Ngày 13-14/2/2019, tại Thủ đô Warsaw của Ba Lan, dưới sự đồng chủ trì của nước chủ nhà và Mỹ đã diễn ra Hội nghị quốc tế về "các vấn đề hoà bình an ninh ở Trung Đông" với sự tham gia của gần 60 quốc gia. Thành phần tham gia Hội nghị gồm hầu hết các nước Liên minh châu Âu (EU) và 10 nước Ả Rập gồm Ả Rập Saudi, Ai Cập, Bahrain, Yemen, Jordan, Kuwait, Morocco, Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Tunisia.
Nga, Iran, Palestine, Lebanon, Qatar, Syria, Pháp, Đức, Cao uỷ Liên minh châu Âu (EC) về chính sách đối ngoại Federica Mogherini không tham dự. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cử Đại sứ tại Ba Lan dự.
Bối cảnh và mục tiêu tổ chức Hội nghị
Hội nghị này được triệu tập trong bối cảnh sau khi quốc tế phản đối mạnh mẽ việc chính quyền D. Trump quyết định rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran (JCPOA), công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về thành phố này và "Thoả thuận thế kỷ" nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine có nguy cơ chết yểu. Trong tình hình như vậy, mục tiêu chính của Hội nghị do Mỹ đề ra là nhằm tập hợp sự ủng hộ của các nước đối với quan điểm của Mỹ về các vấn đề của khu vực Trung Đông, trước tiên là vấn đề Iran và Palestine.
Đây là lần đầu tiên một Hội nghị về Trung Đông được tổ chức tại Ba Lan. Kể từ sau khi Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu tan rã, vai trò và vị tri của Ba Lan ở châu Âu cũng như trên thế giới không có gì nổi bật. Đặc biệt gần đây quan hệ giữa Ba Lan với EU không được thuận buồn xuôu gió do bất đồng trong vấn đề nhập cư và các tiêu chuẩn luật pháp.
Với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2018-2019, thông qua việc đăng cai Hội nghị quốc tế này, chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Mateusz Jakub Morawiecki hy vọng sẽ nâng cao vị trí của Ba Lan trên trường quốc tế, đồng thời tranh thủ thắt chặt hơn quan hệ với Mỹ và các nước Ả Rập vùng Vịnh giàu có thù địch với Iran như Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
"Đám cưới vắng cô dâu, chú rể"
Có thể nói Hội nghị đã không đạt được các mục tiêu đề ra nếu không muốn nói là thất bại. Lúc đầu Mỹ tuyên bố đây là Hội nghị thượng đỉnh chống Iran, nhưng do nhiều nước không hưởng ứng nên đã phải thay đổi thành "Hội nghị về hoà bình và an ninh Trung Đông".
Ngay cả khi đã thay đổi tên của Hội nghị, phần lớn các nước tham gia đều ở cấp thấp. Thủ tướng Israel B. Netanyahu là lãnh đạo cao nhất tham gia Hội nghị. Các nước vùng Vịnh cũng chỉ cử đoàn tham gia ở cấp Bộ trường Ngoại giao. Việc Đức, Pháp là hai nước lớn trong Liên minh châu Âu và Cao uỷ châu Âu về đối ngoại Federica Mogherini không tham dự thể hiện sự bất đồng sâu sắc giữa EU với Mỹ xung quanh quan hệ với Iran, đặc biệt về quyết định của D. Trump rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran (JCPOA) và tái áp đặt lệnh trừng phạt Teheran.
Một Hội nghị bàn về những vấn đề nổi cộm của khu vực mà không có sự tham gia của Iran, Syria, Palestine là những nước liên quan trực tiếp không khác gì một "đám cưới không có cô dâu và chú rể". Ngoài ra Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar là những người chơi quan trọng trong cuộc chơi này không tham dự thì khó có thể đem lại một kết quả tích cực.
So với mục tiêu chính được Washington đưa ra ban đầu là thành lập một Liên minh quốc tế chống Iran, ủng hộ kế hoạch của D. Trump nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine dưới cái tên "Thoả thuận thế kỷ", chương trình nghị sự của Hội nghị đã được Mỹ điều chính và mở rộng bao gồm những vấn đề chung của khu vực.
Thay vì bàn thành lập Liên minh chống Iran và "Thoả thuận thế kỷ", Hội nghị đã thảo luận ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, các mối đe doạ khủng bố và lộ trình hoà bình giữa Palestine và Israel, cuộc xung đột Yemen, Syria và vấn đề người tỵ nạn.
Washington hoàn toàn không coi Hội nghị này là diễn đàn để trao đổi ý kiến giữa các nước tham gia mà là để trình bày và áp đặt quan điểm của mình đối với các vấn đề của khu vực Trung Đông. Riêng việc không ra được tuyên bố chung chứng tỏ có sự bất đồng giữa những người tham gia Hội nghị. Trừ Mỹ, Israel và các nước Ả Rập thù địch với Iran, hầu hết các nước vẫn ủng hộ JCPOA và quan hệ với Iran. Một Liên minh chống Iran vẫn không đạt được đồng thuận, "Thỏa thuận thế kỷ" nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel vẫn chỉ nằm trên giấy.
Hơn thế nữa, phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã công kích các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, tố cáo đích danh Anh, Pháp và Đức đã vi phạm lệnh trừng phát của Mỹ chống Iran bằng việc thiết lập một cơ chế tài chính mới để tiếp tục buôn bán với Teheran.
Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif phát biểu và ví "Hội nghị Warsaw như một đứa trẻ sinh ra đã chết".
Mặc dù Washington đã mở rộng chương trình nghị sự so với ban đầu, nhưng nội dung bao trùm của Hội nghị Warsaw vẫn là chống Iran. Iran không phài là nguồn gốc của tình hình bất ổn hiện nay tại Trung Đông mà nguyên nhân chính của nó là các cuộc xung đột khu vực, trước hết là cuộc xung đột Israel-Palestine không được giải quyêt và chủ nghĩa khủng bốchwa bị tiêu diệt.
Hoà bình và an ninh ở Trung Đông chỉ có thể được vãn hồi với sự hợp tác của tất cả các bên liên quan. Việc thành lập một liên minh chống lại bên kia hoặc một quốc gia nào đó sẽ không giải quyết được các vấn đề phức tạp hiện nay tại Trung Đông.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại