Hợp đồng xuất khẩu vũ khí trăm tỷ USD của Mỹ cho Arab Saudi: Bên bờ vực sụp đổ

Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng |

Là đồng minh thân thiết của Mỹ ở Trung Đông, nhưng do vướng các nhóm lợi ích và những bất đồng quan điểm về nhân quyền, tôn giáo nên Arab Saudi mua được vũ khí Mỹ không hề dễ dàng.

Hợp đồng xuất khẩu vũ khí "vô tiền khoáng hậu"

Nhân chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến Arab Saudi vào trung tuần tháng 5 vừa qua; Mỹ và Arab Saudi đã đạt được thỏa thuận vũ khí với tổng số tiền lên tới 350 tỷ USD trong thời hạn 10 năm; trong đó gói 110 tỷ USD đã được ký kết.

Đây được coi là thắng lợi lớn của Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du đầu tiên của ông đến Trung Đông trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên theo các nhà quan sát, nỗ lực của Tổng thống Donald Trump về hợp đồng trăm tỷ USD vũ khí và trang thiết bị huấn luyện cho Arab Saudi có thể lâm vào bế tắc khi nó khó có thể được Quốc hội Mỹ thông qua do căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông đang tăng lên.

Ông Owen Daniels, trợ lý giám đốc về hòa bình và an ninh Trung Đông tại Hội đồng Atlantic về An ninh Quốc tế ở Washington DC cho biết, các nhà thầu quốc phòng của Mỹ đang lo ngại, rất có thể những hợp đồng vũ khí "khủng" với Arab Saudi có thể bị đổ vỡ do những căng thẳng về chính trị trong thời gian gần đây tại khu vực Trung Đông.

Các hợp đồng mua bán vũ khí với Arab Saudi đã được bắt đầu dưới thời chính quyền của ông Obama, bao gồm việc bán máy bay trực thăng hạng nặng Boeing CH-47 Chinook, các hệ thống phòng thủ tên lửa như Patriot và THAAD của Lockheed Martin và các loại bom thông minh có điều khiển (JDAM) của Boeing.

Hợp đồng xuất khẩu vũ khí trăm tỷ USD của Mỹ cho Arab Saudi: Bên bờ vực sụp đổ - Ảnh 1.

Hải quân Hoàng gia Arab Saudi tuần tra chung cùng tàu USS Mahan của Hải quân Mỹ.

Trong hợp đồng được ký lần này, Mỹ cũng sẽ giúp Arab Saudi nâng cấp tàu chiến ven biển, công nghệ thông tin liên lạc và an ninh mạng.

Bên cạnh đó, Mỹ đang tìm kiếm cơ hội để bán xe chiến đấu bộ binh Bradley vừa mới nâng cấp của BAE Systems, xe tăng M1A3 Abrams của General Dynamics cho Arab Saudi.

Hợp đồng trị giá hơn 23 tỷ USD trước đây đã được chính quyền Obama chấp nhận, chủ yếu là máy bay trực thăng Chinook và các gói đào tạo liên quan. Tuy nhiên, sự chấp thuận của các gói hợp đồng còn lại có trị giá trên 86 tỷ USD hiện vẫn không chắc chắn do trục trặc ngay chính trong hệ thống chính trị của nước Mỹ.

Việc mua bán vũ khí giữa Mỹ và Arab Saudi chưa bao giờ "thuận buồm xuôi gió", do những nhóm lợi ích trong Quốc hội Mỹ muốn duy trì ưu thế quân sự của Israel trong khu vực. Trong khi đó, Arab Saudi cũng là một đồng minh thân thiết của Mỹ ở khu vực vùng Vịnh nhưng lại không chung lợi ích với Israel.

Tuy nhiên Arab Saudi được Mỹ "ưu ái" hơn do khoảng cách địa lý của Arab Saudi với Israel cách xa nhau và quy mô quân đội nước này nhỏ hơn Israel nên Arab Saudi khó có cửa cạnh tranh vị trí cường quốc quân sự số 1 trong khu vực Trung Đông với Israel.

Thượng viện Mỹ gần đây đã bỏ phiếu thông qua việc bán 500 triệu USD các loại bom có điểu khiển chính xác cho Arab Saudi. Hợp đồng mua bán này đã có từ thời Tổng thống Obama; nhưng đã bị dừng lại để phản đối, lý do là Arab Saudi đã sử dụng vũ khí này để chống lại dân thường trong cuộc can thiệp quân sự của họ tại Yemen vào năm 2014.

Nguy cơ đổ bể

Hiện nay các tập đoàn sản xuất vũ khí lớn có chân trong hợp đồng "khủng" với Arab Saudi đang tích cực tiến hành các hoạt động vận động hành lang để lưỡng viện Quốc hội Mỹ có thể phê chuẩn nhanh hợp đồng này. Nếu hợp đồng được thực hiện trôi chảy, nó có thể tạo ra 240 tỷ USD lợi nhuận và duy trì các dây chuyền sản xuất của các công ty này trong 10 năm tới.

Tuy nhiên theo Bruce Riedel, một thành viên cao cấp của Viện Brookings Institution ở Washington DC cho hay, Arab Saudi thậm chí khó có thể trả tiền cho hợp đồng mua bán vũ khí khổng lồ này.

Hợp đồng xuất khẩu vũ khí trăm tỷ USD của Mỹ cho Arab Saudi: Bên bờ vực sụp đổ - Ảnh 2.

Tổng thống Trump và Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Arab Saudi hồi tháng 5/2017.

Do tác động của giá dầu, nguồn thu chủ yếu của Arab Saudi giảm và những chi phí của họ trong cuộc xung đột Yemen tăng cao; hiện nay Arab Saudi đang phải vật lộn tìm nguồn tài chính để đáp ứng các khoản thanh toán cho hợp đồng mua bán vũ khí của họ đã ký năm 2012 dưới thời chính quyền Tổng thống Obama có giá trị lên tới 112 tỷ USD.

Trong khi Arab Saudi đang tìm kiếm những hợp đồng mua bán vũ khí khủng với Mỹ để tiếp tục hiện đại hóa quân đội của mình thì Mỹ bắt đầu tăng viện trợ quân sự cho Israel để Israel tiếp tục giữ được lợi thế quân sự trước các đồng minh còn lại của Mỹ ở Trung Đông.

Đồng thời Mỹ cũng ký một hợp đồng cung cấp vũ khí trị giá 12 tỉ USD cho Qatar; việc làm của Mỹ tiếp tục đẩy khu vực Trung Đông vốn đã đầy bất ổn vào cuộc chạy đua vũ trang mới.

Trong một động thái liên quan, Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện, tuyên bố ngày 26/6 trên Twitter rằng:

"Sẽ không đồng ý về việc bán vũ khí trong tương lai cho các nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) - Bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất - cho đến khi có một thỏa thuận hợp lý để giải quyết những tranh chấp đang diễn ra giữa Qatar và các nước láng giềng trong khu vực".

Ngày 5/6, Arab Saudi và các đồng minh Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất áp đặt lệnh phong tỏa cho chính phủ Qatar với cáo buộc chính quyền Doha "hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực".

Các quốc gia gồm Arab Saudi, các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập không chỉ cắt đứt quan hệ ngoại giao mà còn áp đặt lệnh phong tỏa kinh tế với Qatar. Bốn nước này tuyên bố đóng cửa đường hàng không và đường biển với Doha; quốc gia láng giềng Arab Saudi thậm chí còn đóng cửa biên giới trên đất liền với Qatar.

Nếu cuộc khủng hoảng này không được giải quyết ổn thỏa thì các hợp đồng về mua bán vũ khí giữa Mỹ và các nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh sẽ đóng băng vĩnh viễn.

Là một đồng minh thân thiết của Mỹ ở khu vực Trung Đông, nhưng do vướng phải các nhóm lợi ích và những bất đồng quan điểm về nhân quyền, tôn giáo nên Arab Saudi mua được vũ khí Mỹ không hề là việc dễ dàng.

Hiện nay Arab Saudi cũng đang tích cực tìm các nguồn cung vũ khí khác ngoài Mỹ và các nước Phương Tây đó chính là tự phát triển nền công nghiệp quốc phòng của mình hoặc dùng nguồn tài chính dồi dào của mình để đầu tư phát triển các loại vũ khí với các nước khác.

Thậm chí họ còn tìm các nguồn vũ khí từ Nga và Trung Quốc để trang bị cho quân đội của mình. Nếu Mỹ làm căng, rất có thể các nước khác vì lợi nhuận sẽ "vượt rào" Mỹ để trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Arab Saudi./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại