Học thuyết phòng thủ tên lửa của Mỹ khuấy động Nga - Trung chạy đua vũ trang?

Minh Thu |

Đi ngược với mục tiêu ban đầu của Mỹ chỉ là "phòng thủ", bản Học thuyết phòng thủ tên lửa của Mỹ năm 2019 được cho là đang khuấy động quân đội Nga và Trung Quốc tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang.

Hồi tháng Một, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho công bố Học thuyết phòng thủ tên lửa năm 2019.

Đây là văn bản chiến lược hé lộ phần nào kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ để không chỉ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cùng quân đội quốc gia mà còn cả các đồng minh khỏi mối đe dọa từ lực lượng tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và vũ khí siêu thanh từ đối phương mà cụ thể là Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Diplomat, giới chuyên gia nhận định Học thuyết phòng thủ tên lửa của Mỹ đã đi ngược lại với mục tiêu ban đầu mà Washington đặt ra chỉ là “phòng thủ”. Thay vào đó, văn bản này đang khuấy động Nga - Trung tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang.

Cụ thể, ông Thomas Schelling, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2005 về lý thuyết trò chơi nhận định, mỗi hành động của Mỹ đều vấp phải phản ứng của đối thủ. Và điều này cũng hoàn toàn đúng trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa.

Đây chính là lý do giải thích hồi tháng 3/2018, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố trước cả thế giới về việc Nga đã cho phát triển các hệ thống vũ khí mang theo đầu đạn hạt nhân kiểu mới.

Ông Putin miêu tả đây là những loại vũ khí được phát triển nhằm “đối phó với việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo”.

Nói cách khác, Nga lo ngại năng lực phòng thủ hạt nhân vốn được xem là nền tảng của an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng một khi Mỹ tiếp tục cải thiện năng lực phòng thủ tên lửa. Do đó, mối ưu tiên của Nga là phát triển năng lực phòng thủ để đưa mọi mục tiêu quan trọng của Mỹ vào tầm ngắm.

Từ đó, Học thuyết phòng thủ tên lửa của chính quyền Tổng thống Trump được xem chính là tác nhân khiến Nga và Trung Quốc có động thái "phản đòn" và nguy cơ đẩy an ninh thế giới vào cảnh bấp bênh.

Dù trong nội dung Học thuyết phòng thủ tên lửa của Mỹ không nhắc trực tiếp tới mối đe dọa từ lực lượng phòng thủ chiến lược của Nga – Trung nhưng lại đề cập tới những mối nguy từ Triều Tiên và Iran.

Song với Bắc Kinh và Moscow, Học thuyết phòng thủ tên lửa của Mỹ là dấu hiệu khiến hai nước này nghi ngờ về mục đích “phòng thủ” đơn thuần của Washington.

Với quy mô lực lượng hạt nhân được đánh giá chỉ bằng một phần nhỏ của Mỹ, Bắc Kinh lâu nay lo ngại về khả năng hệ thống cảm biến và đánh chặn hiện đại của dàn phòng thủ tên lửa Mỹ có thể đập tan hệ thống phòng thủ của Trung Quốc nếu không may hai nước xảy ra chiến tranh.

Mối quan ngại của Bắc Kinh trọng tâm nhắm tới khả năng Mỹ sẽ cho phá hủy lực lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ngay khi cuộc chiến giữa hai bên mới chỉ bắt đầu cũng như làm tê liệt hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc.

Về phần mình, kể từ sau khi rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo vào năm 2001, Mỹ xem Triều Tiên và Iran chính là nguyên nhân khiến quốc gia này theo đuổi phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa. Song gần đây, chính quyền của Tổng thống Trump lại xem kho vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc mới là điều khiến Mỹ "đứng ngồi không yên".

Cuối năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, các vũ khí siêu thanh mới do Nga chế tạo là không có đối thủ và đây chính là lực lượng đảm bảo an ninh cho Nga trong những thập niên tới.

Cụ thể, phát biểu tại cuộc họp cùng các quan chức quốc phòng Nga ở Moscow hôm 18/12/2018, Tổng thống Putin nhấn mạnh tên lửa siêu thanh Kinzhal và thiết bị phóng siêu thanh Avangard đang giúp năng lực quân sự của Nga tăng đáng kể.

“Chưa một ai có những loại vũ khí siêu thanh này, nhưng Nga lại có”, AP dẫn lời ông Putin.

Trong đó, tên lửa Kinzhal đã được biên chế vào quân đội Nga và được phi đội chiến đấu cơ MiG-31 sử dụng. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết trong năm nay, các máy bay trang bị tên lửa Kinzhal đã thực hiện 89 chuyến bay tuần tra.

Cũng theo ông Shoigu, thiết bị phóng siêu thanh Avangard sẽ được đưa vào biên chế trong năm 2019. Ông Putin nhấn mạnh thêm, tên lửa siêu thanh phóng từ trên không Kinzhal và thiết bị phóng siêu thanh Avangard không nằm trong danh mục cấm của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Liên quan tới INF, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ có phản ứng nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận được hai nước ký kết vào năm 1987. Trong đó, INF quy định cấm Mỹ và Nga chế tạo cũng như triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 – 5.500 km.

Phía Trung Quốc cũng đã có động thái dằn mặt Mỹ khi cho công bố đoạn video ghi lại cảnh phóng thử tên lửa đạn đạo DF-26 hay còn gọi là “sát thủ diệt Guam” trong một cuộc tập trận ở khu vực phía tây bắc nước này hồi tháng Một năm nay.

Động thái này được cho nhằm chứng minh độ chính xác và ổn định của hệ thống cũng như trực tiếp thách thức năng lực quân sự của Mỹ.

Giới phân tích quân sự nhận định, hệ thống điều khiển đường bay bốn hướng giống hình vây cá được bố trí đối xứng xung quanh mũi tên lửa DF-26 giúp tăng khả năng cơ động và điều chỉnh quỹ đạo bay để đánh trúng mục tiêu đang di chuyển như tàu sân bay của Mỹ.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 còn được mệnh danh là "sát thủ diệt Guam" có tầm bắn từ 3.000 km – 5.741 km. Với tầm bắn này, đảo Guam của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương hoàn toàn nằm trong phạm vi tấn công của DF-26.

Cũng theo giới chuyên gia, DF-26 có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng trong các đợt tấn công chống hạm, chống vũ khí truyền thống hoặc vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể dùng DF-26 để tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ cùng các căn cứ hải quân của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại