Hôm 5/8, tờ Bulgarian Military đăng tải bài viết nhan đề: "US tested 50 years old nuclear intercontinental ballistic missile, still in service" (tạm dịch: Mỹ vừa thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa 50 năm tuổi, vẫn tiếp tục được trang bị) của nhà phân tích Boyko Nikolov.
Nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn đa chiều về cái gọi là "năng lực răn đe" của một trong "bộ ba hạt nhân" (các nền tảng triển khai đầu đạn hạt nhân) của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn với Nga, Trung Quốc và Iran, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Vượt gần 7.000 km, ICBM Mỹ công kích mục tiêu tại Thái Bình Dương
Ngày 4/8, Không quân Mỹ (USAF) tuyên bố họ đã thành công trong việc khai hỏa thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) LGM-30 Minuteman III.
Theo Bộ Tư lệnh Không quân Toàn cầu của Mỹ (AFGC), mục đích của thử nghiệm là để "kiểm tra độ tin cậy" của tên lửa.
Ít nhất 3 đầu đạn huấn luyện trên tên lửa Minuteman III đã bắn trúng mục tiêu ở khu vực Quần đảo Marshall, kết quả này cho thấy ICBM đã vượt qua một hành trình khoảng 6.760 km từ vị trí khai hỏa là California.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III không phải là một nền tảng triển khai đầu đạn hạt nhân mới, nó là một ICBM đã hơn 50 năm tuổi của Mỹ.
Cảnh quay thử nghiệm ICBM Minuteman III của Không quân Mỹ (USAF).
Chính vì loại ICBM này chưa bao giờ được Washington sử dụng (có thể kích hoạt chiến tranh hạt nhân), nên USAF cần tiến hành các cuộc thử nghiệm nhằm tái xác định các đặc tính và độ ổn định của tên lửa nhằm đưa ra kết luận về tính sẵn sàng trong chiến đấu.
Theo các chuyên gia quân sự, có khoảng 400 tên lửa Minuteman III, loại có thể lắp đặt đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ từ 300 đến 350 kiloton.
Lầu Năm Góc đã có kế hoạch thay thế loại ICBM này trong tương lai bằng một chương trình phát triển tên lửa mới, nhưng dự kiến việc đưa vào trang bị sẽ mất gần 2 thập kỷ nữa (vào năm 2036). Điều này đồng nghĩa với việc Minuteman III sẽ vẫn tiếp tục nằm trong trang bị của USAF thêm ít nhất là 15 năm nữa,
Dòng tên lửa Minuteman với biến thể mới nhất Minuteman III (LGM-30G) được đưa vào trang bị những năm 1970.
Mỹ tỏ ra "nhất quán" trong thử nghiệm tên lửa, đây có thể là một điểm yếu?
Cần lưu ý rằng bất chấp đại dịch Covid-19, đây là vụ thử tên lửa thứ hai được Lầu Năm Góc công bố tính từ tháng 5/2020.
Đáng chú ý là cả hai vụ thử tên lửa đều được thực hiện từ cùng một địa điểm phóng (California) đến cùng một mục tiêu (Quần đảo Marshall).
Theo Bulgarian Military, việc Mỹ tiếp tục công bố thử nghiệm ở các địa điểm cố định được cho là "có hại hơn có lợi" khi các "địch thủ tiềm tàng" (Nga và Trung Quốc) có thể đưa ra các kịch bản mô phỏng đường bay của Minuteman III nhằm mục đích đánh chặn.
Mặc dù Minuteman đã hơn 50 năm tuổi và không thực sự sở hữu các đặc tính kỹ thuật của ICBM hiện đại, nhưng nó sẽ vẫn phải hoạt động thêm nhiều năm nữa, đây có thể là khoảng thời gian cần thiết để các đối thủ của Mỹ khai thác các điểm yếu mang tính bí mật quân sự.
LGM-30 Minuteman là loại tên lửa liên lục địa hay còn gọi là tên lửa vượt đại châu (ICBM ) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do hãng Boeing - Mỹ sản xuất.
Minuteman I ra đời vào năm 1962, là loại tên lửa chỉ phóng được 1 đầu đạn thông thường; phiên bản nâng cấp tiếp theo của nó là Minuteman I cũng thuộc loại đầu đạn đơn nhưng sử dụng đầu đạn hạt nhân, được sản xuất năm 1965.
Biến thể LGM-30 Minuteman III hiện đang sử dụng được bắt đầu cải tạo năm 1966, trang bị hàng loạt năm 1970, bắt đầu từ năm 2009, nó là loại ICBM duy nhất trong biên chế của quân đội Mỹ.
Minuteman III có trọng lượng 35,3 tấn, chiều dài 18,26m, đường kính thân 1,67m, tầm bay cao tối đa 1120km, tầm bắn 13.000km với tốc độ 7km/s, tương đương 25.200 km/h (Mach 23).
Hành trình của ICBM Minuteman III gần như không đổi trong các cuộc thử nghiệm những năm gần đây.