IAEA “bật đèn xanh”, Nhật Bản sẽ xả nước phóng xạ ra biển?

Bùi Hùng/VOV-Tokyo |

Việc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) chấp thuận kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản ra biển đã khiến nước này thêm quyết tâm thực hiện kế hoạch đó.

Tuy nhiên, điều này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc vốn trước đó đã phản đối. Nhật Bản và IAEA đang cố thuyết phục các nước đó và cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc sự giám sát từ quốc tế.

Quyết tâm

Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima do thảm họa kép xảy ra vào tháng 3/2011, hàng triệu tấn nước xả thải nhiễm xạ trở thành mối lo ngại của Nhật Bản. Đến nay đã trải qua 12 năm, nhu cầu xử lý ngày càng cấp thiết để đảm bảo cả môi trường cho Nhật Bản cũng như toàn cầu. 12 năm là thời gian đủ dài để các khâu chuẩn bị cho việc xả thải nước nhiễm xạ đã qua xử lý hoàn tất phù hợp với các quy định trong và ngoài Nhật Bản.

Tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Hội nghị G7 vừa diễn ra ở Hiroshima, Nhật Bản đã đưa vấn đề này ra. Các quốc gia thành viên không phản đối, đồng thời đánh giá cao Nhật Bản đã hết sức nỗ lực trong việc xử lý, đảm bảo các yêu cầu về môi trường, quy định quốc tế đối với chất thải.

Ngày 12/6 vừa qua, công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) bắt đầu vận hành thử nghiệm hệ thống xả ra biển nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Nhật Bản khẳng định nước xả ra biển đã được loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ triti - một đồng vị của hydro rất khó tách khỏi nước. Ngoài ra, nước sẽ được pha loãng với nước biển với tỷ lệ 1/40, theo nồng độ cho phép trong tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản trước khi được thải qua một đường hầm dưới nước.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong chuyến thăm Nhật Bản vừa kết thúc trước đây vài ngày đã tuyên bố kế hoạch của chính phủ Nhật Bản xả ra biển nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1, phù hợp với tiêu chuẩn an toàn quốc tế.

Như vậy, Nhật Bản đã có thời gian rất dài để chuẩn bị việc xả thải. Quan trọng là đã được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế thừa nhận về độ an toàn.

Mâu thuẫn

IAEA đánh giá kế hoạch xả nước phóng xạ ra đại dương của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và quyết định cuối cùng tùy thuộc Tokyo.

Tổng giám đốc IAEA cho rằng kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý của Nhật Bản sẽ không ảnh hưởng mấy đến con người và môi trường nếu thực hiện theo đúng các thủ tục đã dự kiến. Nhật Bản cũng đã cam kết và sẽ chịu sự giám sát của các chuyên gia đến từ 11 nước trong vòng 2 năm kể từ ngày xả thải.

Tuy nhiên, không chỉ các nước láng giềng đã bày tỏ lo ngại trước kế hoạch xả nước của Nhật Bản, mà ngay cả một số ngư dân địa phương, đoàn thể nghề cá Nhật Bản cũng đang lo lắng về thiệt hại tiềm ẩn đối với các sản phẩm đánh bắt.

Hàn Quốc là nước phản ứng gay gắt với vấn đề này. Nhiều đảng phái ở Hàn Quốc phản đối báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế về nước xả thải đã qua xử lý của Nhật Bản.

Sáu tháng đầu năm nay, lượng thủy hải sản của Nhật Bản xuất sang Hàn Quốc khoảng gần 11.000 tấn, chiếm khoảng 2% lượng nhập khẩu. Hàn Quốc dự kiến sẽ tiến hành một cuộc thanh tra đặc biệt "chưa từng có tiền lệ" về nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng hải sản nhập khẩu.

Cuộc thanh tra sẽ kéo dài 100 ngày, bắt đầu từ tháng này, nhằm kiểm tra xem các nhà nhập khẩu, phân phối và bán lẻ có thực hiện đúng quy định về ghi nhãn mác xuất xứ các mặt hàng hải sản nhập khẩu quan trọng hay không. Theo đó, việc không ghi nhãn mác nước xuất xứ có thể bị phạt tới 10 triệu won (7.600 USD), nhãn mác giả mạo có thể bị phạt tới 7 năm tù hoặc phạt tiền 100 triệu won.

Trung Quốc cũng phản đối và cho rằng việc xả thải làm ảnh hưởng tới an ninh lương thực thế giới, đồng thời sẽ sát cánh Hàn Quốc về việc này. Ngoài ra Nga cũng bày tỏ lo ngại.

Để làm yên tâm dư luận, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) dự kiến sẽ có chuyến thăm tới Hàn Quốc từ ngày 7-9/7 nhằm giải thích về bản báo cáo cho rằng việc xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý ra biển là an toàn.

Như vậy, có thể một số nước vẫn chưa yên tâm và tiếp tục có phản ứng về việc xả thải dù đã được kiểm chứng bởi tổ chức quốc tế. Kế hoạch xả thải nhiều khả năng sẽ vẫn diễn ra.

Giám sát

Theo giải thích của công ty điện lực Tokyo (TEPCO), nước nhiễm phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã được lọc và loại bỏ hầu hết 62 nguyên tố phóng xạ trong nước, bao gồm cesium và stronti, nhưng vẫn tồn tại nguyên tố tritium. Tuy nhiên, chất này được cho là ít gây rủi ro đối với sức khỏe con người và môi trường vì phát ra tia bức xạ rất yếu, khó có thể xuyên qua da người, khó tích tụ trong cơ thể sống. Hơn thế nữa, việc giám sát sẽ được tiến hành trong 2 năm. Việc giám sát này có sự tham gia của chuyên gia của 11 nước.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng đang sắp xếp cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc vào tuần tới để giải thích thêm về việc xả thải của Nhật Bản.

Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã bắt đầu thử mẫu bổ sung đợt 2 và 3 đối với nước thải nhiễm xạ được bảo quản trong hồ chứa trong nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Đợt phân tích mới này sẽ được tiến hành theo hình thức so sánh giữa các phòng thí nghiệm tương tự như đợt 1, với sự tham gia của Viện An toàn hạt nhân Hàn Quốc (KINS) - cơ quan nghiên cứu trọng điểm khu vực châu Á-Thái Bình Dương do IAEA chọn ra. Như vậy, tính khách quan sẽ được đảm bảo và nếu như kết quả vẫn như trước thì các nước có thể yên tâm về độ an toàn của nước xả thải đã qua xử lý, kết thúc sự lo lắng kéo dài của cả Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại