Hợp tác Nga-Mỹ tại Syria "đứt gánh" vì bê bối rò rỉ email?

Lâm Nguyễn |

Vụ tấn công mạng nhắm vào Đảng Dân chủ đang khiến nỗ lực hợp tác với Nga của Mỹ ngày càng bất khả thi, nhà báo Nahal Toosi nhận định.

Có vẻ tác động của vụ tấn công mạng nhằm vào Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) sẽ không dừng lại ở phạm vi cuộc chạy đua giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ, mà còn gây ra những hậu quả sâu rộng hơn, khởi đầu là cuộc chiến tại Syria.

Trong suốt thời gian qua, cả Nga và Mỹ đều đang nỗ lực tiến tới một kế hoạch chung, nhằm mở ra hy vọng hòa bình cho Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thúc đẩy đề xuất chia sẻ thông tin tình báo với Moskva. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng rất kỳ vọng vào việc hợp tác với Nga. Còn phía Nga thì có trách nhiệm đảm bảo quân đội Chính phủ ngừng không kích nhằm vào lực lượng phiến quân ôn hòa.

Thế nhưng, kế hoạch này vấp phải rất nhiều chỉ trích từ những người còn hoài nghi trong giới phân tích, lẫn chính trị gia Mỹ. Một số cho rằng Nga sẽ không hợp tác đến cùng, số khác lại lo ngại việc "bắt tay" với Nga sẽ khiến Mỹ dè dặt hơn khi triển khai lực lượng đối phó với quân đội Assad.

Kế hoạch hợp tác này dù chưa chính thức được thông qua, nhưng đã gặp rất nhiều trở ngại.

Và đúng vào thời điểm quan trọng này, DNC lại bị tin tặc tấn công.

Hàng nghìn email của Đảng Dân chủ bị Wikileaks tung lên, phanh phui chuyện Đảng này đã làm những gì để "nâng" Hillary Clinton lên và "dìm" Bernie Sanders xuống trong cuộc bầu cử Mỹ.

Phe Clinton lập tức cáo buộc: Chính phủ Nga đứng sau sự việc này với mục đích tạo lợi thế cho Ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Hai ngày qua, nhiều chính trị gia Mỹ đã đưa ra những nhận định tương tự. Họ cho rằng Nga đang tìm cách tác động tới cuộc bầu cử Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không loại trừ khả năng này.

Tuy nhiên, ngày 27/7, Chính phủ Nga đã chính thức lên tiếng. Trước báo giới, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov báo bỏ cáo buộc trên và cho rằng đây là chuyện hoang đường do các chính trị gia Mỹ thêu dệt. Ông cũng nhắc lại lời Tổng thống Putin, rằng Moskva chưa và sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ, đặc biệt là quá trình bầu cử của các nước khác.

Cây viết Nahal Toosi của Polico nhận định: "Với tình hình hiện nay, Mỹ khó có thể đạt được 1 thỏa thuận tích cực với Nga về vấn đề Syria".

Một quan chức trong Chính phủ Mỹ cũng khẳng định, nếu đúng là Nga liên quan tới vụ tấn công mạng, Washington sẽ phải xem xét lại mức độ ảnh hưởng của sự việc trong mọi lĩnh vực mà Mỹ đang muốn hợp tác với Nga.

Tình thế càng trở nên nan giải hơn khi bê bối bùng phát đúng vào thời điểm nhạy cảm: ông Obama chỉ còn tại vị 6 tháng nữa và cuộc chiến tại Syria vẫn chưa được "tháo ngòi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại