Huawei đốt tiền đấu với Samsung, Apple, tự làm suy yếu bản thân

Le Min Kop |

Tốc độ tăng trưởng của Huawei xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua do vướng vào cuộc chiến “kim tiền” cùng hai gã khổng lồ Apple và Samsung trên thị trường smartphone

Huawei được thành lập bởi cựu kỹ sư quân đội Ren Zhengfei ba thập niên trước rồi nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu tiêu dùng được nhiều người biết đến nhất Trung Quốc.

Dù đi sau trên thị trường thiết bị di động nhưng công ty nhanh chóng tạo bước tiến mạnh mẽ để chiếm lấy thị phần từ tay Apple và Samsung ở phân khúc cao cấp, và hiện là nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới. Nhưng tham vọng mở rộng đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vì phải chi tiền cho những chiến dịch lớn.

Huawei đốt tiền đấu với Samsung, Apple, tự làm suy yếu bản thân - Ảnh 1.

Huawei tập trung nhiều vào việc nghiên cứu để phát triển mảng di động.

Hoạt động kinh doanh chính của Hawei là thiết bị mạng cũng chậm lại khi các nhà mạng đang cầm chừng và chuẩn bị cho bước đột phá 5G. Chưa hết, cuộc đua smartphone trở nên căng thẳng ngay tại sân nhà từ các đối thủ như Oppo, Vivo.

Gã khổng lồ Thâm Quyến cho biết thu nhập ròng năm 2016 chỉ nhích 0,4% lên thành 5,4 tỷ USD. Đó là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ đợt sụt giảm năm 2011. Tổng lợi nhuận thuần công ty giảm từ mức 9,3% của năm trước xuống còn 7,1%. Theo CEO Eric Xu, nhìn về lâu dài, con số này là “phù hợp”.

Hôm thứ Sáu, Huawei cho biết đã dành 14,6% doanh thu năm 2016 cho công tác nghiên cứu và phát triển. Dự kiến, công ty sẽ đầu tư từ 10 – 20 tỷ USD để nghiên cứu đa lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo cho tới công nghệ không dây, điện toán đám mây.

Nhưng Huawei cũng nghiêm túc để giám sát chặt chẽ mọi hoạt động nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Hồi tháng 12, ông Xu cam kết sẽ cắt giảm các sự kiện tiếp thị và cảnh báo về tình trạng “lạc quan mù quáng và khoa trương”. Vị CEO này từng nhắc nhở nhân viên, chi phí tăng sẽ làm giảm hiệu quả và lợi nhuận.

Phát biểu hôm thứ 6 trong buổi báo cáo hàng năm ở Thâm Quyến, Eric Xu trả lời báo chí cho biết: “Chúng tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến tính hiệu quả và giảm đầu tư những mảng không mang lại giá trị”.

Huawei đốt tiền đấu với Samsung, Apple, tự làm suy yếu bản thân - Ảnh 2.

Huawei đầu tư nhiều cho công tác nghiên cứu và phát triển từ năm 2007 đến nay.

Công ty đổ lỗi việc mở rộng nhanh chóng trong mảng kinh doanh thiết bị tiêu dùng đã gây ra gánh nặng lớn. Huawei vốn khá kín tiếng nên chỉ tiết lộ báo cáo tài chính cơ bản, theo đó doanh thu toàn cầu tăng 32% lên thành 521,6 tỷ nhân dân tệ (thấp hơn mức 35% của năm trước) không như kỳ vọng.

Nhưng bộ phận tiêu dùng đã vượt xa mốc đó với mức tăng 44% đạt 179,8 tỷ nhân dân tệ nhờ bán được 139 triệu smartphone trong năm 2016.

Huawei đã bớt phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh mạng viễn thông nhờ tăng doanh thu từ điện toán đám mây và điện thoại thông minh. Khoảng 56% doanh số bán hàng của hãng thuộc từ mảng viễn thông, giảm so với mức 60% năm 2016 và 2/3 năm 2014.

Gã khổng lồ Trung Quốc tuyên bố mục tiêu trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới và dự kiến chi 33 tỷ USD năm 2017 cho điện tử tiêu dùng, bao gồm smartphone, tablet và thiết bị đeo.

Nhưng ngay ở trong nước, hãng cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ. Huawei đã mất vị trí nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc vào tay Oppo. Gã khổng lồ Quảng Đông tấn công vào khu vực nông thôn và các thành phố tầm trung. Theo IDC, Vivo đứng vị trí thứ 3.

Dù thể hiện khát vọng vươn xa ra toàn cầu, Huawei vẫn phụ thuộc vào “bầu sữa” từ quê nhà. Nghiên cứu của IDC cho biết, thị trường Trung Quốc đóng góp 45% doanh thu cho công ty vào năm ngoái, tương đương 236,5 tỷ nhân dân tệ. Con số này năm 2015 là 42%.

Huawei sử dụng chính sách luân chuyển nhân sự thường xuyên. Phó Chủ tịch Guo Ping hiện trở thành CEO sau khi nhiệm kỳ 6 tháng của đồng sáng lập Eric Xu kết thúc hôm thứ Sáu. Đây là cách điều hành rất hiếm gặp trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại