Huawei kiện chính phủ Mỹ
Đây là động thái gay gắt nhất của Huawei nhằm chống lại cáo buộc của chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng các công nghệ của hãng chế tạo thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh Trung Quốc này gây ra mối đe dọa an ninh toàn cầu.
Huawei ngày 7/3 (giờ Bắc Kinh) cho biết hãng đã đệ đơn yêu cầu tòa án liên bang Mỹ đảo ngược một phần của quy định trong Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) do ông Trump ký ban hành thành luật hồi tháng 8 năm ngoái. Luận điểm Huawei đưa ra là một bộ phận trong luật này đã vi phạm hiến pháp Mỹ khi cho phép trừng phạt một cá nhân hoặc thực thể mà không qua xét xử.
"Lệnh cấm này không chỉ bất hợp pháp mà còn cản trở Huawei tham gia cạnh tranh công bằng, và cuối cùng đã tổn hại đến người tiêu dùng Mỹ," Phó chủ tịch Huawei Guo Ping nói trong buổi họp báo tại trụ sở công ty ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông.
Quy định trong NDAA đã nêu chi tiết việc cấm các cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng những công nghệ của Huawei và một hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc là ZTE.
"Quốc hội Mỹ đã liên tục không thể đưa bằng chứng củng cố cho hành động hạn chế các sản phẩm Huawei," ông Guo nói. "Chúng buộc phải thực thi hành động pháp lý này như là biện pháp phù hợp cuối cùng."
Cũng trong buổi họp báo, Huawei tuyên bố có bằng chứng chứng minh chính phủ Mỹ xâm nhập máy chủ của họ.
(Ảnh: Reuters)
Cuộc chiến pháp lý đã đưa tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Huawei và chính phủ Mỹ lên một cấp độ mới. Huawei là một trong số doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Trung Quốc và là đơn vị then chốt trong cuộc đua triển khai mạng không dây 5G. Điện thoại thông minh của họ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu với Apple (Mỹ) và Samsung (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, trong nhiều năm chính phủ Mỹ đã nghi ngờ về khả năng chính phủ Trung Quốc thông qua thiết bị của Huawei để theo dõi các nước khác, nhưng Washington không có bằng chứng cụ thể. Huawei tự mô tả là loại hình công ty do người lao động làm chủ (employee-owned company) và bác bỏ cáo buộc sản phẩm của hãng mang tới đe dọa về an ninh.
Đối đầu pháp lý căng thẳng
Chính quyền ông Trump đã thúc giục các nước đồng minh ra lệnh cấm hoặc hạn chế sản phẩm Huawei trên mạng 5G, nhằm tránh rủi ro bị gián điệp. Động thái của Mỹ đã cản trở kế hoạch phát triển tham vọng của Huawei, cũng như dấy lên nhiều phản ứng từ các nhà mạng không dây rằng chiến dịch của Mỹ nhằm vào Huawei đã khiến chương trình xây dựng mạng viễn thông của họ bị gián đoạn.
Paul Triolo, chuyên gia về các vấn đề công nghệ toàn cầu tại hãng cố vấn Eurasia Group, nhận định Huawei "sẽ theo đuổi việc truy cứu pháp lý trong những vấn đề mà công ty cho rằng phía Mỹ đang cô lập họ, trong khi [Mỹ] không đưa ra được bằng chứng sai phạm [của Huawei]".
"[Vụ kiện] khó có thể giúp Huawei được tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ," ông Triolo nói. "Nhưng đó là hành động mang tính tượng trưng nhằm tác động đến các bên khác trên thế giới đang cân nhắc khả năng hạn chế hoặc các lệnh cấm nhằm vào hãng này."
Chính phủ một số nước như Anh, Đức đang đánh giá biện pháp và phạm vi áp đặt hạn chế đối với thiết bị Huawei, trong khi Australia đã cấm doanh nghiệp này cung cấp công nghệ cho mạng 5G của họ từ năm ngoái.
Các công tố viên Mỹ còn đệ đơn kiện hình sự nhằm vào Huawei ở các bang Washington và New York. Hồi tuần trước, hãng Trung Quốc được tuyên vô tội tại Seattle trước cáo buộc tìm cách đánh cắp bí mật thương mại của hãng T-Mobile.
Còn ở Brooklyn, Huawei nhiều khả năng bị buộc tội trong tháng này ở vụ kiện họ phớt lờ lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran. Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, cũng bị chính phủ Mỹ cáo buộc cùng tội danh. Bà Mạnh bị bắt tại Canada hồi tháng 12/2018 và đang đối mặt với thủ tục dẫn độ về Mỹ. Cả Huawei lẫn vị CFO bác bỏ toàn bộ cáo buộc liên quan.