Trong ngày thứ 7 tuần trước, sau cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ dỡ bỏ một số hạn chế việc cấm các công ty Mỹ bán công nghệ và linh kiện của mình cho Huawei .
Và phát biểu này chính là một tháo gỡ lớn cho tương lai của hãng công nghệ Trung Quốc . Trong tháng 5, khi Bộ Thương mại Mỹ đưa hãng công nghệ này vào danh sách đen, nhiều giả thiết đã được đặt ra.
Có giả thiết cho rằng Huawei sẽ phải chịu thiệt hại lớn vì không thể tiếp tục dùng hệ điều hành Android. Lại có ý kiến quan ngại họ sẽ gặp khó khăn vì không sử dụng được các thiết kế của ARM. Nhưng lúc này cơ hội cho Huawei vẫn còn.
Trên thị trường di động thế giới, riêng Quý I/2019, Huawei đã bán được nhiều điện thoại hơn Apple. Hãng này có tham vọng sẽ vượt qua cả Samsung, trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới vào năm 2020.
Nhưng khi có lệnh cấm vận vào tháng 5 vừa qua, doanh số bán điện thoại của Huawei đã giảm mạnh. CEO Huawei, ông Nhậm Chính Phi cho biết, doanh số điện thoại của họ từ 17/5 đến 16/6 đã giảm 40% so với tháng trước đó.
Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow cho biết Huawei vẫn chưa chính thức ra khỏi danh sách cấm vận của Bộ Thương mại Mỹ và chỉ bỏ bớt các điều kiện cấp giấy phép bán hàng cho Huawei đối với các công ty Mỹ.
Chưa rõ công ty nào sẽ được cấp giấy phép bán hàng này nhưng giới phân tích công nghệ đã lên danh sách những doanh nghiệp cung ứng lớn nhất cho Huawei từ Mỹ.
Đứng đầu chính là Google. Theo nhà phân tích Bryan Ma tại IDC: “Nếu Google có được giấy phép bán cho Huawei thì chắc chắn Huawei có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều”.
Hầu hết smartphone trên thế giới đều dùng hệ điều hành Android và toàn bộ điện thoại thông minh của Huawei cũng vậy. Không những thế hệ sinh thái sản phẩm của Google còn có bản đồ Google Maps, dịch vụ thư điện tử Gmail.
Không có những thành phần này, điện thoại Huawei sẽ kém hấp dẫn hơn sản phẩm của đối thủ. Tất nhiên ở thị trường nội địa Trung Quốc, toàn bộ Google đang bị chặn. Nhưng một nửa doanh số điện thoại của Huawei đang đến từ thị trường quốc tế.
Tiếp theo trong danh sách nhà cung cấp, Huawei còn phải làm việc với Qualcomm, Broadcom, Skyworks… Những công ty này đang bán cho Huawei linh kiện cho bộ phận kết nối của thiết bị và những linh kiện này đều ở thế hệ mới nhất.
Tuy nhiên Huawei từng phát biểu rằng họ đã dự trữ công nghệ từ năm ngoái vì dự đoán trước sau gì Washington cũng sẽ cấm vận họ. Phó Chủ tịch Huawei, ông Ken Hu từng nói: "Nguồn cung tổng thể của chúng tôi không bị ảnh hưởng”.
Có thể thấy nếu Huawei mua được đầy đủ cả phần cứng và phần mềm của Mỹ, việc sản xuất thiết bị có thể quay lại bình thường. Nhưng những tác động của lệnh cấm vận đã có thể thấy rõ. Niềm tin của khách hàng vào sản phẩm Huawei đã chịu tổn thương.
Trong một tháng cả uy tín và tài chính của hãng đã bị ảnh hưởng và chắc chắn sẽ còn khá lâu nữa để công ty công nghệ Trung Quốc có thể khôi phục vị trí, lòng tin của khách hàng.