Iraq hậu IS: Quyền lực Mỹ bị phủ mờ trước Iran?

An Bình |

Thời điểm cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq kết thúc cũng báo hiệu việc Mỹ dường như đang xa rời đất nước này.

Theo Reuters, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã tuyên bố chiến thắng nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) vào ngày 9/12/2017. Và trong khi tại một vài nơi, xung đột vẫn đang diễn ra thì về tổng thể, cuộc chiến Iraq thực sự đã kết thúc.

Tuy nhiên, nước Mỹ dường như đã quá yên lặng với khoảnh khắc này – một sự kiện mà có thể cách đây vài năm vẫn luôn là những dòng thời sự nóng hổi hàng đầu. Có thể là bởi vì nước Mỹ không có nhiều điều để ăn mừng với những diễn biến tại Iraq thời hậu IS.

Thế trận chính trường Iraq

Diễn biến lớn tiếp theo ở Iraq sẽ là cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Các lằn ranh định hình Iraq thời hậu IS đang ngày càng trở nên rõ ràng. Trong khi đó, một điều vẫn còn mù mờ là liệu chiến lược đánh bại IS đã thành công hoàn toàn hay chưa và cuộc chiến của Mỹ tại Iraq có phải đã kết thúc?

Iraq hậu IS: Quyền lực Mỹ bị phủ mờ trước Iran? - Ảnh 1.

Người dân Iraq ăn mừng chiến thắng trước IS. (Nguồn: Reuters)

Điều quan trọng hiện tại là sự thiếu vắng rõ rệt ảnh hưởng của Mỹ tại Iraq. Hai ứng cử viên chính trong cuộc bầu cử sắp tới là Thủ tướng Abadi, và cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki. Cả hai đều đến từ đảng Shi'ite Dawa, và cả hai đều có quan hệ gần gũi với Iran. Đây là những cái tên đã rất quen thuộc với Mỹ khi Washington đã từng ủng hộ họ trong một số thời điểm trước đây.

Hiện tại Abadi - một người Shi'ite được ủng hộ bởi một nhóm thân cận Iran, nói rằng ông tranh cử với tư cách người đứng đầu một khối đa tôn giáo. Ông đã tiếp quản quyền lãnh đạo từ Maliki, cũng là một đồng minh thân cận của Iran bị các nhà chính trị Iraq đổ lỗi cho sự thất bại của quân đội nước này trong việc ngăn chặn IS chiếm 1/3 lãnh thổ Iraq.

Trước đó, dù nhận được kì vọng cao của Mỹ trong năm 2014, nhưng ông Abadi không có nhiều động thái để đưa người Sunni vào bộ máy tư pháp, quân đội và cảnh sát của Iraq – vốn do người Shiite thống trị. Ông cũng không tạo ra cơ hội kinh tế cho người Sunni hoặc nâng cấp các dịch vụ công cho họ.

Thay vào đó, Abadi tạo ra các chia rẽ mới, khi tiếp tục hợp tác sâu hơn với Iran , gửi các lực lượng bán quân sự người Shiite do Iran hỗ trợ - khoảng hơn 120.000 người tới các khu vực của người Sunni.

Cái giá phải trả rơi vào Sunni?

Theo Reuters, cả cựu Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Trump đều đã làm việc chặt chẽ với Abadi nhằm xóa sổ IS, trong khi chưa tính tới số phận của người Sunni tại nước này. Hiện tại, Mỹ đang có một sự xa rời lớn so với chiến lược can dự trong cuộc chiến Iraq 2003-2011: Washington có thể sẽ không có động thái chính trị nào theo sau những diễn biến hiện tại, không tham gia tái thiết đất nước, trong khi vẫn duy trì một phần lực lượng tại đây.

Hiện tại, Washington sẽ không còn quan tâm đến chính trị nội bộ của Iraq, ngay cả khi một chính phủ người Shiite ở Baghdad sẽ về dưới sự bảo trợ của Tehran.

Chính sách xa rời Iraq lâu nay đã phần nào được thực hiện, điển hình như việc giải quyết vấn đề của người Kurd. Vào tháng 9/2017, người Kurd đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập khỏi Iraq – một động thái được cho là muốn thấy rõ lập trường của Mỹ.

Tuy nhiên, Washington đã đứng ngoài cuộc khi lực lượng dân quân người Shiite thân cận với chính phủ Baghdad đẩy người Kurd ra khỏi các khu vực tranh chấp tại Iraq, bao gồm thành phố dầu mỏ Kirkuk.

Sau nhiều thập kỉ nhận được lời cam kết từ Mỹ, người Kurd hiện tại vẫn chỉ kiểm soát một khu vực tự trị nhỏ. Trong cuộc chiến chống IS, với sự hỗ trợ từ Washington, họ đã là lực lượng chính đẩy lui IS ra khỏi Iraq – chấm dứt thời kì đen tối khi 1/3 lãnh thổ nước này nằm trong tay IS.

Vào năm 2018, theo một số nhà phân tích gọi là "Chạng vạng của người Kurd", họ sẽ không còn có chỗ trong chính sách đối ngoại của Washington nữa. Chiến lược của Mỹ chống lại IS đã hoàn tất. Kế hoạch từng bước cho cuộc chiến tại đây: tái chiếm Ramadi, Fallujah, và Mosul đã lần lượt được thực hiện.

Mấu chốt cạnh tranh Mỹ - Iran

Và không giống như cuộc chiến tranh năm 2003-2011, khi Mỹ đã chi 60 tỷ USD cho việc tái thiết Iraq, họ hiện nay không có ý định này.

Ước tính cần 100 tỉ USD để xây dựng lại các khu vực chủ yếu là người Sunni sinh sống - đã bị phá hủy, và để giải quyết việc 2.8 triệu người Sunni phải di tản đến các khu vực khác tại Iraq. Chính quyền người Shiite Baghdad không có đủ tiền cho những hoạt động tái thiết này và đang đề nghị giúp đỡ.

Kể từ năm 2014, Washington chỉ đóng góp 265 triệu USD để tái thiết Iraq, trong khi riêng trong năm 2017 đã chi tới 150 triệu USD vào các thương vụ vũ khí cho nước này – đưa Baghdad trở thành một trong 10 nước hàng đầu mua vũ khí Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump dường như không có ý định rút quân hoàn toàn ra khỏi Iraq. Một lực lượng – đã được cắt giảm sẽ tiếp tục được duy trì tại đây để đối phó với sự hồi sinh của IS.

Lực lượng này sẽ giúp ngăn tình hình chính trị tại Iraq diễn biến quá xấu như thời ông Obama rút toàn bộ quân Mỹ khỏi nước này, trong khi sẽ hỗ trợ điều phối quan hệ của các nhóm li khai ở phía tây Iraq và Syria – được Washington hỗ trợ trước đó để chống IS.

Các nhóm đối lập này lâu nay vẫn tồn tại mâu thuẫn, trong khi họ sở hữu rất nhiều vũ khí và xung đột giữa họ có thể leo thang bất cứ lúc nào.

Trải qua 5 chính quyền và 26 năm thực hiện các chính sách liên quan đến cuộc chiến Iraq, nước Mỹ đã phải trả giá đắt - khoảng 4.500 người Mỹ đã thiệt mạng và đã tiêu tốn hàng tỉ USD tiền thuế của dân Mỹ.

Trong khi đó, ảnh hưởng của Washington ở Baghdad vẫn còn hạn chế, còn mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đang lâm vào tình trạng hỗn loạn khi chính quyền Trump tuyên bố ý định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.

Cũng theo Reuters, chừng nào chính quyền Trump vẫn khăng khăng không mở quan hệ ngoại giao với Tehran, Washington sẽ bị hạn chế trong các con đường gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. Trong khi các quốc gia khác ở Trung Đông luôn có nhu cầu đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế thì Nga và Trung Quốc – hai đối thủ trực tiếp trong Chiến lược an ninh mới của Mỹ - biết rõ cách tận dụng cơ hội này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại