Ngày 4/7 vừa qua, website của Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Australia (ASPI) mới đăng tải bài viết với tiêu đề "Trung Quốc: Mặt trận kinh tế và mặt trận an ninh" của học giả Graeme Dobell.
Theo đó, nếu xác định hướng đi trong tương lai của Trung Quốc là vấn đề quan trọng thì lời giải đáp đến từ sự đối lập giữa "hai thế giới của Bắc Kinh": An ninh và kinh tế.
Trong thế giới an ninh, mối lo ngại là một nước Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Về kinh tế, mối đe dọa lại đến từ Trung Quốc "sa chân" vào tình trạng khủng hoảng tài chính do chính nước này tạo ra. Trên mỗi "mặt trận", người ta đều nhìn thấy Trung Quốc hiếu chiến - Dobell nhận xét.
"Thế giới an ninh quan ngại Trung Quốc hung hăng, sẵn sàng hất các nước khác sang một bên chỉ để giành quyền ảnh hưởng an ninh quốc phòng. Điều này có thể sẽ làm xáo trộn hệ thống an ninh toàn cầu," ông viết.
Dobell chỉ ra, hành vi của Trung Quốc trên biển Đông đã tạo ra sự quan ngại sâu sắc. Biển Đông cũng là tiêu chí hàng đầu để đánh giá hành vi an ninh của Bắc Kinh. Nhưng đó không phải là toàn bộ và cũng "không phải vấn đề lớn nhất".
Trật tự quốc tế bị đe dọa khi Trung Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính
Trên bình diện kinh tế, Trung Quốc được biết đến là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Graeme Dobell cho rằng, Trung Quốc không có ý định phá hoại trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, bởi cho đến nay Bắc Kinh đang là "kẻ thắng cuộc" trong trật tự này.
Ông bình luận: "Trung Quốc đang ngạo nghễ ngồi trên đỉnh cao kinh tế thế giới và họ muốn nhiều hơn thế."
Với vị trí là một trụ cột kinh tế thế giới, nếu châu Á đóng vai trò dẫn dắt kinh tế toàn cầu thoát khỏi "thảm họa" có thể dự kiến từ lộ trình rời Liên minh châu Âu (EU) của Vương quốc Anh (Brexit), thì nước dẫn đầu chắc chắn là Trung Quốc - ông Dobell đánh giá.
Hiện trạng kinh tế Trung Quốc giống như một trận thủy triều. Theo Dobell: "Thủy triều đang chảy về phía họ (tiền bạc, quyền lực và uy tín quốc tế). Bắc Kinh muốn duy trì 'dòng chảy' này ổn định, nhưng theo một cách ôn hòa."
Việc đánh giá Trung Quốc ở "hai thế giới" đem lại hai kết luận.
Về an ninh, tỷ lệ xảy ra xung đột giữa các bên với Trung Quốc không cao, nhưng sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn.
Về kinh tế, nguy cơ Trung Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính hiện hữu rõ ràng hơn và mức độ thiệt hại dự kiến với nền kinh tế cũng lớn. Bắc Kinh đang nhanh chóng tiếp cận thực tế này và nỗ lực để "hạ cánh mềm".
"Đối với Australia, sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc mới là mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta phải đối diện. Với châu Á cũng vậy và cả thế giới cũng thế," học giả người Australia nhấn mạnh.