Từ tháng 5/2019, Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc – có mặt trong danh sách đen thương mại của Mỹ do nguy cơ an ninh quốc gia, điều Huawei liên tục phủ nhận. Điều đó khiến các doanh nghiệp Mỹ không thể bán công nghệ thiết yếu cho Huawei nếu không có giấy phép. Tháng 8/2020, lệnh cấm mở rộng đối với cả những công ty nước ngoài, buộc các nhà cung ứng quan trọng như TSMC phải dừng kinh doanh với Huawei.
Theo Giám đốc chính sách công nghệ toàn cầu Eurasia Group Paul Triolo, lệnh cấm chạm vào đúng “gót chân Asin” do Huawei phụ thuộc vào TSMC để sản xuất chip dùng trong di động, trạm gốc 5G, máy chủ, sản phẩm trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Còn nhà phân tích Dan Wang nhận định, “án tử” mà Mỹ ban cho Huawei không được hành hình ngay mà mang đến cái chết từ từ.
Ông Wang cho rằng Huawei sẽ cảm nhận ảnh hưởng rõ rệt nhất trong mảng khách hàng cá nhân, vốn mang lại 54% doanh thu năm 2019. Tháng 11/2020, Huawei bán thương hiệu smartphone bình dân Honor với hi vọng Honor thoát khỏi lệnh cấm của Mỹ. Ông Triolo dự đoán Huawei có thể làm điều tương tự với các dòng điện thoại cao cấp trong năm nay.
Tính đến quý II/2020, Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới song việc bán đi Honor và khan hiếm chip nhiều khả năng đẩy công ty ra khỏi danh sách 6 thương hiệu smartphone hàng đầu năm 2021, theo hãng nghiên cứu TrendForce.
Vận may của Huawei có thể thay đổi khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức nắm quyền. Các nhà phân tích kỳ vọng tân Tổng thống Mỹ sẽ áp dụng cách tiếp cận mềm mỏng hơn với công ty Trung Quốc. Theo truyền thông, Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu cũng đang thương lượng với công tố viên Mỹ về các cáo buộc kinh doanh với Iran.
Trong thời gian chờ đợi, Huawei có thể tập trung vào hệ điều hành Harmony mà họ đang phát triển để giảm lệ thuộc vào Google Android, theo Giám đốc di động Nicole Peng của hãng tư vấn Canalys. Bên cạnh phần mềm, công ty còn hướng đến những dịch vụ như điện toán đám mây, thiết bị IoT, dù chúng không thể bù đắp sự giảm sút trong mảng smartphone và hạ tầng viễn thông.
Mảng hạ tầng mạng của Huawei vẫn có triển vọng tươi sáng song với việc một số thị trường lớn như Anh, Nhật Bản cấm thiết bị của hãng, Huawei sẽ tập trung hơn vào Trung Quốc. Theo nhà phân tích Edison Lee của hãng nghiên cứu Jefferies, công ty còn đủ chip để sản xuất khoảng 500.000 trạm gốc 5G. Thay vì sử dụng hết nguồn cung này, chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng giảm tốc độ triển khai 5G, cân bằng giữa mở rộng vùng phủ sóng trong khi chờ đợi Huawei bắt kịp.