Indonesia khốn khổ vì tin đồn bài Trung Quốc

Bình Giang |

Trong lúc bạo loạn đang nổ ra ở thủ đô Jakarta khiến nhiều người thiệt mạng, nhiều tin đồn đang lan truyền trên mạng xã hội rằng những người đó bị “cảnh sát Trung Quốc” bắn chết.

Thông tin này được lan truyền sau khi xuất hiện những bức ảnh chụp lực lượng cảnh sát có làn da sáng màu và che kín mặt kèm theo chú thích ảnh: “Trung Quốc đã đưa lực lượng an ninh đến Indonesia và ngụy trang là lao động nước ngoài”.

Trong một bức ảnh khác, một người đàn ông chụp ảnh selfie mà đằng sau là một cảnh sát da sáng màu và mặc trang phục của lữ đoàn cảnh sát cơ động Indonesia (Brimob). Bức ảnh được chú thích: “Bạn của tôi, cảnh sát Brimob này không thể nói tiếng Indonesia”.

Những bức ảnh và thông điệp bài Trung Quốc đang lan truyền nhanh chóng, khiến chính phủ Indonesia hôm 22/5 phải tạm chặn hoặc làm chậm tính năng chia sẻ ảnh và video trên các ứng dụng xã hội Facebook, Instagram và WhatsApp.

Bộ trưởng truyền thông Rudiantara nói với báo giới rằng biện pháp hạn chế này là nhằm làm chậm các nội dung hình ảnh có thể kích thích “cảm xúc” bị lan truyền.

Theo luật internet của Indonesia, hành động tạo ra và lan truyền tin giả có thể bị phạt tù.

“Chúng tôi chưa từng thấy điều gì tương tự với quy mô, tính nghiêm trọng và sự phối hợp như lần này”, ông Harry Sufehmi, người đồng sáng lập Mafindo, một tổ chức chống tin giả ở Indonesia.

Bạo loạn nổ ra ở thủ đô Jakarta từ đêm 21/5 sau khi ủy ban bầu cử xác nhận Tổng thống Joko Widodo tái đắc cử, đánh bại đối thủ Prabowo Subianto.

Ông Prabowo bác bỏ kết quả này và kêu gọi những người ủng hộ thể hiện “quyền lực nhân dân” để phản đối kết quả kiểm phiếu của Ủy ban bầu cử.

Abdul Gani, 33 tuổi, là một trong hàng ngàn người biểu tình kéo về Jakarta đã đáp lại lời kêu gọi đó.

Abdul nói rằng anh coi lời kêu gọi xuống đường là lời hiệu triệu “thánh chiến”, và tin rằng thông tin về “cảnh sát Trung Quốc” không phải tin giả.

“Tôi quyết định sử dụng tiền của mình cho chuyến đi này vì tôi tin đây là một cuộc thánh chiến”, Abdul nói.

“Tôi tin rằng những người anh em đã ngã xuống của chúng tôi bị cảnh sát Trung Quốc bắn chết. Chúng tôi đang bảo vệ quốc gia, ngăn nó rơi vào hỗn loạn, nghèo đói và bị cường quốc bên ngoài bóc lột”, Abdul nói.

Cộng đồng người Hoa ở Indonesia rất nhỏ, với khoảng 3 triệu người, trong khi dân số Indonesia là 260 triệu. Trong lúc này, người Hoa ở Indonesia đang lo sợ tình trạng bạo loạn và tin đồn bài Hoa lan truyền trên mạng.

Người Indonesia gốc Hoa sống ở Jakarta nói với báo South China Morning Post rằng họ lo một lần nữa lại trở thành mục tiêu của bạo lực như đợt năm 1998, khi các cửa hàng, nhà cửa và cá nhân người Hoa trở thành mục tiêu tấn công, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.

Tổ chức Quan sát nhân quyền cho rằng các tin đồn bài Hoa được tạo ra để nhắm vào các công dân và doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn ở Indonesia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại