Học thuyết "Hai Sergei" của Putin: Không muốn nói chuyện với Lavrov thì sẽ phải gặp Shoigu

Quang Huy |

Người châu Âu sẵn sàng tiếp đón "Lavrov" bởi họ không muốn thấy "Shoigu" ở Berlin hay Paris. Có lẽ họ vẫn còn nhớ kinh nghiệm xương máu từ những thế kỷ trước.

Đã từ lâu trên khắp nước Nga người ta rỉ tai nhau một câu chuyện, rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu: "Sereza, ông được yêu cầu tới Ukraine để lấy lời khai". Ông Shoigu liền trả lời: "Thưa tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, cho phép tôi lên đường lấy lời khai của họ ngay lập tức!".

Học thuyết Hai Sergei của Putin: Không muốn nói chuyện với Lavrov thì sẽ phải gặp Shoigu - Ảnh 1.

Ông Putin và ông Shoigu trong kỳ nghỉ tại Siberia. Ảnh: Reuters

Câu chuyện nửa đùa, nửa thật này đã xác nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà Điện Kremlin phải đương đầu, khi giới chính trị đầu não Kiev liên tục lên tiếng cáo buộc Nga. Ngoài ra, nó còn cho thấy một điều đáng chú ý: Trong những năm tới đây, vai trò của Sergei Shoigu sẽ đặc biệt quan trọng.

Và chắc hẳn Tổng thống Putin cũng coi như vậy khi ông cùng Bộ trưởng Quốc phòng đi nghỉ cùng nhau tại Nam Siberia vào những ngày đầu tháng 8. Trong những bức ảnh chụp, ông Putin mặc đồ lặn và săn cá chó phương Bắc bằng móc xiên.

Các nhà báo Nga đã giải mã hình tượng của phương pháp bắt cá này: Cá chó Phương Bắc hung hăng và phàm ăn chính là những phần tử khủng bố tại Syria mà Nga đang tiêu diệt và chế ngự.

Thông điệp "thời thượng"

Người ta cho rằng, có thể đến một lúc nào đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga sẽ lấy lời khai của những kẻ hiện giờ đang núp dưới tán dù của bên thứ ba, những kẻ đang nghĩ rằng: Ông Shoigu chỉ có thể mang tới vài giọt mưa xuân chứ không phải bão táp. Đó là lý do họ cho phép mình được buộc tội và đe dọa người đứng đầu cơ quan quốc phòng Nga.

Cách hành xử kiểu này của chính quyền Kiev, đương nhiên, không mang lại điều gì tốt đẹp, trước tiên đối với chính họ. Nhiều nhà phân tích cho rằng: Nếu viện tới quân sự trong cuộc xung đột với Nga, Kiev sẽ sớm chuốc lấy thất bại.

Điện Kremlin có một thông điệp khá rõ ràng: "Kẻ nào không muốn nói chuyện với Lavrov, kẻ đó sẽ phải nói chuyện với Shoigu". Câu nói này thậm chí còn được in trên những chiến áo phông của thương hiệu thời trang "Army Russia" xuất hiện cách đây không lâu trên mạng và được rao bán cho các nhân viên Đại sứ quán Mỹ với mức giảm giá 20%.

Trong các bức ảnh chụp kỳ nghỉ với ông Shoigu tại Siberia, Tổng thống Nga đã mặc trang phục của thương hiệu thời trang này.

Học thuyết Hai Sergei của Putin: Không muốn nói chuyện với Lavrov thì sẽ phải gặp Shoigu - Ảnh 2.

Bên trong một cửa hàng Army Russia tại Moscow. Ảnh: Sputnik

Còn nhớ hồi cuối tháng 12 năm ngoái, khi chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Barack Obama trục xuất 35 nhân viên ngoại giao Nga và gia đình họ, ông Putin thay vì đáp trả tương tự, đã mời nhiều trẻ em Mỹ tới dự chương trình đón năm mới truyền thống tại Điện Kremlin.

Tuy nhiên, vì Hạ viện Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga nên ông Putin đã phải đưa ra các quyết định cứng rắn (khiến nhiều người ngạc nhiên). Ông đã trục xuất số nhà ngoại giao nhiều gấp 22 lần số ông Obama từng trục xuất vào mùa đông năm ngoái.

Như vậy, ông Putin đã xác lập một quy định mới: Từ giờ chỉ còn 455 nhà ngoại giao Mỹ được phép ở lại Nga – có nghĩa tương đương với số nhà ngoại giao Nga ở Mỹ.

Học thuyết "Hai Sergei"

Nếu như người Mỹ và những đồng minh của họ không muốn thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov về việc làm thế nào để hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết các vấn đề "chiến tranh lạnh kiểu mới" bằng con đường hòa bình, thì trong tương lai sẽ giải quyết bằng quân sự, mà người chịu trách nhiệm chính là Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Đó chính là ý nghĩa học thuyết "Hai Sergei" của Putin. Hãy để mỗi người tự lựa chọn Sergei mà mình thích nhất. Kiev đã tuyên bố từ lâu rằng, họ chỉ muốn "nói chuyện" với Shoigu, và sớm hay muộn thì chính quyền Kiev cũng sẽ có cơ hội đó. Hiện giờ, người Mỹ cũng ngày càng thể hiện rõ mong muốn này khi hành động theo nguyên tắc "ít Lavrov, nhiều Shoigu".

Người châu Âu sẵn sàng tiếp đón "Lavrov" bởi họ không muốn thấy "Shoigu" ở Berlin hay Paris. Có lẽ họ vẫn còn nhớ kinh nghiệm xương máu từ những thế kỷ trước. Người Mỹ không bằng lòng khi thấy các đồng minh châu Âu chần chừ, không đưa quân tới mặt trận mới ở phía đông. Thực ra phản ứng đó rất hợp lý. Người châu Âu biết: Ai tới đó thì sẽ không quay trở về.

Học thuyết Hai Sergei của Putin: Không muốn nói chuyện với Lavrov thì sẽ phải gặp Shoigu - Ảnh 3.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (phải). Ảnh: Getty/Sputnik

Bản thân Sergei Shoigu hiểu rõ rằng trong thời gian tới, tầm quan trọng của mình sẽ tăng, và điều đó được khẳng định bằng phát ngôn ông đưa ra hồi cuối tháng 7.

Trước các quan chức quân sự cấp cao, Tướng Shoigu đã tuyên bố rằng, một trong những ưu tiên của Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga vẫn là đảm bảo an ninh hướng chiến lược Tây Nam. Nói cách khác, đây là lãnh thổ tiếp giáp với Ukraine và Hắc Hải (ngoại trừ Bắc Kavkaz), nơi NATO thường xuyên tăng cường hạ tầng quân sự của mình.

"Những hành động tích cực của chúng ta nhằm ổn định tình hình tại Trung Đông và gìn giữ hòa bình tại Kavkaz bị một số nước coi như mối đe dọa các lợi ích dân tộc và đồng minh của họ", ông Shoigu cho biết.

Và ông chia sẻ thêm rằng, trong khi tìm cách ngăn cản Nga góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, một vài quốc gia không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để đạt được những mục tiêu địa chính trị và tăng cường hiện diện tại các khu vực giáp với biên giới Nga.

Theo ông Shoigu, từ tháng 4/2017, đã có 16 chiếc máy bay của lực lượng không quân chiến thuật Mỹ và Anh thường xuyên triển khai tại Rumani.

Chuẩn bị cho cuộc xung đột cấp độ mới

Trong bối cảnh này, Nga phải áp dụng những biện pháp tương xứng nhằm triệt tiêu các mối đe dọa đang xuất hiện đối với an ninh quốc gia, tiến hành những biện pháp kiềm chế chiến lược, tăng cường khả năng chiến đấu của Quân khu phía Nam.

Một trong những bước đi quan trọng theo hướng này đó là thành lập quân đội vũ trang tổng hợp tại quân khu này vào tháng 3/2017. Ngoài ra, còn thành lập thêm 4 tiểu đoàn quân cảnh hiện nay đang thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh khu vực phi quân sự trên lãnh thổ Syria.

Ông Shoigu nhấn mạnh, tất cả các hoạt động đang được triển khai đều được phối hợp nhịp nhàng với việc cung cấp vũ khí hiện đại và khí tài quân sự.

Tất cả những động thái này đều là phương thức nhằm đối phó với nguy cơ xung đột ở cấp độ mới, một bối cảnh mà bất cứ ai từng nghe bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ duyệt binh nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân đội giải phóng Trung Quốc đều sẽ hiểu:

"Thế giới đang bước vào giai đoạn đầy những rạn nứt nguy hiểm, và thời gian cho phép để ngăn chặn xung đột ngày càng ít hơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại