Jordan để ngỏ 'mọi khả năng' với Israel
Trong bối cảnh xung đột Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, một quốc gia vừa bất ngờ lên tiếng vạch "lằn ranh đỏ" với Israel.
Cụ thể, theo hãng tin Reuters, trong ngày 6/11, Jordan tuyên bố sẽ "để ngỏ mọi khả năng" để đáp trả việc Israel "không phân biệt mục tiêu dân sự và quân sự" khi tăng cường bắn phá Dải Gaza.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Jordan triệu hồi đại sứ từ Israel để phản đối cuộc tấn công của quốc gia Do Thái.
"Chúng tôi đang để ngỏ tất cả các lựa chọn nhằm đáp trả hành động của Israel ở Gaza và những hệ lụy mà hành động đó gây ra" - Thủ tướng Bisher al Khasawneh cho hay, song không nói rõ những bước đi mà Jordan sẽ thực hiện.
"Cuộc tấn công của Israel không có sự phân biệt giữa các mục tiêu quân sự - dân sự và đang mở rộng sang các khu vực an toàn, nhằm cả vào xe cứu thương" - Ông Khasawneh nói.
Trước đó, Jordan tuyên bố Đại sứ Israel - người đã rời thủ đô Amman ngay sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas hôm 7/10 - sẽ không được chào đón quay trở lại Jordan.
Thủ tướng Jordan Bisher al Khasawneh. Ảnh: Reuters
Nói với Reuters, các nhà ngoại giao nắm rõ quan điểm của Jordan cho biết, quốc gia này đang xem xét lại mối quan hệ kinh tế, an ninh, chính trị với Israel và có thể sẽ đóng băng hoặc tạm dừng một phần hiệp ước hòa bình ký kết năm 1994 với Israel nếu tình hình xung đột ở Gaza trở nên tồi tệ hơn.
Cuộc chiến Israel-Hamas đã khơi lại nỗi lo sợ đã tồn tại lâu nay ở Jordan - nơi sinh sống của một lượng lớn người tị nạn Palestine và con cháu của họ. Hiện Jordan lo ngại rằng Israel có thể trục xuất hàng loạt người Palestine ra khỏi khu vực bờ Tây do Tel Aviv nắm quyền kiểm soát, buộc họ chạy qua Jordan (do có chung biên giới với khu Bờ Tây).
Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi tuần trước tuyên bố, bất cứ hành động nào thúc ép người Palestine chạy qua Jordan sẽ là "lằn ranh đỏ", tương đương với lời tuyên chiến.
"Chúng tôi sẽ đối đầu với bất cứ nỗ lực nào từ phía Israel trong việc trục xuất người Palestine để thay đổi địa lý và nhân khẩu học" - Ông Safadi nhấn mạnh.
Các nguồn tin an ninh cho biết, quân đội Jordan hiện đã tăng cường và củng cố các vị trí dọc biên giới.
Về phần mình, Israel phủ nhận việc cố tình nhắm vào mục tiêu dân sự ở các khu vực đông dân cư. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Israel cho hay, quan hệ của nước này với Jordan "có tầm quan trọng chiến lược với cả đôi bên, Israel cũng lấy làm tiếc về những tuyên bố mang tính kích động từ lãnh đạo Jordan".
Lời cảnh cáo không thể xem nhẹ
Theo Avia.Pro (Nga), Jordan đã cho thấy lập trường cứng rắn trong xung đột Israel-Hamas. "Lằn ranh đỏ" được vạch ra cho thấy, nếu người Palestine bị Israel trục xuất khỏi khu Bờ Tây và chạy sang Jordan, nước này cũng không loại trừ khả năng đối đầu quân sự với Israel nếu cần.
Đáng nói, mặc dù có sức mạnh quân sự rất khiêm tốn khi chỉ đứng thứ 81 trên thế giới, so với vị trí số 18 của Israel (theo xếp hạng của Global FirePower) nhưng không phải vì thế mà lời cảnh báo của Jordan không có sức nặng.
Jordan được Mỹ cực kỳ ưu ái và hỗ trợ nhiều về quân sự. Đặc biệt, nước này còn có lực lượng đặc nhiệm thiện chiến bậc nhất Trung Đông.
Báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết, Jordan là đối tác quan trọng của Mỹ ở Trung Đông, cũng là đối tác lâu năm của Mỹ trong hoạt động chống khủng bố toàn cầu.
Các quan chức Mỹ thường xuyên bày tỏ quan điểm ủng hộ Jordan. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thừa nhận vai trò của Jordan với tư cách là đối tác trung tâm của Mỹ trong việc thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine. Nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho vương quốc này. Hiện tại Jordan có gần 3.000 lính Mỹ đồn trú.
Hợp tác quân sự Mỹ - Jordan là trọng điểm trong quan hệ song phương. Washington tạo điều kiện cho Jordan mua sắm và duy trì nhiều hệ thống vũ khí quy ước do Mỹ sản xuất. Đến nay, Ủy ban Liên hợp Quân sự Mỹ - Jordan đã tổ chức 43 cuộc họp và gặp mặt, trong đó các quan chức cấp cao từ 2 phía tập trung thảo luận về khả năng tăng cường hợp tác và mua sắm trong tương lai.
Hàng năm, nguồn viện trợ quân sự từ Mỹ chiếm ít nhất 20% tổng ngân sách quốc phòng của Jordan.
Jordan có lực lượng đặc nhiệm thiện chiến bậc nhất khu vực. Ảnh: Business Insider
Cuối tháng 10 vừa qua, Reuters cho biết, Jordan đã yêu cầu Washington triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại nước này để tăng cường phòng thủ biên giới trong bối cảnh xung đột khu vực gia tăng.
"Chúng tôi đã yêu cầu phía Mỹ giúp củng cố mạng lưới phòng thủ của chúng tôi bằng hệ thống tên lửa phòng không Patriot" - Chuẩn tướng Mustafa Hiyari, người phát ngôn quân đội Jordan, cho hay.
Về đặc nhiệm Jordan, theo Business Insider, đây là một trong những lực lượng chiến đấu thiện chiến nhất trong khu vực với quy mô khoảng 14.000 người, được thành lập từ năm 1963. Họ thường xuyên tham gia huấn luyện cùng đặc nhiệm Mỹ và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến đấu qua các đợt triển khai tới Afghanistan.
Jordan cũng là trung tâm toàn cầu về huấn luyện lực lượng đặc biệt. Trung tâm King Abdullah (KASOTC) của nước này rất nổi tiếng trong việc huấn luyện tác chiến đặc biệt và thường xuyên được các quốc gia khác tìm đến.
Israel còn lý do khác để dè chừng Jordan
Nếu sức mạnh quân sự của Jordan chưa đủ để khiến Israel phải e ngại thì theo tờ The National News, quốc gia này đang giữ một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ sự cân bằng mong manh giữa các dân tộc - tôn giáo đầy biến động ở Jerusalem.
Quốc gia này một mặt phụ thuộc vào Israel về mặt kinh tế và chính trị trong các lĩnh vực như nước và năng lượng, hợp tác an ninh và viện trợ quốc tế nhưng mặt khác lại là trung gian then chốt giữa Israel với người Palestine trong những thời điểm căng thẳng ở thành phố.
"Tại Jerusalem không chỉ tồn tại mối quan hệ song phương giữa Israel và Palestine, đó là một tam giác và luôn phải bao gồm cả Jordan" - Daniel Seidemann, một chuyên gia Israel về Jerusalem cho hay.
Bên cạnh đó, theo Foreign Policy, Jordan là quốc gia có biên giới dài nhất với Israel nhưng cũng là nơi có ít biến động nhất.
Vì thế, nếu duy trì được mối quan hệ yên ổn và tốt đẹp, quân đội Israel chỉ cần triển khai 3 tiểu đoàn dọc biên giới với Jordan, từ đó giải phóng được nguồn lực để triển khai ở khu Bờ Tây và gần Lebanon.