Theo quan điểm của Chris Edelson, Giáo sư dự khuyết chuyên ngành Chính phủ Chris Edelson tại Đại học American (Mỹ), khi giới tình báo nước này kết luận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo một chiến dịch can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ nhằm giúp Donald Trump chiến thắng, câu chuyện có vẻ giống như trong một tiểu thuyết tình báo.
Trong bài viết trên The Hill, Edelson cho rằng, điều tồi tệ hơn cả việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, đó là việc tổng thống đắc cử Trump lại đang có vẻ đứng về phía Nga và không tin tưởng lực lượng tình báo trong nước.
Dù người Mỹ đang lúng túng trong việc xử lý tình huống này vì nó chưa từng có tiền lệ, Edelson cho rằng Mỹ sẽ phải làm những việc cần thiết để thiết lập lại sự đúng đắn [của bầu cử], dù những việc đó có thể sẽ khó khăn, phức tạp và không hề dễ chịu.
Đối với Edelson, sự thật, tuy khó chấp nhận đối với người Mỹ, đó là: Những lực lượng nước ngoài đã can thiệp và do đó làm mất tính hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đây không còn là một thuyết âm mưu hay một sản phẩm của trí tưởng tượng; đây là kết luận với sự đồng thuận của cả giới tình báo Mỹ.
Phớt lờ kết luận này là một sai lầm lớn. Mà Trump lại đang gợi ý những người Mỹ làm như thế.
"Trong thực tế, nếu chúng ta có thể khẳng định rằng Putin đã can thiệp vào cuộc bầu cử với mục địch giúp Trump chiến thắng, Mỹ sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới", Edelson viết.
Trump vẫn ra sức bảo vệ kết quả bầu cử
Edelson thấy rằng hiện Trump vẫn đang cố gắng bảo vệ mình bằng cách khăng khăng rằng cuộc bầu cử là hợp pháp, thậm chí Trump đã đăng một nội dung sai lệch lên Twitter: "Cơ quan tình báo đã tuyên bố mạnh mẽ rằng không có bằng chứng cho thấy việc ‘hack’ ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Không ai đã động tới các máy bầu cử".
Phát ngôn này của Trump sai lệch một cách nguy hiểm. Thực tế, giới tình báo Mỹ đã kết luận rằng những hành động của Nga đã không ảnh hưởng tới việc kiểm phiếu, nhưng đó không phải ý chính. Giới tình báo miêu tả mục đích của Moscow là "các nỗ lực gây ảnh hưởng" tới cuộc bầu cử Mỹ.
Các "nỗ lực’ này bao gồm một chiến dịch tuyên truyền ca ngợi Trump và hạ thấp ứng viên Hillary Clinton, đồng thời ngấm ngầm phổ biến các dữ liệu đánh cắp được thông qua tấn công mạng và Wikileaks. Các dữ liệu đó bao gồm nội dung các email của các quan chức đảng Dân chủ và bà Clinton.
Trump chắc chắn tin rằng các thông tin mà Wikileaks phát tán là rất có lợi cho ông trong cuộc bầu cử, ông đã nói không ngừng về Wikileaks trong chiến dịch tranh cử (164 lần chỉ trong tháng cuối cùng trước bầu cử chính thức).
Trong một cuộc bầu cử mà kết quả sít sao đến mức hai ứng viên chỉ chênh nhau chưa đầy 100 nghìn phiếu bầu ở 3 bang quan trọng, một điều khá chắc chắn là các nỗ lực của Nga đã tạo ra sự khác biệt - Edelson đánh giá.
Thời điểm Wikileaks tung ra các thông tin đã gây ra "thiệt hại chính trị" ở mức tối đa cho ứng viên Clinton. Nó đã tạo ra sự nhầm lẫn cho cử tri và các nhà báo. Họ đã bị lẫn lộn giữa mớ thông tin rò rỉ từ Wikileaks với cuộc điều tra của FBI về máy chủ email của bà Clinton.
Bầu cử tổng thống lại ở Mỹ - điều có khả năng xảy ra, dù khả năng đó khá mong manh. (Ảnh: NYT)
Để tổ chức bầu cử lại, cần các bước như thế nào?
Làm thế nào để một cuộc bầu cử lại diễn ra?
Bước đầu tiên là tổ chức điều tra thêm nhằm xác định xem kết luận của giới tình báo Mỹ có chính xác hay không. Sẽ rất nguy hiểm khi chưa có một chút bằng chứng nào mà đã kết luận là giới tình báo sai, như Trump đã từng phủ nhận. Nhưng cũng sẽ là sai lầm nếu vội vàng chấp nhận kết luận của họ mà không đặt ra các câu hỏi hoặc thu thập thêm thông tin.
Vào tuần trước, Thượng viện Mỹ đã nghe điều trần về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ. Các cuộc điều trần là một sự khởi đầu tốt, nhưng cần thêm nhiều hành động khác, mà quan trọng nhất là việc thiết lập một cơ quan độc lập, phi đảng phái để điều tra về sự can thiệp này (giống như cơ quan điều tra vụ khủng bố 11/9).
Nếu một cơ quan độc lập như thế xác nhận kết luận của giới tình báo, sau đó cơ quan đó sẽ xác định xem sự can thiệp có ảnh hưởng tới kết quả bầu cử và giúp Trump chiến thắng hay không.
Thực ra, cơ quan tình báo Mỹ không có nhiệm vụ phải xác định xem việc Nga tấn công mạng có ảnh hưởng thế nào tới kết quả bầu cử. Các báo cáo tình báo về vấn đề này cũng không phải để giải quyết vấn đề. Một cơ quan độc lập có thể và cần phải trả lời tất cả các câu hỏi.
Nếu cơ quan đó xác định rằng các nỗ lực can thiệp của Nga thực sự đã giúp Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử sít sao này, bước tiếp theo sẽ là thông qua một sửa đổi hiến pháp (tu chính án hiến pháp) để yêu cầu tổ chức cuộc bầu cử lại một lần, đặc biệt, càng sớm càng tốt.
Đây là việc làm không hề dễ dàng, nhưng vẫn có khả năng xảy ra, nếu có sự ủng hộ của tối thiểu 2/3 số đại biểu trong mỗi viện của Quốc hội Mỹ và được 3/4 tổng số cơ quan lập pháp (của 50 bang) phê chuẩn.
Tất cả những thủ tục này thực sự rất khó trở thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh đáng thất vọng rằng hầu hết các đại biểu Cộng hòa ở Hạ viện có vẻ sẵn sàng để vấn đề Nga can thiệp bầu cử chìm đi.
Tuy nhiên, Chris Edelson tin rằng điều này cũng đáng để thử, hơn là người Mỹ cứ mặc kệ và chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử "bị nước ngoài can thiệp".
"Sự lựa chọn là khá rõ ràng: Hãy chờ xem liệu những quan chức được bầu có đủ can đảm và lòng yêu nước để có những hành động cần thiết vì những điều đúng đắn hay không?" - ông kết luận.