1. Người ta nói với học viện bóng đá HAGL JMG, bầu Đức đã thành công rất nhiều, nhưng thất bại cũng không ít, và là người tiên phong, ông đã chấp nhận trả giá cho quyết tâm khai phá con đường mới của mình.
Cũng có lý, bởi kết thúc với vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng V.League 2018, HAGL đã trải qua 5 mùa liên tiếp không được sờ đến tấm huy chương, và đã 4 năm kể từ ngày lứa Công Phượng "hạ sơn", đội bóng phố Núi vẫn lận đận ở nửa dưới bảng xếp hạng. Những Xuân Trường, Công Phượng trưởng thành, nhưng vẫn chưa đúng với kỳ vọng, và các khóa sau vẫn mịt mờ.
Sau tất cả, giấc mơ của bầu Đức về một học viện HAGL JMG vươn ra thế giới đã không trở thành hiện thực.
Nói bầu Đức khai phá con đường mới của mình là chính xác, nhưng để nói rằng ông bầu phố Núi này khai phá con đường mới cho bóng đá Việt Nam, e rằng phải xem lại.
Đúng là học viện bóng đá của bầu Đức ra đời đầu tiên, đánh dấu một cách làm bóng đá trẻ đột phá cho bóng đá Việt Nam, nhưng nó không phải là duy nhất, ấy là chưa nói đến hiệu quả. Chỉ 1 năm sau sự ra đời của HAGL JMG, học viện bóng đá PVF ra đời, và theo sau đó là lò đào tạo của CLB Hà Nội, rồi Viettel ra đời, khiến học viện phố Núi bế tắc ngay từ đầu vào.
Nhiều người sẽ tự hỏi, nếu như những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, hay Văn Thanh, Văn Toàn... không có lò đào tạo HAGL, thì liệu có thể trở thành ngôi sao, có thể có được ngày hôm nay, với chiếc áo ĐTQG khoác trên người, cùng ánh hào quang xung quanh?
Hãy nhìn Quang Hải, cầu thủ đã từng từ chối học viện của bầu Đức để gắn bóng với lò đào tạo trẻ Hà Nội. Với ánh hào quang về tên tuổi, cơ sở vật chất cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của truyền thông ngày ấy, lựa chọn của cầu thủ người Đông Anh ngày ấy là cực kỳ đáng ngạc nhiên, nhưng có lẽ thời gian đã là câu trả lời rõ nhất rồi, đúng không?
Với Quang Hải, từ chối HAGL có phải là quyết định đúng đắn?
Học viện HAGL JMG có được, và lớn mạnh, lứa cầu thủ U19 của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... làm nức lòng những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đều là do quyết tâm dám nghĩ, dám làm của bầu Đức.
Nhưng hiện tại, lứa cầu thủ ấy bị thui chột không ít, với những chấn thương cướp đi sự nghiệp của không ít cầu thủ trẻ từng được kỳ vọng, những thất bại khi "gặt lúa non" cũng đều đến từ lựa chọn của ông bầu phố Núi này, từ lối chơi chọn cho HAGL, cho đến "xuất khẩu cầu thủ" và "thử lửa" các cầu thủ trẻ quá sớm.
2. Đẩy các cầu thủ trẻ ra "tuyến lửa" V-League, đưa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh sang Nhật Bản, Hàn Quốc thi đấu, bầu Đức được gì? Tiền?
Hãy nhớ rằng, gần 3 năm trước là khoảng thời gian khủng hoàng của HAGL, của bầu Đức, với việc nợ lương cầu thủ, cũng như cán bộ công nhân viên suốt 3 tháng liền.
Những bản hợp đồng đưa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh ra nước ngoài thi đấu đều nhuốm màu thương mại, bởi công việc chính của các cầu thủ HAGL ở Hàn Quốc, Nhật Bản rõ ràng không phải là đá bóng, và bởi sự cam kết số lượng trận ra sân của các cầu thủ trẻ, sau cùng chỉ là lời đồn đoán.
Xuân Trường được gì từ hai năm "rèn chân" ở Hàn Quốc?
Đầu năm ngoái, HAGL nhận khoản tài trợ 50 tỷ đồng với bản hợp đồng 2 năm, cùng lời quảng cáo các lứa cầu thủ trẻ của CLB này sẽ được "du học" ở những quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí các cầu thủ khóa sau của học viện HAGL JMG còn được hứa hẹn sẽ được rèn giũa ở châu Âu.
Thiết nghĩ cũng nên nhắc lại rằng, qua lời chính bầu Đức, mỗi mùa giải V.League, chỉ cần tầm 15 tỷ đồng là HAGL có thể "sống ngon", mà đấy là chưa tính đến việc đôn toàn bộ các cầu thủ trẻ lên chơi V.League như ông bầu phố Núi này đã làm. Khi đó, chắc hẳn mức độ đầu tư sẽ giảm đi đáng kể.
Bầu Đức là một nhà kinh doanh thức thời, từ việc năm xưa từng đưa giàn sao đắt giá nhất về phố Núi để làm nên thương hiệu HAGL lẫy lừng trong làng bóng, cho đến đầu tư vào đào tạo trẻ với học viện HAGL JMG, thậm chí cả việc trả lương thay VFF để đưa HLV Park Hang-seo về Việt Nam, dẫu rằng điều này tạo nên một tiền lệ cực kỳ không hay, khi một ông bầu "dài tay" quyết chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG, tương tự là việc đưa HLV Hữu Thắng vào chiếc ghế ấy gần 2 năm về trước.
Nhưng với lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... bầu Đức đang đi một nước cờ sai, bởi ông nắm quyền quyết định thứ mà mình yếu nhất: chuyên môn.
Hữu Thắng thất bại là bởi buộc phải chọn lối chơi tấn công đẹp mắt của lứa U19 HAGL cho ĐTQG và U22 Việt Nam, ông Chung Hae-seong chẳng thể làm gì nổi để cứu HAGL tuột dốc, bởi lối chơi, con người là do bầu Đức quyết định. Trong khi đó HLV Park Hang-seo lại được toàn quyền lựa chọn chiến thuật, chiến lược và cả con người. Đấy cũng là lý do đội bóng phố Núi đang mất dần ảnh hưởng ở đội tuyển.
Mới đây nhất, trả lời phỏng vấn, Công Phượng nói rằng cậu có tốc độ đi bóng thuộc hàng top (chứ không phải tốt nhất như một số trích dẫn). Điều này đúng. Chỉ có điều, dẫu cho là chân sút nội ghi bàn tốt thứ nhì V.League 2018, nhưng có đến 5 trong số 12 bàn mà tiền đạo này ghi được là trên chấm phạt đền. Với Công Phượng, đấy là một sự uổng phí không nhỏ.
Nhưng Công Phượng có thể làm gì được đây, khi phải chơi giữa một đội bóng thủng lưới đến 53 bàn cả giải (trung bình hơn 2 bàn/trận), cạnh các ngoại binh bị HAGL "thay như thay áo", và các đồng đội mỏi mệt bởi cả chấn thương lẫn sức nặng tâm lý của sự kỳ vọng và thành tích bết bát.
Cho đến hiện tại, HAGL vẫn lấy được tình cảm của người hâm mộ, đi kèm theo đó là quyền lợi của nhà tài trợ dành cho mình bằng hình ảnh của lứa U19 ngày nào, phần nào kỳ tích Á quân U23 châu Á, và niềm tự hào có kênh YouTube đứng đầu châu Á, vượt cả Arsenal lẫn Chelsea.
Nhưng khi lứa Công Phượng, Xuân Trường... đã bước qua tuổi 23, và đang dần đuối sức trong cuộc cạnh tranh ở ĐTQG, những chấn thương dài hạn đang ám ảnh những cầu thủ hàng đầu của đội bóng phố Núi, và con đường để HAGL thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên V.League vẫn cực kỳ mịt mờ, thì đã đến lúc bầu Đức phải thay đổi, để cứu Công Phượng, Xuân Trường và những cầu thủ đã "trao trọn thanh xuân" của mình cho ông.
Nhưng thay đổi thế nào, khi sau lưng lứa U19 đình đám năm nào là cả một khoảng trống mênh mông, và dưới chân mình, HAGL không có một "chân đế" vững để đỡ chông chênh - chân đế được tạo thành bởi những cầu thủ dạn dày kinh nghiệm để "che sóng, bạt gió" cho lứa đàn em, cùng một nền tảng tài chính vững chắc.
Tiếc cho Công Phượng, Xuân Trường, tiếc cho hơn 10 năm tâm huyết của bầu Đức. Tiếc cho một "mùa gặt sớm", để rồi "nhanh một bước chân", mà "trễ cả chuyến đò".