“Các đồng chí đi khởi công, đi động thổ được sao không đối thoại với dân được độ 10 vụ?"

PV |

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đây cũng là câu hỏi cử tri phản ánh với đại biểu quốc hội.

Hà Nội xử 189 vụ hành chính, không vụ nào có lãnh đạo thành phố dự

Sáng 22/8, Ủy ban Tư pháp tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 10. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Phiên họp bàn về dự thảo Báo cáo giám sát việc giải quyết các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch ủy ban nhân dân, ủy ban nhân dân.

“Các đồng chí đi khởi công, đi động thổ được sao không đối thoại với dân được độ 10 vụ? - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Theo dự thảo Báo cáo giám sát do bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, trình tại phiên họp:

Trong 3 năm, TAND thành phố Hà Nội xét xử 189 vụ án hành chính, nhưng chưa có vụ nào, lãnh đạo UBND thành phố tham gia tố tụng.

Còn tại TP HCM trong năm 2017 có 260/260 vụ án hành chính không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại tòa.

Có những địa phương, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho cấp phó tham gia tố tụng. Tuy nhiên cấp phó cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.

Thậm chí, “có những địa phương sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND được ủy quyền có văn bản gửi Tòa án đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà Tòa án triệu tập”, báo Tiền Phong ghi lời bà Thủy tại phiên họp.

Về lý do không tham gia tố tụng, các địa phương đều nêu do "bận công tác" và do Luật Tố tụng hành chính 2015 thu hẹp phạm vi người được ủy quyền tham gia tố tụng so với Luật Tố tụng hành chính 2010, dẫn đến khó khăn.

Tuy nhiên lý do này khó được chấp nhận, bởi trong thực tiễn có những địa phương, mặc dù số lượng án hành chính lớn nhưng Chủ tịch UBND và người đại diện UBND vẫn bố trí người tham gia nghiêm túc. 

Nhưng ngược lại, có những địa phương số lượng án rất ít, nhưng Chủ tịch UBND và người đại diện thường xuyên xin vắng mặt, thậm chí có tỉnh vắng 100% số vụ.

Lãnh đạo TP.HCM không tham gia đối thoại vì không đủ cấp phó?

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cho rằng ông đánh giá cao sự thẳng thắn của đoàn giám sát, tuy nhiên, cũng rất chia sẻ với các chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân. 

Theo ông Bình, mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có khoảng 2.000 vụ án hành chính, nếu như mỗi ngày xét xử 3 vụ, phải có 3 chủ tịch, phó chủ tịch ra dự tòa thì không đủ.

Ông Bình cũng cho biết, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội từng chất vấn và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có nghị quyết riêng về việc ra tòa của lãnh đạo thành phố, vì quy định hiện tại gây khó khăn cho việc tham gia của lãnh đạo tỉnh tại các phiên tòa xét xử các vụ án hành chính.

“Các đồng chí đi khởi công, đi động thổ được sao không đối thoại với dân được độ 10 vụ? - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Tiền phong

Trả lời về vấn đề này, bà Lê Thị Nga cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở khó khăn do quy định của luật thu hẹp đối tượng được ủy quyền. 

"Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 năm có 260 vụ, nhưng lãnh đạo tỉnh không tham gia đối thoại bất cứ một vụ nào, không tham gia phiên tòa. Như vậy có phải do không đủ số phó?", bà Nga nêu vấn đề.

"Chúng tôi xem ti vi thấy các đồng chí đi khởi công, đi động thổ, đi dự hội nghị ngành nọ, ngành kia thì được. Vậy tại sao không tham gia đối thoại được độ 10 vụ đi, cho gọi là có tham gia. Đây cũng là câu hỏi cử tri phản ánh với đại biểu quốc hội. 

Còn nói 260/260 vụ không thể nào cử được vì không đủ cấp phó thì có giải thích được không?", báo Thanh niên ghi lời bà Nga tại phiên họp.

 Cũng theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan thi hành án đều không có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm những người này. 

100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan thi hành án dân sự không đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm người không chấp hành án.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại