Trung Quốc: Động thái "đón xuân" hé lộ xu thế chuyển giao quyền lực mới từ 2017

Thủy Thu |

Đợt điều chỉnh nhân sự này không chỉ là một động thái "đón xuân" mà còn tiết lộ một số sự phá vỡ quy luật nhân sự thường thấy tại Trung Quốc.

Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII (6-8/1) vừa kết thúc, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật Bắc Kinh Lý Thư Lỗi đã được bổ nhiệm vào vị trí Phó bí thư CCDI.

Đặc biệt, trước đó những ngày cuối năm 2016, hàng loạt vị trí lãnh đạo cấp cao tại các địa phương Trung Quốc được liên tục thay đổi.

Theo giới quan sát, đợt điều chỉnh nhân sự này không chỉ là một động thái "đón xuân" mà còn tiết lộ một số sự phá vỡ quy luật nhân sự thường thấy.

Thời gian thăng chức được rút ngắn

Trung Quốc: Động thái đón xuân hé lộ xu thế chuyển giao quyền lực mới từ 2017 - Ảnh 1.

Lý Thư Lỗi đã có lần thăng chức "thần tốc" nhất trong ba năm khi trở thành Phó Bí thư CCDI. (Ảnh: VCG)

Theo Đa chiều (Mỹ), trường hợp điển hình nhất chính là Bí thư thành ủy Vũ Hán kiêm Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Hồ Bắc Trần Nhất Tân.

Tham gia chính trị từ năm 1976 nhưng đến năm 2012, tiền đồ của Trần bắt mới có sự chuyển biến nhanh chóng và rõ rệt. Giai đoạn từ năm 2012 - 2016, ông này năm lần được bổ nhiệm vào các vị trí cao hơn.

"Từ vị trí Phó Bí thư thường trực trở thành người đứng đầu các địa phương là xu thế thường thấy của chính trường Trung Quốc những năm gần đây", Đa chiều nhận định.

Lý Thư Lỗi - người vừa được bổ nhiệm vào vị trí Phó bí thư CCDI cũng là một trường hợp tương tự. Lần bổ nhiệm này là lần thăng cấp "thần tốc" của Lý trong ba năm gần đây.

"Đây là xu thế hiển nhiên của nền chính trị Trung Quốc hiện tại, bởi hàng loạt quan chức 'ngã ngựa' trong chiến dịch chống tham nhũng khiến những vị trí trống cần được bổ sung, đặc biệt để đạt được mục tiêu cải cách lại cần rất nhiều nhân tài", Đa chiều bình luận.

Tờ này cũng cho rằng, các cán bộ quan chức được thăng chức "thần tốc" đều không phải là người trẻ bởi ĐCSTQ đang cần những cán bộ từng bắt đầu làm việc ở những cương vị thấp với vốn kinh nghiệm phong phú.

"Công phá đầu tàu"

Từ 30 năm trước, chức danh Chủ tịch tỉnh Quảng Đông đều do cán bộ tại địa phương nắm quyền hay 15 năm trở lại đây, Thị trưởng Thượng Hải cũng do quan chức có xuất thân tại thành phố cảng này nắm giữ.

Đây được coi là những chính trường "đầu tàu" xuất hiện hiện tượng này tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc ông Mã Hưng Thụy (người Sơn Đông) mới được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch tỉnh Quảng Đông đã phá vỡ thông lệ.

"Đầu tàu Quảng Đông đã bị 'công phá' thì điểm kế tiếp là Thượng Hải cũng không còn xa", Đa chiều dự đoán.

Trung Quốc: Động thái đón xuân hé lộ xu thế chuyển giao quyền lực mới từ 2017 - Ảnh 2.

Mã Hưng Thụy nhậm chức Chủ tịch tỉnh Quảng Đông đã phá vỡ truyền thống quan chức địa phương trở thành người đứng đầu tỉnh. (Ảnh: VCG)

Cán bộ ngành kỹ thuật được trọng dụng

Kể từ sau Đại hội 18 (2012), ít nhất đã có 5 lãnh đạo đứng đầu các địa phương xuất thân từ lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Theo giới quan sát, những quan chức này được trọng dụng bởi họ có kinh nghiệm làm việc tại các dự án trọng điểm của quốc gia, có tầm nhìn và tư tưởng tương đối phóng khoáng.

Hơn nữa, họ lại khá "thuần khiết" khi đều có thời gian công tác lâu dài trong các lĩnh vực chuyên môn, ít bị "lợi ích" và "mâu thuẫn" quan trường ảnh hưởng.

Do đó, đây cũng sẽ trở thành xu thế của quá trình chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc sau Đại hội 19.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại