn bộ người dân bị bao vây và bị tấn công, không được tiếp cận những nhu yếu phẩm cần thiết để sinh tồn, bị ném bom vào nhà, nơi trú ẩn, bệnh viện và nơi thờ cúng của họ. Điều này là không thể chấp nhận được", lời kêu gọi viết.
Nga cũng đã kêu gọi ngừng bắn kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 7/10 sau cuộc đột kích của Hamas vào Israel.
Thế giới Ả Rập đã yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi hôm 5/11 cho biết, các nước Ả Rập muốn có lệnh ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời nói rằng "cả khu vực đang chìm trong biển hận thù sẽ định hình các thế hệ mai sau".
Người Palestine tại một bệnh viện ở trung tâm Dải Gaza sau cuộc tấn công của Israel vào ngày 5/11. Ảnh: Reuters
Mỹ bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken - người đang có chuyến thăm thứ hai tới Tây Á kể từ khi xung đột bùng nổ - đã gặp các ngoại trưởng Ả Rập ở Jordan vào ngày 4/11 sau cuộc hội đàm tại Israel với Thủ tướng Netanyahu. Trước đó nhà lãnh đạo Israel khẳng định không thể có lệnh ngừng bắn tạm thời cho đến khi tất cả con tin bị Hamas bắt giữ được thả.
Ông Blinken nói: "Quan điểm của chúng tôi hiện nay là lệnh ngừng bắn sẽ chỉ đơn giản là giúp Hamas tồn tại, có thể tập hợp lại và lặp lại những gì họ đã làm vào ngày 7/10."
Ông Blinken cũng cho biết, việc tạm dừng nhân đạo có thể rất quan trọng trong việc bảo vệ dân thường, tiếp nhận viện trợ và đưa công dân nước ngoài ra khỏi Gaza, "trong khi vẫn giúp Israel đạt được mục tiêu của mình là đánh bại Hamas".
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng kêu gọi "tạm dừng" nhân đạo trong cuộc giao tranh.
Các quan chức Nhà Trắng sau đó cho biết, việc tạm dừng giao tranh sẽ cho phép nhiều viện trợ hơn được đưa vào Gaza và tạo cơ hội cho nhiều con tin bị Hamas bắt giữ được giải thoát.
Sky News (Anh) đưa tin, giống như Mỹ, Anh không ủng hộ lệnh ngừng bắn. Liên minh châu Âu (EU) cũng không thể đạt được đồng thuận về lời kêu gọi ngừng bắn, thay vào đó ủng hộ việc tạm dừng nhân đạo.