Chiến trường Syria lại một lần nữa đỏ lửa khi ngày 10/5, Israel tấn công đồng thời vào Damascus và các mục tiêu của Iran tại Syria, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng, trong đó có 8 người mang quốc tịch Iran, nhằm đáp trả cáo buộc Iran đã phóng 20 quả tên lửa vào các vị trí của quân đội Israel trên Cao nguyên Golan.
Cuộc tấn công qua lại bằng tên lửa
Vụ việc diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông đã đặt bút ký năm 2015.
Diễn biến mới nhất này khiến giới phân tích hoài nghi về việc liệu Israel đang có ý định tiến hành một cuộc chiến với Iran và tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ để xúc tiến một cuộc chiến quy mô lớn hơn hay không.
Kênh truyền hình al Jazeera cho biết, đây là lần đầu tiên Israel trực tiếp cáo buộc Iran tấn công nước này từ lãnh thổ Syria kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011.
Sau đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã đáp trả bằng cách không kích xuống khoảng 50 mục tiêu quân sự của Iran ở khắp Syria. IDF cho biết, đợt tập kích đáp trả này, là do các máy bay chiến đấu của Không quân Israel tiến hành, tấn công vào các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Syria. Đồng thời, Quân đội Israel cũng cảnh báo Syria "đừng mạo hiểm đáp trả".
Theo nguồn tin từ quân đội Israel, đây là đợt phản công lớn nhất của Israel nhằm vào Syria kể từ khi hai nước ký kết Thỏa thuận đình chiến vào tháng 5/1974. Cũng theo Haaretz, Nga đã được thông báo trước về vụ tấn công.
Tuy nhiên, cả quân đội Syria và phía Nga đều khẳng định các hệ thống phòng không của Syria đã chặn đứng "phần lớn" tên lửa Israel.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết 28 chiến đấu cơ F-15 và F-16 của Israel đã phóng khoảng 60 tên lửa không đối đất suốt 2 tiếng đồng hồ sáng ngày 10/5. Ngoài ra, Israel cũng phóng 10 tên lửa đất đối đất chiến thuật. Tuy nhiên, phòng không Syria đã bắn hạ hơn 1 nửa số tên lửa này.
“Âm mưu” của Israel
Hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên gia phân tích về an ninh và các vấn đề quốc tế Mark Sleboda nhận định, những gì Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu muốn là lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột với Iran. “Có rất nhiều nhân vật tân bảo thủ vây quanh Tổng thống Donald Trump có ý muốn tương tự như Israel và sẵn sàng tham gia vào kế hoạch hành động này”.
Chẳng vậy mà sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nói lời cảm ơn và ủng hộ hoàn toàn kế hoạch của nhà lãnh đạo Mỹ.
Ngay sau đó, giới chức Israel cũng đặt quân đội trong tình trạng báo động cao tại Cao nguyên Golan, lấy lý do Iran đang tăng cường các hoạt động quân sự tại khu vực biên giới phía bắc của Israel. Israel cũng cho biết Iran có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa, xây dựng các hầm trú bom và di chuyển khí tài quân sự tới Cao nguyên Golan.
Phát biểu với báo chí hôm 10/5, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga Leonid Slutsky nhấn mạnh:
“Việc Israel tấn công vào các cứ điểm của Iran tại Syria là hành động đã được lên kế hoạch trực tiếp và là mắt xích tiếp theo trong chuỗi hành động khiêu khích của Mỹ-Israel chống lại Iran. Với cuộc không kích này, Israel đang gia tăng đe dọa đối đầu quân sự với Iran”.
Như vậy, bằng các hoạt động chuẩn bị và các cuộc không kích, dường như Israel muốn gây ra một cuộc chiến tranh với Iran, trước hết ở Syria. Tel Aviv có lẽ muốn lôi kéo thêm Mỹ tham chiến một cách cụ thể hơn trong khi Washington đến thời điểm này đang cố kiềm chế.
Mỹ lên tiếng
Ngay sau khi cuộc tấn công giữa Israel và Iran nổ ra, Mỹ gửi thông điệp ủng hộ Israel và lên án Iran. Phía Mỹ đã bày tỏ quan ngại về các vụ tấn công tên lửa nhằm vào các lực lượng Israel mà Iran bị cáo buộc tiến hành ở cao nguyên Golan, đồng thời, bênh vực "quyền phòng vệ" của Tel Aviv.
“Việc chính quyền Iran triển khai tại Syria các hệ thống tên lửa tấn công nhằm vào Israel là không thể chấp nhận được và là diễn biến cực kỳ nguy hiểm đối với toàn bộ Trung Đông”, tuyên bố từ phía Mỹ cho biết.
Mỹ cũng cho rằng, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) "phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những hậu quả của hành động liều lĩnh của nước này."
Trước đó, hãng tin CNN dẫn nguồn tin từ một số quan chức tình báo Mỹ lo ngại Iran đang chuẩn bị một cuộc tấn công nhằm vào Israel. Nguồn tin này không nêu rõ khi nào cuộc tấn công diễn ra và được thực hiện ra sao. Hiện phía Mỹ vẫn theo dõi chặt chẽ các hành động của lực lượng do Iran hậu thuẫn bên trong Syria, Lebanon hoặc thậm chí ngay trong lòng Iran.
Chiến tranh có thực sự diễn ra?
Theo một số nhà phân tích, dù Israel và Iran có những hành động leo thang căng thẳng, các bên vẫn sẽ giữ tình hình trong tầm kiểm soát. Giáo sư Yossi Mekelberg, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Regent, London cho rằng:
“Tôi không nghĩ Israel muốn tiếp tục một cuộc chiến kéo dài với Iran bởi nguy cơ này có thể lan rộng sang các quốc gia khác tại khu vực Trung Đông, trong đó có Lebanon, nơi có căn cứ của lực lượng Hezbollah, vốn là đồng minh của Iran”.
“Cuộc tấn công của Israel vào các căn cứ quân sự của Iran là nỗ lực cuối cùng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu để giữ thể diện trong bối cảnh buộc phải chấp nhận chiến thắng của chính phủ Syria và các lực lượng ủng hộ Iran.
Cuộc tấn công chỉ nhằm mục đích gửi đi thông điệp rằng Israel không bị thua cuộc trên chiến trường Syria”, ông Ghanbar Naderi, chuyên gia phân tích chính trị Iran khẳng định.