IRGC - đội quân tinh nhuệ và quyền lực của Iran

HÀ LAN |

Sở hữu đội quân tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là tổ chức an ninh quyền lực nhất ở Iran hiện nay. Không chỉ có tầm ảnh hưởng lớn về an ninh, chính trị cũng như kinh tế trong nước, IRGC còn có sức mạnh vươn ra toàn khu vực Trung Đông...

Lực lượng bảo vệ cách mạng

Theo BBC, IRGC được thành lập 40 năm trước với nhiệm vụ bảo vệ chế độ Hồi giáo khỏi các mối đe dọa, đồng thời trở thành đối trọng với quân đội truyền thống của Iran, vốn được cho là còn trung thành với các Shah (vua Ba Tư) đang chịu lưu đày sau khi bị cách mạng lật đổ.

Trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran, Shah Mohammad Reza Pahlavi đã dựa vào sức mạnh quân đội để bảo vệ quyền lực của mình.

Sau khi cách mạng thành công, chính quyền Hồi giáo mới, đứng đầu là lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini, nhận ra rằng họ cần một lực lượng quân sự tinh nhuệ giúp bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Hồi giáo.

Do đó, các giáo sĩ đã xây dựng bản hiến pháp mới cho phép thành lập IRGC hoạt động độc lập với lực lượng quân đội chính quy.

Nắm quyền kiểm soát các hoạt động quân sự quan trọngMột số nhà phân tích cho rằng IRGC đã trở thành một lực lượng giống như "nhà nước trong nhà nước".

Vai trò của IRGC được ghi nhận trong Hiến pháp Iran và lực lượng này chỉ tuân theo lệnh của nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, do đó cũng mang đến cho họ một loạt quyền lực lớn về pháp lý, chính trị và cả tôn giáo.

Mặc dù có quân số ước tính khoảng 150.000 quân nhân, ít hơn 300.000 người so với quân đội chính quy, nhưng IRGC lại đứng sau nhiều hoạt động quân sự quan trọng của đất nước.

Vai trò xã hội, chính trị, quân sự và kinh tế của IRGC đã được mở rộng dưới thời chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, đặc biệt sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2009. Hiện nay, vai trò chính của IRGC là bảo vệ an ninh quốc gia.

Lực lượng này chịu trách nhiệm về an ninh nội bộ và biên giới, thực thi pháp luật và điều hành lực lượng tên lửa của Iran.

Các hoạt động của IRGC hướng đến chiến tranh bất đối xứng và các nhiệm vụ ít truyền thống hơn, bao gồm kiểm soát buôn lậu, kiểm soát Eo biển chiến lược Hormuz và các hoạt động kháng chiến.

IRGC chia thành các lực lượng lục quân, hải quân, không quân cùng lực lượng tình báo và đặc nhiệm. Hải quân IRGC được giao nhiệm vụ tuần tra Eo biển Hormuz, tuyến đường biển duy nhất nối vịnh Persic với vịnh Oman ra Ấn Độ Dương, nơi 20% nguồn cung cấp dầu của thế giới được vận chuyển qua mỗi ngày.

Trong khi đó, không quân của IRGC là lực lượng duy nhất có quyền giám sát chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và đã tiến hành một số thử nghiệm kể từ sau Thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Bên cạnh đó, IRGC cũng nắm quyền kiểm soát lực lượng dân quân Basij bán quân sự với khoảng 90.000 thành viên thường trực cùng mạng lưới Bonyad Taavon Basij, gồm ít nhất 20 tập đoàn và tổ chức tài chính có số vốn nhiều tỷ USD, chi phối một phần đáng kể nền kinh tế Iran.

Sức mạnh vươn tầm khu vực

Sức mạnh của IRGC không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra khắp khu vực Trung Đông. Một trong những đội quân góp phần quan trọng vào việc gây dựng danh tiếng cho IRGC tại khu vực là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ hoạt động ở nước ngoài Quds.

Giáo chủ Iran Khamenei, người kế vị lãnh tụ Khomeini, đã thành lập lực lượng Quds vào năm 1989.

Quds được ước tính có số lượng binh sĩ khoảng 2.000-5.000 người, đứng đầu là Thiếu tướng Qassem Soleimani, người đã cố vấn cho các lực lượng chiến đấu với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Quds cũng được cho là hợp tác với lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine.

Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc lực lượng Quds là "công cụ đắc lực của Iran trong việc nuôi dưỡng và hỗ trợ" các nhóm khủng bố trên khắp Trung Đông mà Mỹ đã liệt vào "danh sách đen" - bao gồm lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine, bằng cách cung cấp tài chính, vũ khí, thiết bị và hỗ trợ huấn luyện binh sĩ.

Năm 2011, Chính quyền Mỹ cũng lên tiếng cáo buộc lực lượng Quds có liên quan tới âm mưu ám sát đại sứ Saudi Arabia ở Washington, đồng thời đứng sau các cuộc tấn công khủng bố ở 5 trong số 7 châu lục.

Trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiều lần thể hiện sự ưu ái đối với đồng minh thân cận Israel, các chuyên gia nhận định việc Washington liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố là động thái không mấy bất ngờ.

Hồi tuần trước, Đặc phái viên của Mỹ về Iran Brian Hook cho rằng dưới vỏ bọc của cuộc chiến Syria, IRGC hiện đang cố gắng cắm rễ quân sự ở quốc gia Trung Đông này và thiết lập một căn cứ chiến lược mới nhằm đe dọa các nước láng giềng của Syria như Israel.

Tuy nhiên, động thái của Washington được giới chuyên gia nhận định chẳng khác nào "con dao hai lưỡi" bởi nó có thể trở thành cái cớ để những quốc gia đối địch với Washington áp dụng những biện pháp tương tự nhằm vào các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại