Gặp gỡ của Bộ trưởng P5+1 tại Geneva; Nguồn: wikipedia.org
Thỏa thuận hạt nhân Iran (Iran Nuclear Deal, hay Iran Deal, Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA - Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung) giữa Iran và 5 cường quốc thuộc Hội đồng Bảo an và Đức đạt được năm 2015 đang bị xói mòn và những nỗ lực nhằm hồi sinh Thỏa thuận phải đối mặt với thách thức mới bởi việc nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Tehran bị sát hại.
Các hạn chế của Thỏa thuận đối với hoạt động hạt nhân của Iran có một mục tiêu: kéo dài “thời gian đột phá” (“breakout time”) - thời gian để Tehran sản xuất đủ vật liệu phân hạch cho một quả bom, nếu họ quyết định chế tạo.
Iran khẳng định chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tìm kiếm vũ khí hạt nhân, hoạt động hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích dân sự.
Năm 2019, Tehran đã bắt đầu từng bước vi phạm các giới hạn, đáp trả việc Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018 và tái áp dụng các lệnh trừng phạt. Điều này đã rút ngắn “thời gian đột phá” nhưng báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho thấy, Iran không tiến hành công việc hạt nhân nhanh như khả năng họ có thể.
Các quốc gia châu Âu đã tìm cách cứu vãn, thúc ép Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ngay cả khi Washington thắt chặt các biện pháp trừng phạt và nuôi hy vọng vào việc thay đổi chính sách của Mỹ sau ngày 20/1/2021 - ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden, là Phó Tổng thống dưới thời Barack Obama từng đàm phán về thỏa thuận năm 2015.
Iran đã chống lại nhiều hạn chế của thỏa thuận hạt nhân nhưng vẫn hợp tác với IAEA và cấp quyền tiếp cận cho các thanh sát viên theo một trong những chế độ thanh sát hạt nhân được áp dụng đối với bất kỳ quốc gia nào.
Thỏa thuận hạt nhân giới hạn kho dự trữ uranium làm giàu của Iran ở mức 202,8 kg - con số nhỏ so với hơn 8 tấn mà Iran sở hữu trước khi có Thỏa thuận. Giới hạn đã bị phá vỡ vào năm ngoái - một báo cáo của IAEA tháng 11 cho biết lượng dự trữ ở mức 2.442,9kg.
Thỏa thuận hạt nhân giới hạn độ tinh khiết phân hạch mà Iran có thể tinh chế uranium ở mức 3,67% - thấp hơn nhiều so với mức 20% trước khi đạt được thỏa thuận và thấp hơn mức dùng làm vũ khí là 90%. Iran đã vi phạm giới hạn 3,67% vào tháng 7/2019 và mức làm giàu vẫn ổn định ở mức 4,5% kể từ đó.
Thỏa thuận hạt nhân cho phép Iran sản xuất uranium làm giàu bằng cách sử dụng khoảng 5.000 máy ly tâm thế hệ đầu tiên IR-1 tại nhà máy Natanz dưới lòng đất của họ, được xây dựng có thể lắp đặt hơn 50.000 máy (Iran đã lắp đặt khoảng 19.000 máy ly tâm trước Thỏa thuận).
Iran có thể vận hành một số lượng nhỏ các máy tiên tiến hơn trên mặt đất mà không cần tích lũy uranium đã được làm giàu. Năm 2019, IAEA cho biết Iran đã bắt đầu làm giàu bằng các máy ly tâm tiên tiến tại một nhà máy thí điểm trên mặt đất ở Natanz.
Kể từ đó, Iran bắt đầu di chuyển ba cụm máy ly tâm tiên tiến tới nhà máy dưới lòng đất. Tháng 11/2020, IAEA cho biết, Iran đã cung cấp nguyên liệu uranium hexafluoride dạng khí vào tầng đầu tiên trong số các tầng ngầm đó.
Thỏa thuận Hạt nhân nghiêm cấm làm giàu tại Fordow - một địa điểm mà Iran bí mật xây dựng bên trong một ngọn núi và đã bị các cơ quan tình báo phương Tây khám phá năm 2009. Máy ly tâm được phép bố trí ở đó cho các mục đích khác, như sản xuất đồng vị ổn định (hiện, tại đây có 1.044 máy ly tâm làm giàu IR-1).
Các vụ vi phạm đã kéo dài “thời gian đột phá” nhưng các ước tính vẫn khác nhau. Nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia hạt nhân cho rằng điểm khởi đầu một năm là ngắn và Iran sẽ cần dài hơn.
David Albright - một cựu thanh tra vũ khí của Liên Hợp Quốc, người có xu hướng có lập trường diều hâu đối với Iran - đã ước tính vào tháng 11 rằng, “thời gian đột phá” của Iran có thể "chỉ ngắn 3,5 tháng", mặc dù cho rằng Iran sẽ sử dụng 1.000 máy ly tâm tiên tiến đã bị loại theo Thỏa thuận.
Nếu Iran tích lũy đủ vật liệu phân hạch, họ sẽ cần phải lắp ráp một quả bom và có thể là một quả đủ nhỏ để tên lửa đạn đạo của họ có thể mang.
Không rõ chính xác sẽ mất bao lâu, nhưng tích trữ đủ nguyên liệu phân hạch được nhiều người coi là trở ngại lớn nhất trong việc sản xuất vũ khí. Các cơ quan tình báo Mỹ và IAEA tin Iran đã từng có chương trình vũ khí hạt nhân và nước này đã tạm dừng.
Có bằng chứng cho thấy Iran đã có được bản thiết kế vũ khí hạt nhân và thực hiện nhiều công việc liên quan đến việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tehran tiếp tục cấp cho IAEA quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân đã khai báo của mình và cho phép kiểm tra nhanh các cơ sở khác. Iran và IAEA đã giải quyết bế tắc kéo dài vài tháng trong năm nay về việc tiếp cận hai địa điểm bị nghi ngờ trước đây.