Hội chém lợn gây tranh cãi ở Bắc Ninh năm nay chỉ còn là "cứa" lợn

Hoàng Đan |

Cũng như năm ngoái, năm nay, một góc sân đình Ném Thượng đã được quây lại, căng bạt che kín để làm nơi tổ chức lễ chém lợn, làm cỗ ngọc tế thánh.

Sáng ngày 2/2, tức mùng 6 Tết, theo thông lệ, lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh đã diễn ra với các nghi thức truyền thống.

Theo ghi nhận của chúng tôi, so với các năm trước, năm nay, lượng người đổ về chứng kiến lễ chém lợn không còn đông đúc. Cảnh bắc thang hay trèo lên cây theo dõi các nghi lễ không xảy ra.

Gần 11 giờ trưa, sau khi được người dân rước đi quanh làng, hai "ông ỉn" đã được đưa về sân đình thực hiện nghi lễ phất cờ, xin đao...

Hội chém lợn gây tranh cãi ở Bắc Ninh năm nay chỉ còn là cứa lợn - Ảnh 1.

Một trong hai "ông ỉn" để làm cỗ ngọc tế thánh.

Cũng như năm ngoái, năm nay, một góc sân đình được quây lại, căng bạt che kín để làm nơi tổ chức lễ chém lợn. Bên ngoài, một hàng rào sắt cũng được dựng lên bao quanh khu vực làm cỗ ngọc tế thánh.

Ngoài ra, lực lượng công an của Thành phố, phường, bảo vệ cũng được tăng cường để bảo đảm an ninh quanh khu vực diễn ra nghi lễ.

Đúng 11 giờ trưa, sau khi một người dân vào vai tướng tiến hành nghi thức phất cờ thì hai thủ đao cùng đại diện ban tổ chức tiến vào trong đình làng làm lễ xin đao.

Hội chém lợn gây tranh cãi ở Bắc Ninh năm nay chỉ còn là cứa lợn - Ảnh 2.

Đôi song đao bày trong đình.

Hội chém lợn gây tranh cãi ở Bắc Ninh năm nay chỉ còn là cứa lợn - Ảnh 3.

Hội chém lợn gây tranh cãi ở Bắc Ninh năm nay chỉ còn là cứa lợn - Ảnh 4.

"Ông tướng" làm lễ phất cờ.

Hội chém lợn gây tranh cãi ở Bắc Ninh năm nay chỉ còn là cứa lợn - Ảnh 5.

Lễ xin đao.

11 giờ 20 phút, hai "ông ỉn" đi sau các thủ đao, đoàn rước tiến vào khu vực làm cỗ. Ngoài những người có nhiệm vụ, không một ai được tiếp cận nhà bạt quây kín, nơi diễn ra màn chém lợn.

Hội chém lợn gây tranh cãi ở Bắc Ninh năm nay chỉ còn là cứa lợn - Ảnh 6.

"Ông ỉn" được đưa vào khu vực làm cỗ ngọc.

Sau khoảng 10 phút, hai thủ đao bước ra khỏi nhà bạt kín báo hiệu với người dân đã hoàn thành màn chém lợn. Nhiều người dân làng Ném Thượng tỏ ra khá buồn khi chứng kiến màn chém lợn tế thánh không diễn ra như truyền thống mọi năm.

Hội chém lợn gây tranh cãi ở Bắc Ninh năm nay chỉ còn là cứa lợn - Ảnh 7.

Khu vực chém lợn được quây kín.

Hội chém lợn gây tranh cãi ở Bắc Ninh năm nay chỉ còn là cứa lợn - Ảnh 8.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phương (48 tuổi), một trong hai thủ đao của lễ chém lợn năm nay cho biết, ông cảm thấy rất vui, phấn khởi khi được làng chọn làm nhiệm vụ này.

"Làm xong nhiệm vụ tôi rất vui mừng. Năm nay việc chém lợn không còn diễn ra như truyền thống mà ban tổ chức yêu cầu thủ đao chỉ dùng dao cứa "ông ỉn" thôi còn các việc khác sẽ do mọi người cùng làm", ông Phương nói.

Hội chém lợn gây tranh cãi ở Bắc Ninh năm nay chỉ còn là cứa lợn - Ảnh 9.

Ông Phương, một trong hai thủ đao.

Cũng theo ông Phương, để được chọn làm thủ đao phải trải qua sự lựa chọn của các bô lão trong làng, đồng thời, gia đình phải thuận hòa, đoàn kết, con cháu hiếu thuận.

Một thành viên Ban Tổ chức lễ hội làng Ném Thượng khẳng định, từ năm ngoái, sau khi có nhiều ý kiến, nghi lễ chém lợn của làng đã được tổ chức khác so với truyền thống. 

"Thay vì chém lợn ở sân đình thì chúng tôi sẽ cử hành ở phía bên trái sân đình và sẽ có che bạt để tránh gây phản cảm đối với du khách thập phương. Riêng đối với phần nghi lễ thì sẽ không thay đổi, vẫn giống mọi năm", vị này nêu rõ.

Đại diện tổ chức Động vật châu Á có mặt trong lễ hội cũng cho biết, tổ chức đánh giá cao những thay đổi của Ném Thượng khi chuyển màn chém lợn vào trong nhà kín.

"Việc cho vào nhà kín thế này thì những người già, trẻ nhỏ sẽ không còn phải chứng kiến cảnh máu me...

Tuy nhiên con lợn vẫn bị giết và chúng tôi sẽ tiếp tục có những kêu gọi mong cộng đồng dân cư thay đổi, chấm dứt việc giết lợn trong lễ hội này.

Có thể thay đổi tích cực hơn như dùng lợn giả để thực hiện trong nghi lễ còn lại chúng ta sẽ làm từ trước, lấy các phần lợn để làm lễ", đại diện tổ chức Động vật châu Á bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại