Cuộc chiến công nghệ
Theo Business Insider, Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng lún sâu vào cuộc chiến chip điện tử - vốn đã leo thang kể từ tháng 10 năm ngoái.
Chưa dừng ở đó, động thái gần đây của Trung Quốc trong việc hạn chế xuất khẩu hai loại đất hiếm ít được biết đến lại một lần nữa đẩy ngành công nghiệp bán dẫn rơi vào tình trạng khó khăn.
Trong một thông báo hôm 3/7, Bộ thương mại và Cục hải quan Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch kiểm soát xuất khẩu hai kim loại – gali và gecmani – cùng với một số hợp chất của chúng từ ngày 1/8 để "bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia".
Theo thông báo, các nhà xuất khẩu có thể xin giấy phép xuất khẩu nếu họ muốn tiếp tục đưa sản phẩm ra khỏi Trung Quốc.
Gali và gecmani là hai kim loại được sử dụng trong sản xuất chip, sản phẩm điện tử và các sản phẩm năng lượng mặt trời, vì vậy việc hạn chế xuất khẩu được coi là động thái trả đũa của Bắc Kinh trong cuộc chiến công nghệ của nước này với phương Tây.
Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Hà Lan hạn chế bán thiết bị sản xuất chip cao cấp ra nước ngoài – một động thái dường như nhắm vào Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng muốn hạn chế khả năng tiếp cận của các công ty Trung Quốc với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây có trụ sở tại Mỹ, Wall Street Journal đưa tin hôm 4/7, dẫn lời những người có thông tin nội bộ.
Trong khi đó, từ tháng 10/2022, Mỹ đã bắt đầu hạn chế việc bán thiết bị bán dẫn và sản xuất chip công nghệ cao cho Trung Quốc.
Các nhà phân tích tại Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro, nhận định: "Đây là một đòn cảnh cáo (của Trung Quốc) nhằm vào các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan để nói rằng Trung Quốc có các lựa chọn trả đũa và qua đó sẽ ngăn các nước này áp đặt thêm các hạn chế đối với quyền truy cập của Trung Quốc với các công cụ hiện đại và chip cao cấp".
Ưu thế đàm phán
Được biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ tới Bắc Kinh trong chuyến thăm 3 ngày từ ngày 7/7, nên các nhà chức trách Trung Quốc có thể sử dụng các hạn chế xuất khẩu làm đòn bẩy trong các cuộc thảo luận - các nhà phân tích cho hay. Reuters cho biết các công ty trong ngành bán dẫn trên toàn cầu hiện đang đánh giá rủi ro của họ đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Trung Quốc.
Cả gali và gecmani đều không có nhiều lựa chọn thay thế và chỉ được tìm thấy ở số lượng ít trong tự nhiên. Trong khi đó, chúng có nguồn gốc thương mại với số lượng lớn dưới dạng sản phẩm phụ của các quy trình công nghiệp khác. Trung Quốc chiếm khoảng 80% và 60% sản lượng gali và germani toàn cầu, theo một hiệp hội công nghiệp châu Âu.
"Không có tình trạng thiếu gali hay gecmani trên toàn cầu. Trung Quốc chiếm ưu thế trong sản xuất hai kim loại này không phải vì chúng hiếm mà vì nước này có thể giữ chi phí sản xuất ở mức khá thấp và các nhà sản xuất ở nơi khác không thể sánh kịp với nước này do chi phí cạnh tranh", Ewa Manthey, chiến lược gia hàng hóa tại ngân hàng Hà Lan ING, cho biết.
Bà nói thêm rằng việc chiết xuất hai kim loại này có thể tốn kém và thách thức về mặt kỹ thuật, do đó rất ít cơ sở bên ngoài Trung Quốc có thể sản xuất gali và gecmani.
Bà Manthey dự đoán giá của hai kim loại này sẽ tăng trong thời gian ngắn mặc dù các nhà sản xuất khác - bao gồm cả những nhà sản xuất ở Bắc Mỹ và Châu Âu - có thể sẽ tăng cường sản xuất trong thời gian dài nếu giá tiếp tục duy trì ở mức cao.
Trong khi đó, ông Leonid Khazanov, chuyên gia độc lập trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng, nhận định với Sputnik rằng: "Nếu bây giờ Trung Quốc ngừng xuất khẩu, chi phí của chất bán dẫn dựa trên gali và gecmani sẽ tăng vọt và không một nước nào khác ngoại trừ Trung Quốc có thể thay thế nó, bởi khối lượng cơ bản về sản xuất các kim loại này đều tập trung ở Trung Quốc. Chất bán dẫn cũng sẽ tăng giá. Ví dụ, ở nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn dựa trên germani và gali có thể sẽ đóng cửa bởi họ không có nguyên liệu thô – viễn cảnh này hoàn toàn là có thể".