IISS: Trung Quốc có lực lượng tăng thường trực chiến đấu nhiều nhất thế giới

Trung Phạm |

Phần lớn lực lượng tăng chiến đấu chủ lực của PLA năm 2018 và các năm tiếp theo là các chủng loại ZTZ-96/ZTZ-96A và các xe tăng thế hệ ba tiên tiến hơn ZTZ-99/ZTZ-99A.

Trong báo cáo Cán cân Quân sự 2018 (Military Balance 2018) công bố mới đây, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đánh giá, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện đang sở hữu lực lượng tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thường trực lớn nhất thế giới.

Tính tới năm 2017, số lượng tăng chiến đấu chủ lực đang hoạt động của PLA có khoảng 3.390 chiếc thế hệ ba, 400 chiếc thế hệ hai và 2.850 chiếc thế hệ thứ nhất. Cách đó 1 thập kỷ, năm 1997 Trung Quốc có 6.200 MBT thế hệ thứ nhất, và 1.600 chiếc thế hệ thứ hai.

PLA hiện vẫn đang vận hành khoảng 2.850 tăng chiến đấu chủ lực ZTZ-59, ZTZ-59-II, ZTZ-59D - là những biến thể được cấp phép sản xuất của tăng T-54 do Liên Xô chế tạo, trong đó phiên bản nâng cấp mới nhất được thực hiện vào những năm 1980.

"Nguyên bản ZTZ-59 vẫn đang chiếm một số lượng đáng kể trong lực lượng xe tăng của PLA dù hiệu quả chiến đấu của nó đã lỗi thời, ngay cả với những phiên bản mới được nâng cấp", IISS đánh giá.

500 chiếc MBT thế hệ hai hiện đang có trong biên chế của PLA thuộc các dòng ZTZ-79 (một số nhà phân tích coi ZTZ-79 là MBT thế hệ thứ nhất), và ZTZ-88/ZTZ-88B, trong đó ZTZ-79 tới cuối những năm 1980 vẫn còn được sản xuất còn ZTZ-88/ZTZ-88B tới tận thập niên 1990.

Cả hai loại MBT thế hệ hai này đều được thiết kế và phát triển nội địa, kết hợp giữa khung gầm và tháp pháo kiểu Liên Xô với công nghệ Phương Tây, gồm cả các bản copy mẫu pháo Royal Ordnance của Anh.

Quân đội Trung Quốc diễn tập phóng tên lửa

Tuy nhiên, IISS cho biết "các mẫu tăng thiết kế nội địa ban đầu của Trung Quốc như ZTZ-79 và ZTZ-88 được sản xuất ở mức độ giới hạn và hiện chỉ còn trong sự quản lý của một số lượng ít ỏi các đơn vị ở phía Tây và Bắc Trung Quốc". Phần lớn MBT ZTZ-79 là dùng cho xuất khẩu.

Các chương trình cải cách hiện tại, đặc biệt là việc tập trung cho mục tiêu xây dựng các đơn vị nhỏ hơn, linh hoạt hơn chắc chắn sẽ có những tác động dài hạn tới tương lai của các MBT thế hệ hai đang còn trong biên chế.

Theo IISS, "việc tái cơ cấu các đơn vị cơ động của PLA năm 2017 có thể sẽ khiến các mẫu tăng thế hệ hai này bị hoàn toàn loại khỏi biên chế vì quy mô tổng thể lực lượng tăng thiết giáp của PLA bị thu hẹp lại". Trong 5 năm qua, quy mô lực lượng MBT thế hệ hai của PLA đã giảm từ 800 xuống 500 chiếc.

Phần lớn lực lượng tăng chiến đấu chủ lực của PLA năm 2018 và các năm tiếp theo là các chủng loại ZTZ-96/ZTZ-96A và các xe tăng thế hệ ba tiên tiến hơn ZTZ-99/ZTZ-99A.

"Mẫu ZTZ-99A mới nhất dường như đã được sản xuất với số lượng tương đối nhỏ và biên chế cho các đơn vị chiến lược gần Bắc Kinh, có lẽ bởi chi phí tương đối cao", IISS giải thích. "Đa phần các xe tăng thế hệ ba của Trung Quốc vẫn là những phiên bản ZTZ-96 thiết kế từ cuối những năm 1990".

Theo ước tính của Diplomat, PLA hiện cũng chỉ có khoảng 600 ZTZ-99 và ZTZ-99A trong kho trực chiến của mình, số tăng thế hệ ba còn lại là những biến thể ZTZ-96/ZTZ-96A/B.

PLA cũng đã phát triển và thiết kế mẫu tăng hạng nhẹ mới có tên gọi ZTQ-15 dùng cho các địa hình có độ cao lớn. Chưa rõ liệu loại tăng này đã sẵn sàng sản xuất đồng loạt hay chưa. Theo một số thông tin, tháng 6/2017, ZTQ-15 đã được chạy thử nghiệm tại Cao nguyên Tây Tạng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại