Theo Trung tâm Giảm thiểu nguy cơ địa chất và núi lửa Indonesia (PVMBG), vụ phun trào đầu tiên của núi lửa xảy ra sáng 7/1, kéo dài khoảng 45 giây, tạo ra cột tro bụi cao khoảng 300 mét từ đỉnh núi lên bầu trời (cao 3.000 mét so với mức nước biển). Sau đó cùng ngày, núi lửa Marapi liên tiếp phun trào thêm 6 lần. Tro xám cùng bụi cát lan rộng, gây ô nhiễm khu vực xung quanh núi lửa.
Núi lửa Marapi hoạt động trở lại hôm 7/1. Ảnh: Antara News
Vào lúc núi lửa Marapi phun trào, hàng chục người đang leo núi hoặc cắm trại xung quanh sườn núi. Sau khi sơ tán khoảng 40 người, nhà chức trách Tây Sumatra đã ra lệnh đóng cửa đường mòn lên đỉnh núi.
Hiện tình trạng núi lửa Marapi được đặt ở cấp độ 2 (cảnh báo) và chính quyền yêu cầu người dân, khách du lịch không đến gần khu vực có bán kính 3 km từ miệng núi lửa.
Núi Marapi cao 2.891 mét so với mặt nước biển và là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo Sumatra. Lần phun trào gần đây nhất của núi lửa Marapi là vào năm 2017. Xung quanh núi lửa có nhiều thị trấn, làng mạc.
Nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, Indonesia thường xuyên hứng chịu các trận động đất và núi lửa phun trào. Với hơn 140 ngọn núi lửa, Indonesia cũng là quốc gia có số dân sống gần miệng núi lửa nhiều nhất thế giới./.