Dấu tích văn hóa, hoạt động sống của người tiền sử
Đi bộ khoảng 10km trên cung đường gập ghềnh đá của núi lửa Krông Nô để tiến vào hang C6.1, đoàn chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh kỳ vĩ của vùng đất có giá trị to lớn về mặt di sản địa chất này. Trong hệ thống hang động núi lửa đoàn tham gia khảo sát, hang C6.1 (người M’Nông thường gọi là hang Mâng ling Pian) thuộc xã Đắk Sôr (huyện Krông Nô) là hang rất đặc biệt, cung cấp nhiều cứ liệu lịch sử sống động về sự sống của loài người.
Núi lửa Nâm Blang (huyện Krông Nô) (ảnh lớn); Di cốt người tiền sử được phát hiện tại hang C6.1 (ảnh nhỏ)
Trải qua 6 năm nghiên cứu, kể từ khi được các nhà khoa học phát hiện và đào hố thám sát (nghiên cứu, điều tra, thăm dò) năm 2017, khai quật năm 2018 - 2019, cho đến nay, kết quả khai quật đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, giúp nhận thức mới về sự thích ứng của người tiền sử với môi trường hoạt động núi lửa trên vùng đất đỏ Tây Nguyên.
Trước đó, năm 2018, tại hang C6.1, các nhà khoa học phát hiện và khai quật được di cốt người tiền sử với nhiều tầng văn hóa cách ngày nay từ 6.000 - 7.000 năm. Ngoài ra, tại hang C6 cạnh đó cũng phát hiện nhiều di chỉ và hiện vật đồ đá với các công cụ lao động, xương, đồ gốm, vỏ nhuyễn thể, vết tích của bếp lửa, 3 di tích mộ táng, dấu vết của 10 cá thể (trong đó có 5 trẻ sơ sinh, 1 thiếu niên và 4 người trưởng thành). Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một bộ xương và hộp sọ bé gái khoảng 4 tuổi, được chôn theo tư thế ngồi bó gối.
Đoàn chuyên gia leo dây chuyên dụng khảo sát hang C7
Theo các nhà khoa học, đây là lần đầu tiên trong các di cốt người cổ ở Việt Nam bắt gặp có chiều cao lớn, được bảo tồn tốt và khá nguyên vẹn. Dựa vào độ dài xương chi cho thấy, có thể tính được chiều cao người, trong đó người mộ 1 cao nhất khoảng 1,84m - 1,85m. Người mộ 7 cũng có chiều cao khoảng 1,81m - 1,83m.
Theo kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng cư dân tiền sử hang C6.1 đã cư trú liên tục ở đây khoảng 3.000 năm, bắt đầu từ khoảng 7.000 năm đến 4.000 năm cách ngày nay, tương đương với niên đại trung kỳ Đá mới. Các loại hình táng thức, tổ hợp công cụ và kỹ nghệ chế tác, sử dụng hoàng thổ vật linh… mang đậm dấu ấn kế thừa của văn hóa Hòa Bình và tiếp tục phát triển với sự xuất hiện các yếu tố mới.
Tiến sĩ La Thế Phúc, nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, điều tra, thăm dò (thám sát) khảo cổ hang động núi lửa thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” cho biết, hệ thống hang động núi lửa ở Krông Nô là quần thể di sản hỗn hợp giữa di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, có giá trị nổi bật toàn cầu và không có khả năng tái tạo. Nó được khai quật bảo tồn tại chỗ, khác với khai quật truyền thống. Đây là nguồn tài nguyên vô giá cho nghiên cứu khoa học và du lịch.
Theo Tiến sĩ Phúc, sự hiện diện di cốt người tiền sử trong hang động đá vôi ở nước ta cũng như trên thế giới rất phổ biến, nhưng trong hang động núi lửa rất hiếm ở Tây Nguyên cũng như trên thế giới, gây chấn động giới khảo cổ trong và ngoài nước. Sự kiện này cũng được vinh danh là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2018.
Ông Réne Haemers - chuyên gia nghiên cứu về hang động người Hà Lan nhận định, trên thế giới có nhiều dạng hang động tương tự nhưng chưa hề phát hiện được di cốt người cổ. Việc phát hiện bộ xương ở mộ 1 mở ra cho ngành Khảo cổ học Việt Nam một chương mới, mang tính bước ngoặt của ngành Cổ nhân học Việt Nam, khiến khoa học thế giới đặc biệt quan tâm và dõi theo.
Di sản địa chất trong sử thi của người M’nông
Ngoài những phát hiện độc đáo, có giá trị đặc biệt cho việc nghiên cứu khoa học, hang động C6.1 (thuộc núi lửa Nâm B’lang) còn được xem là khu vực linh thiêng và được tôn kính, là nơi thờ cúng tổ tiên của đồng bào M’Nông. Ông Y Thiết (bon Ol, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô) chia sẻ, người dân địa phương ở đây tin rằng, vị thần núi lửa Nâm B’lang là thần cai quản, che chở và ban cho tổ tiên hang động để trú ngụ. Hang động này chính là nơi tổ tiên tộc người M’Nông định cư từ thuở khai thiên lập địa.
Đoàn chuyên gia khảo sát hang C6.1
Mặc dù ngày nay, khoa học đã chứng minh việc hình thành núi lửa là do hoạt động kiến tạo địa chất trải qua hàng triệu năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là từ ngàn xưa, sự hình thành các điểm di sản địa chất này đều được phản ánh qua những câu sử thi (Ót N’drong) của người M’Nông.
Theo lời kể của già Y Tril ở bon Budak, xã Thuận An (huyện Đắk Mil), tương truyền, từ thời xa xưa, khi cả thế giới chịu sự ngự trị của thần linh thì trên núi Nâm Nung có một bộ tộc tên Lao Bô (ma rừng) chuyên ăn thịt người, bắt cóc phụ nữ yếu ớt và trẻ em trong bon (buôn) làng.
Các vị thần như Thần B’lang, Thần Trăh, Thần Ning luôn đứng ra che chở, bảo vệ bà con. Nhiều cây cổ thụ hàng triệu năm tuổi như Krắk ndan (sồi ba cạnh), Tơm Chri (cây dao), cây B’lang nở hoa đỏ bao phủ xung quanh các hang động giúp dân làng thoát khỏi mọi sự nguy hiểm tấn công.
Đặc biệt, vùng này có một ngọn núi phun trào ra lửa mạnh mẽ, được bao quanh bởi những hang động giúp bà con có thể tránh được thời tiết xấu và thú dữ. Mỗi khi bị ma rừng tìm cách hãm hại, người dân trong bon (buôn) chạy ngay vào rừng ẩn nấp dưới bóng cây B’lang thì tuyệt đối an toàn. Bởi khi ma rừng nhìn thấy cây B’lang với lớp vỏ màu đỏ, thân sần sùi đầy gai nhọn thì lập tức sợ hãi và rút lui.
Kể từ đó về sau, người M’Nông luôn tin rằng B’lang là cây thiêng, nơi trú ngụ của thần linh bảo vệ cho dân làng, khu vực núi này được đồng bào M’nông đặt tên là Nâm B’lang (núi hoa B’lang) nay thuộc xã Buôn Choah (Krông Nô).
Những câu sử thi Ót N’drong nói về sự hình thành điểm di sản cũng là những cứ liệu hữu ích để tham khảo, nghiên cứu nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của vùng đất. Đặc biệt, những câu chuyện hấp dẫn này cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần thu hút sự hiếu kỳ của du khách đến với vùng đất Đắk Nông.