Hội nghị an ninh Munich: Châu Âu gửi câu trả lời cứng rắn tới Mỹ

Thu Hoài |

Bất chấp lời kêu gọi và thậm chí là cả những cảnh báo của Mỹ, các nước châu Âu vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Hội nghị an ninh Munich khai mạc ngày 15/2 tại thành phố cùng tên của Đức đã cho thấy vết rạn ngày một lớn trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mà cụ thể là trong vấn đề hạt nhân Iran. Bất chấp lời kêu gọi và thậm chí là cả những cảnh báo của Mỹ, các nước châu Âu vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Từng được xem là một trong những xuất phát điểm của Hội nghị An ninh Munich được tổ chức lần đầu vào năm 1963, quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang đứng trước thử thách lớn, có thể dẫn đến những thay đổi căn bản về quan hệ thương mại và quốc phòng- an ninh.

Tại ngày họp đầu tiên, các nước châu Âu đã có câu trả lời mạnh mẽ gửi đến Mỹ, một ngày sau khi phó Tổng thống Mike Pence yêu cầu những nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân do vai trò gây bất ổn của Iran tại Trung Đông.

Năm 2018, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng, Iran đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass ngày 15/1 nhấn mạnh, Đức, cùng với Anh, Pháp và toàn bộ Liên minh châu Âu vẫn luôn tìm kiếm một phương cách nhằm đảm bảo Iran tiếp tục ở lại thỏa thuận hạt nhân.

Mục đích của những nước này vẫn là đảm bảo một Iran không có vũ khí hạt nhân. Nếu không có thỏa thuận này, khu vực này sẽ không còn an toàn nữa và thậm chí có thể tiến thêm một bước tới nguy cơ đối đầu công khai.

“Chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Mỹ và sẽ đưa ra những đề xuất theo hướng này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cũng là liệu các bên có đang làm điều mình muốn dựa trên đánh giá tình hình thế giới hay không, liệu các hiệp ước quốc tế có còn giá trị hay không hay liệu hợp tác quốc tế có đang hoạt động và liệu có tương lai cho chủ nghĩa đa phương hay không?”, ông Heiko Mass nói.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini thì khẳng định, đối với khối này, thỏa thuận hạt nhân là nền tảng và có ý nghĩa sống còn đối với an ninh khu vực.

Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Giăng Jean Yves Le Drian lại hoài nghi về chính sách của Mỹ tại Đông Bắc Syria, cho rằng đây là một điều khó hiểu. Bởi quyết định rút các lực lượng Mỹ khỏi khu vực cũng đồng nghĩa với lợi thế cho Iran.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp đặt câu hỏi, làm thế nào để cộng đồng thế giới có thể quyết liệt với Iran trong khi lại bỏ rơi Đông Bắc Syria khi tất cả đều biết rằng điều này có thể tạo điều kiện cho Iran gia tăng sự hiện diện tại khu vực? Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn rút khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria từ nay đến cuối tháng 4, một quyết định khiến các đồng minh châu Âu lo ngại.

Iran chỉ là một trong số rất nhiều những vấn đề gây chia rẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương thời gian qua, nhất là dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, với chính sách “nước Mỹ trên hết”.

Ra đời từ năm 1963, Hội nghị An ninh Munich được tổ chức với mục tiêu ban đầu là diễn đàn phối hợp các chính sách quốc phòng của các nước phương Tây và dần trở một diễn đàn toàn cầu cho các vấn đề an ninh của thế giới, thúc đẩy tiến trình giải quyết các xung đột bằng con đường hòa bình dựa trên cùng hợp tác và đối thoại quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh những thách thức đối với trật tự thế giới ngày một nhiều, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đứng trước những sóng gió lớn, thì “hợp tác” và “tin tưởng” lại không hề dễ dàng.

Theo Chủ tịch Hội nghị an ninh Wolfgang Ischinger, thế giới hiện không chỉ trải qua một loạt các cuộc khủng hoảng lớn, nhỏ, mà còn phải đối mặt với một sự chuyển hướng lịch sử. Các nước cần tăng cường xây dựng lòng tin và tin tưởng lẫn nhau, thay vì “nói về nhau”, hãy “nói với nhau”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại