Thật kỳ quặc khi bạn đã trả tiền mua một món đồ nào đó mà chỉ được sử dụng một phần tính năng đã được quảng bá, thế nhưng đó chính là điều một số hãng smartphone hy vọng người dùng sẽ làm vậy. Và bản thân các hãng này cũng đang làm hết sức mình để người dùng sẽ làm vậy.
Khởi đầu từ Apple, cho đến nay ngày càng nhiều nhà sản xuất smartphone đang ra mắt các tai nghe không dây sẽ không nhận được bản cập nhật nếu dùng với điện thoại không cùng thương hiệu. Hãng đầu tiên học tập cách làm đó của Apple là Huawei và mới đây nhất là OnePlus với tai nghe OnePlus Buds cũng đang tiếp bước.
Các công ty đang hạn chế tính năng của tai nghe không dây như thế nào
Việc hạn chế tính năng xuất hiện dưới rất nhiều hình thức. Phần lớn các hạn chế nằm ở việc ngăn người tiêu dùng truy cập vào các bản cập nhật phần mềm và firmware của tai nghe. Hãng đi đầu trong việc này và cũng là một trong những hãng tích cực nhất trong việc giới hạn tính năng chính là Apple.
Người dùng AirPods chỉ có thể cập nhật tai nghe của họ nếu kết nối với một thiết bị Apple (ví dụ iPhone hoặc iPad). Nói cách khác, nếu bạn dùng smartphone Android, bạn sẽ không thể cập nhật AirPods. Chiến lược này mang lại một tác động kép: nó giữ chân những người đã ở trong hệ sinh thái Apple và nỗ lực thu hút thêm người dùng AirPods nhưng không dùng iPhone vào trong hệ sinh thái đó.
Và không chỉ khả năng cập nhật. Các nhà sản xuất điện thoại còn tích cực chặn lại nhiều tính năng khác đối với tai nghe không dầu của người dùng. Chúng bao gồm khả năng điều chỉnh lại các nút điều khiển. Điều này tác động đến các chức năng cơ bản của tai nghe như phát lại file nhạc, xem thông tin lượng pin, kết nối nhanh và chuyển đổi thiết bị dễ dàng hơn, cũng như nhiều tính năng khác.
AirPods và OnePlus Buds, những tai nghe mà bạn sẽ không thể tận dụng hết tính năng nếu không dùng kèm với smartphone của hãng.
Thế nhưng tất cả tính năng này sẽ không còn nữa nếu người dùng mua không đúng loại điện thoại. Thật trớ trêu là như vậy.
Đây chính xác là điều OnePlus đã làm với khả năng điều khiển bằng cảm ứng trên tai nghe của mình. Chức năng phát lại file nhạc duy nhất mà người dùng thiết bị không phải OnePlus có thể làm được là bỏ qua bài hát. Các chức năng tạm dừng và chơi nhạc cũng có mặt nhưng chúng buộc người dùng phải tháo tai nghe ra và gắn lại. Nó thậm chí còn không có tùy chọn chạm để tạm dừng.
Hỗ trợ riêng biệt một nhóm người dùng và gây hại cho phần còn lại
Cũng giống như Apple, các tai nghe earbud không dây của OnePlus chỉ có thể nhận được bản cập nhật thông qua smartphone OnePlus. Lời giải thích cho điều này rất dễ hiểu. Chỉ có kỹ sư của những hãng điện thoại, với khả năng kiểm soát cả phần cứng, phần mềm và firmware mới có thể đưa ra các bản cập nhật nhất quán giữa những thiết bị này với nhau. Và rằng họ làm điều này chỉ vì lợi ích của người dùng.
Tuy nhiên đây chỉ là lời biện hộ yếu đuối – đặc biệt là khi phần lớn bản cập nhật firmware chỉ là các tinh chỉnh đơn giản để kết nối ổn định hơn.
Tai nghe JLab Buds, với khả năng cập nhật thông qua cả Android và iOS.
Hơn nữa vẫn có một số công ty khác cho phép tai nghe không dây của họ có thể cập nhật firmware ngay cả khi kết nối với thiết bị Android khác, hoặc thậm chí trên các hệ điều hành khác. Việc truy cập vào các bản cập nhật firmware và phần mềm là hoàn toàn có thể. Ngay cả đối với các công ty nhỏ như JLab khi thiết bị của hãng này có thể cập nhật qua iOS lẫn Android.
Điều này càng làm rõ hơn rằng các hạn chế về chức năng này là do các thương hiệu smartphone muốn thế. Họ làm vì lợi ích của riêng họ chứ không phải vì cộng đồng người dùng Android.
Các bản cập nhật này có quan trọng?
Có lẽ những người tiêu dùng thông thường chẳng mấy quan tâm đến các giới hạn về cập nhật phần mềm. Tai nghe của họ vẫn kết nối được với điện thoại, vẫn có thể stream nhạc từ Spotify. Nhưng có lẽ họ nên quan tâm hơn khi những tai nghe không dây giờ đây còn quan trọng hơn thế nhiều.
Công nghệ Bluetooth đã mở ra một cánh cổng cho những cải thiện về âm thanh đối với người dùng. Những tai nghe earbud không chỉ là các thiết bị âm thanh, cũng như smartphone không chỉ là các điện thoại. Các tai nghe Bluetooth giờ đây còn đóng vai trò như một công cụ cho công việc – một kết nối trực tiếp cho trợ lý ảo trên smartphone của chúng ta. Thậm chí các tai nghe này còn là công cụ trợ năng cho người khiếm thính.
Ngoài ra với việc bạn đã bỏ tiền ra mua một thiết bị nào đó, bạn xứng đáng có được mọi tính năng mà nó có thay vì phải mua thêm một chiếc điện thoại khác để làm được điều đó.
Đầu năm nay, Samsung đã có một bản cập nhật quan trọng cho tai nghe Galaxy Buds của họ và cho phép chúng truy cập trực tiếp vào Spotify – một tính năng ban đầu chỉ dành riêng cho các tai nghe Galaxy Buds Plus của công ty.
Bộ đôi tai nghe Galaxy Buds và Galaxy Buds Plus của Samsung
Bản cập nhật này không chỉ kéo dài tuổi thọ cũng như gia tăng giá trị cho các tai nghe của công ty, mà còn cho thấy Samsung đang sẵn sàng hy sinh một chút lợi nhuận của mình để mang lại lợi ích cho người dùng.
Tuy nhiên thật đáng thất vọng là bản cập nhật này không dành cho iPhone, nhưng nó vẫn có thể truy cập được trên các thiết bị Android khác. Chỉ riêng điều này cho thấy nó thân thiện hơn hẳn so với tai nghe OnePlus Buds và Huawei Freebuds.
Nếu muốn tận dụng hết những tính năng trên tai nghe không dây của mình mà không cần quan tâm đến việc bạn đang dùng điện thoại gì, bạn có thể thử một số loại tai nghe sau đây: Anker SoundCore Liberty Air 2, Bose SoundSport Free, Jabra Elite Active 75t, Panasonic RZ-S500W, Sony WF-1000XM3.
Ngoài ra, cũng có một số loại tai nghe chỉ tương thích với nền tảng Android, như Google Pixel Buds và Samsung Galaxy Buds (bao gồm cả phiên bản Plus). Dù vậy, nó vẫn tốt hơn nhiều so với việc bạn phải tìm mua thêm một smartphone khác chỉ để có được hết tính năng cho chiếc tai nghe mà bạn đã mua.
Tham khảo Android Authority