ĐB Đinh Duy Vượt: Cậu ấm cô chiêu dù rất trẻ vẫn có những dự án khủng, trơ trơ thách thức dư luận

Bảo Bình |

ĐB Vượt cho rằng, tham nhũng không tự nhiên mất đi mà biến hóa như ma trận, lòng vòng, nhưng cuối cùng vẫn đổ về túi cán bộ.

Nhiều thái tử, phò mã, cậu ấm cô chiêu có xe sang, biệt phủ

Phát biểu góp ý dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi tại hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng nay (6/9), ĐB Đinh Duy Vượt, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Gia Lai nhấn mạnh, việc xác định đối tượng kê khai là mấu chốt kiểm soát tài sản.

Dự thảo luật chỉ quy định kê khai của mình, của vợ/chồng, con cái vị thành niên. Việc quá thu hẹp như vậy chưa thực sự xoáy vào tảng băng chìm, hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng. Và nhân dân vẫn hoài nghi, tâm tư về tiến trình diệt giặc nội xâm này.

Thực chất, ở nhiều tỉnh thành, nhân dân, cán bộ đều biết cha mẹ, ông bà bỗng dưng hoặc sau một thời gian sở hữu nhiều dự án, nhiều tài sản chục tỉ, biệt phủ xe sang, thậm chí những dự án kim cương... của thái tử, phò mã, cậu ấm cô chiêu, dù rất trẻ vẫn có những dự án khủng, bất chấp dư luận, vẫn trơ trơ thách thức dư luận.

Qua các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử, nhiều tài sản tham nhũng được tẩu tán cho cha, mẹ, người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh... Đây là một trong những nguyên nhân mà các cơ quan tư pháp dù đã rất cố gắng, quyết liệt nhưng tỉ lệ thu hồi tiền tham nhũng vẫn thấp.

Tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà chuyển từ người này sang người khác, dạng này sang dạng khác, biến hóa ẩn mình như ma trận, sân trước, sân sau, doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia nhằm hợp lý hóa, rửa tiền nhưng cuối cùng vẫn đổ về túi cán bộ, báo Pháp Luật TP.HCM ghi lại ý kiến của đại biểu QH tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn.

Tuy nhiên việc không giải trình được hợp lý nguồn gốc cũng chưa có cơ chế để xử lý tài sản, thu nhập này đã gây nghi ngờ trong dư luận.

Hơn 1 triệu quan chức kê khai tài sản, phát hiện 6 người sai phạm

Trước đó, chiều ngày 5/9, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 11 để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018.

ĐB Đinh Duy Vượt: Cậu ấm cô chiêu dù rất trẻ vẫn có những dự án khủng, trơ trơ thách thức dư luận - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Theo ghi nhận của báo Thanh niên tại phiên họp, báo cáo của Chính phủ do ông Trần Ngọc Liêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, trình bày tại phiên họp cho biết, năm 2018, có gần 1,137 triệu người kê khai tài sản, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai.

Kết quả xác minh phát hiện 6 trường hợp vi phạm, tăng 1 trường họp so với năm 2017.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban, trình bày, số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng năm 2018 chỉ xác minh đối với 44 người trong tổng số hơn 1,1 triệu người đã kê khai.

Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm (giảm 56,4% so với năm 2017).

Trong đó, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP Hồ Chí Minh; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại Tp.Hà Nội.

Theo nhóm nghiên cứu, phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không bị kỷ luật.

Ví dụ, tại tỉnh Bạc Liêu có 19 trường họp không kê khai tài sản, thu nhập, trong đó chỉ ở 1 đơn vị cấp huyện đã có đến 17 trường hợp không kê khai nhưng không có lý do.

ĐB Đinh Duy Vượt: Cậu ấm cô chiêu dù rất trẻ vẫn có những dự án khủng, trơ trơ thách thức dư luận - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thủy nêu ý kiến tại phiên họp.

Bàn về kết quả xác minh trên, bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề, dù chỉ xác minh 44 trường hợp trong hơn 1,1 triệu người phải kê khai tài sản nhưng đã phát hiện 6 trường hợp sai phạm, chiếm tỷ lệ 13,6%. 

"Vậy, với hơn 1,1 triệu người kê khai chưa xác minh thì tỷ lệ vi phạm sẽ lớn như thế nào?", bà Thủy đặt câu hỏi.

Giải thích thêm về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, 44 trường hợp trong tổng số hơn 1,1 triệu người phải kê khai tài sản tiến hành xác minh là các trường hợp có đủ căn cứ theo quy định của luật hiện hành. Trong số đó, phát hiện 6 trường hợp sai phạm.

Tuy nhiên, ông Khái cho rằng, không nên đánh đồng tỷ lệ này cho toàn thể hơn 1,1 triệu người phải kê khai tài sản trong cả nước.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng, biện pháp cấp bách trong phòng chống tham nhũng là phải ngăn chặn và thu hồi lại tài sản do tham nhũng mà có.

"Không quan trọng việc bắt người ta vào tù mà phải thu hồi được tài sản tham nhũng, đó là xương máu của nhân dân", báo Infonet ghi lời ông Kim.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại