Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là “Kế hoạch hành động chung toàn diện” đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn luôn cho rằng văn kiện này là “một sai lầm thảm họa”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillersonn cho biết, đã nhận được sự ủng hộ của Anh, Pháp và Đức trong việc xem xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran sau chuyến thăm châu Âu kéo dài 1 tuần vừa qua. Các nhóm làm việc đã bắt đầu họp mặt nhằm thống nhất những nguyên tắc, phạm vi cần giải quyết và mức độ tham gia thảo luận của Iran.
Cũng theo ông Tillerson, thỏa thuận hạt nhân chỉ là "một phần nhỏ" trong chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Mỹ lo ngại nhiều hơn về các vấn đề khác, trong đó có nghi vấn Iran hỗ trợ lực lượng phiến quân Houthi tại Yêmen, dù Iran luôn bác bỏ.
Cùng ngày, phát biểu trước Quốc hội Israel, Phó Tổng thống Mỹ Mike Penxe tuyên bố, Mỹ sẽ không bao giờ cho phép Iran phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện nếu "những điểm yếu" trong văn kiện không sớm được thay đổi.
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) năm 2015, nhằm hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nhiều lần khẳng định phải thay thế văn kiện bằng một thỏa thuận khác cứng rắn hơn, dù cho biết sẽ không tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran trong 120 ngày tới, đồng nghĩa với việc thỏa thuận lịch sử vẫn được duy trì ít nhất tại thời điểm này. Ông Donald Trump cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ và các đồng minh châu Âu soạn thảo thỏa thuận mới mà không cần thương lượng với Iran để sửa chữa những điều mà ông cho là "sai lầm thảm họa" trong thỏa thuận hiện nay.
“Mỹ tự hào khi đã có những đóng góp lịch sử tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và trên toàn thế giới để thống nhất tất cả các quốc gia văn minh trong một chiến dịch chung gây áp lực tối đa với Triều Tiên.
Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các đối tác với đối mặt với sự hỗ trợ của Iran cho những kẻ khủng bố và ngăn chặn con đường hướng tới sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran. Chúng tôi cũng đang hợp tác với đồng minh và các đối tác để tiêu diệt khủng bố và đang rất thành công”, ông Trump nói.
Trong một động thái khá bất ngờ, Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian hôm qua cáo buộc Iran không tôn trọng nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan tới việc kiềm chế hoạt động tên lửa đạn đạo có thể gắn đầu đạn hạt nhân, dù trước đó nhiều lần bày tỏ tin tưởng đối với sự giám sát thường xuyên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.
Theo ông Le Drian, Liên minh châu Âu sẽ đánh giá lại các hoạt động của Iran tại Yemen, Lebanon và Syria. Đây là cơ hội để Liên minh châu Âu khẳng định lại lập trường kiên quyết rằng Iran cần tuân thủ nghị quyết 2231 của Liên hợp quốc về việc giới hạn sự tiếp cận của nước này đối với năng lực đạn đạo.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, việc phá vỡ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân của Iran, cũng như các thỏa thuận quốc tế khác, sẽ dẫn đến hỗn loạn trong các vấn đề quốc tế. Bởi theo ông, thỏa thuận hạt nhân là một trong những vấn đề hiếm hoi mà cộng đồng quốc tế đạt được sự thỏa hiệp, từ đó tạo kỳ vọng đột phá trong những vấn đề nóng toàn cầu khác.
Ông Lavrov cũng nhắc lại bài học về thỏa thuận hạt nhân Triều Tiên năm 2005 đã đổ vỡ chỉ sau khi ký vài tuần. Khi tất cả các bên bắt đầu thực hiện thỏa thuận, thì Mỹ bất ngờ phát hiện một số sai phạm từ lâu liên quan đến một số tài khoản nào đó và phong tỏa tài khoản của Triều Tiên.
Một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng liên quan vấn đề hạt nhân Iran có thể bùng phát trở lại mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Iran đã từ chối chuyến thăm dự kiến vào tháng 3 tới của Ngoại trưởng Pháp Le Drian để thảo luận về chương trình tên lửa cũng như các hoạt động khu vực của nước này.
Theo Bộ Ngoại giao Iran, nước này "trước nay chưa từng có bất kỳ cuộc thương lượng nào về năng lực tên lửa và quốc phòng của mình, và sẽ không đối thoại với các nước khác về vấn đề này”./.
Xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran: Lựa chọn tồi cho nước Mỹ? VOV.VN - Dù liên tục dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Mỹ Trump vẫn phải một lần nữa chấp thuận kéo dài thỏa thuận này.