Hoàng Mập kể nỗi khổ của nghề diễn: Bị ong đốt, đỉa bu và chấp nhận diễn ở nơi nước thải bẩn

Cao Thanh Hương |

Đây là những kỷ niệm không thể quên đối với diễn viên và cả ê-kíp làm phim Nhà ông Hoàng có ma.

Bộ phim truyền hình 35 tập "Nhà ông Hoàng có ma" chính thức lên sóng SCTV14 từ ngày 8-6 vừa qua. Nhưng câu chuyện hậu trường làm phim đến hôm nay mới được đạo diễn kiêm nhà sản xuất Hoàng Mập tiết lộ với phóng viên.

Quay xong phim, người diễn viên ai cũng toàn nốt ghẻ

Tai nạn khi làm phim là điều khó tránh. Với một bộ phim lấy bối cảnh xưa, vào thập niên đầu thế kỷ 20 thì hẳn là không ít rủi ro, đúng không anh?

Tai nạn thì nhiều lắm. Ví dụ, trong phim có cảnh Ngọc Lan bị cho vào lồng heo nhấn xuống nước. Ngọc Lan bị nhấn chúi nhủi, đưa lên không kịp, uống nước sông không ít.

Hay cảnh diễn viên Đông Dương và Chí Dũng bị Hà Trí Quang xô xuống sông khi đang đứng trên cầu.

Anh em xác định là diễn nhanh, quay nhanh, một lần phải được ngay vì khúc sông đó người dân thả bò, thả trâu tắm nên nhiều đỉa và chất thải. Thế nhưng khi diễn thì diễn viên vẫn bị đỉa bu cắn và uống nước bẩn luôn.

Tới đoạn vô cánh đồng, để tăng hiệu ứng thì phải đốt khói xa xa phía sau. Lúc đốt khói, Đông Dương bị ong đốt vào mũi, sưng to đùng.

Vì làm phim xưa nên đâu có quay trong khách sạn, du thuyền, chủ yếu là quay trong rừng, trong chùa, nhà xưa để không lòi dây điện nên diễn viên bị kiến cắn, muỗi đốt khắp người. Quay xong phim, nghệ sĩ mà người ai cũng toàn nốt ghẻ.

Hoàng Mập kể nỗi khổ của nghề diễn: Bị ong đốt, đỉa bu và chấp nhận diễn ở nơi nước thải bẩn - Ảnh 1.

Vì làm phim ma nên hầu hết các cảnh quay đều được thực hiện vào ban đêm và hóa trang cũng rất mất thời gian...

Làm phim này, trở ngại lớn nhất anh gặp là gì?

Là bối cảnh chính – nhà ông hội đồng Bùi Hoàng. Bối cảnh chính trong phim cũng chính là ngôi nhà cổ của tôi ở Đồng Nai.

Thời điểm quay bộ phim này, nhà làm chưa xong. Do đó, tôi muốn quay chỗ nào thì báo trước thợ một ngày để họ dọn dẹp trước. Thành ra, đoàn quay đằng trước thì đằng sau nhà thợ làm rần rần.

Cả thợ và ê-kíp làm phim cả trăm người đều trong ngôi nhà đó. Cũng vì thế mà khi quay, có nhiều bối cảnh chưa hoàn thiện, tôi không vừa ý nhưng vẫn phải chịu.

Diễn viên bị trát bùn, dặm phấn đen cho xấu...

Vậy có rắc rối nào với diễn viên không?

Có. Tội nghiệp Chí Dũng lắm. Tôi "dụ dỗ" Chí Dũng về Việt Nam 20 ngày để quay phim này nhưng cuối cùng lại thành ra gần hai tháng. Chí Dũng phải bỏ hết công việc ở Mỹ, không ai coi nhà hàng, mướn người rất khó khăn trong khi cát xê thì vẫn vậy.

Nhưng Chí Dũng rất dễ thương và cả ê-kíp làm phim này đều rất dễ thương. Chỉ cần anh em nói chuyện đàng hoàng với nhau là mọi người hiểu, thông cảm hết.

Công việc cũng nhiêu đó nhưng vì trời mưa, bể bối cảnh, phim ma nên phải hoá trang kỹ... có rất nhiều thứ để mình nói chuyện. Chí Dũng cũng làm nghề lâu rồi nên hiểu rất rõ nỗi lòng nhà sản xuất.

Hoàng Mập kể nỗi khổ của nghề diễn: Bị ong đốt, đỉa bu và chấp nhận diễn ở nơi nước thải bẩn - Ảnh 2.

Diễn viên bị xịt nước cho ướt hết người chuẩn bị cho phân cảnh quay dưới mưa...

Hoàng Mập kể nỗi khổ của nghề diễn: Bị ong đốt, đỉa bu và chấp nhận diễn ở nơi nước thải bẩn - Ảnh 3.

Sau khi bị xịt nước cho ướt hết người, diễn viên phải nằm xuống để tổ hóa trang dặm phấn đen, trát sình bùn lên người làm... xác chết.

Vì là phim thời xưa nên tất cả diễn viên phải để tự nhiên, không son phấn, không nhuộm tóc, không sơn móng tay. Chỉ có những vai bà, mợ là được làm mặt, làm tóc. Còn diễn viên phụ như người ở, diễn viên quần chúng buộc phải để mặt mộc, ai trắng quá còn bị dậm phấn đen cho xấu.

Như con gái tôi, Khánh Trinh đóng vai người ở Út Cam. Nó quá trắng nên phải trát bùn sình vô cho đen đúa, ra dáng người ở. Lúc quay cận tay làm bếp phải thế người vì ngón tay nó dài và thon, đẹp quá không được.

Thế nhưng vẫn có diễn viên quần chúng nối lông mi. Sơn móng tay có thể chùi nhưng nối lông mi thì không gỡ ra được. Họ đi mấy chục km tới đoàn, để họ đóng thì không được, đuổi về thì tội, cũng phải trả tiền xăng xe cho họ. Vậy là buộc lòng phải quay xa, không lia cận mặt.

Bên cạnh đó, có những kỷ niệm nào trong quá trình thực hiện phim khiến anh nhớ nhất?

Trong phim, Huy Khánh đóng vai ông hội đồng Hoàng, đội mũ cối xưa. Ông hội đồng bị người yêu của bà Hai Thắm bắt cóc để trả thù. Để tạo hiện trường giả thì họ thả đồ, mũ cối trôi sông.

Khi quay cảnh này thì bị mất đồ thật. Cái mũ bị nước cuốn trôi luôn. Cả tổ thiết kế 5 người xuống mò tìm mà không được. Không có mũ thì không thể quay tiếp vì phim còn dài. 

Vậy là tổ thiết kế phải cho người chạy về chợ Dân Sinh quận 1 để mua chiếc mũ khác, mà ngày hôm đó, đoàn quay rất xa, ở tận Bình Dương, Hóc Môn.

Hoàng Mập kể nỗi khổ của nghề diễn: Bị ong đốt, đỉa bu và chấp nhận diễn ở nơi nước thải bẩn - Ảnh 5.

Ngâm mình ở đoạn sông mà dưới chân toàn phân trâu, phân bò...

Hoàng Mập kể nỗi khổ của nghề diễn: Bị ong đốt, đỉa bu và chấp nhận diễn ở nơi nước thải bẩn - Ảnh 6.

Và lỡ uống nước sông bẩn là chuyện... bình thường!

Trong phim có cảnh cậu Hai – con ông hội đồng bỏ thuốc làm chết con chó. Tổ thiết kế xin tôi cho giết chó thật nhưng tôi không đồng ý. Tôi yêu cầu chích thuốc mê, làm sao để quay xong thì con chó phải tỉnh lại.

Tổ thiết kế ôm con chó về trạm y tế ở Củ Chi để chích thuốc. Vừa về tới đoàn, thả con chó xuống, chưa kịp quay thì nó tỉnh. 3, 4 ngày đều bị như thế, riết mặt con chó nhìn khờ luôn, rất tội.

Hôm đó, đoàn quyết phải quay bằng được cảnh này nhưng lúc tìm con chó thì nó bỏ đi mất. Cuối cùng tổ thiết kế phải cầm hình con chó chạy ra chợ mua một con giống y chang đem về quay tiếp.

Mọi khi chích 2 mũi, lần này chích 3 mũi. Về tới nơi, tổ hoá trang nhét máu vô miệng nó. Vừa quay cận mặt con chó xong thì nó tỉnh, bỏ chạy. Vậy là phải quay ăn gian, diễn viên làm bộ chỉ trỏ, kỳ thực dưới chân không còn con chó nữa.

Hay phân đoạn mưa ở đầu phim. Cảnh trên phim chỉ 1, 2 phút nhưng phải quay 4 đêm mới xong và làm rất cực. Bởi vì phải quay cảnh mưa ở 4 địa điểm: Phòng bà Hai Thắm, ngoài vườn, ngoài cổng và trước nhà chính.

Cảnh mưa luôn phải quay cuối cùng, tầm 2, 3 giờ sáng. Tất cả các diễn viên đều bị xịt nước ướt hết người. Làm cảnh ma thì phải có đèn, sấm chớp, mưa, gió thì mới tăng hiệu ứng. Đã phải đứng dưới mưa lại bị quạt thốc vào người nên diễn viên rất khổ.

Hoàng Mập kể nỗi khổ của nghề diễn: Bị ong đốt, đỉa bu và chấp nhận diễn ở nơi nước thải bẩn - Ảnh 8.

Một phân đoạn đặc tả cảnh diễn viên bị cho vào lồng heo nhấn chìm dưới nước.

Đoàn nghỉ là ngay trong đêm đó, tổ phục trang phải cấp tốc làm khô mấy chục bộ đồ để hôm sau có quần áo quay tiếp. Cho nên với phim Nhà ông Hoàng có ma, cả diễn viên lẫn ê-kíp đều vất vả.

Ngay giờ giấc quay cũng trái khoáy rồi. Phim ma thì chủ yếu là quay đêm. Ban ngày thì diễn viên được nghỉ, trời tối lên đèn thì đi làm mặt, quay phim tới mặt trời lên lại về đi ngủ. Quay xong, diễn viên bảo "mai mốt, anh đừng làm phim ma nữa. Cực quá".

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

"Nhà ông Hoàng có ma" kể về nhà ông hội đồng Hoàng có 3 bà vợ và hai cậu con trai. Một căn nhà cổ với những oan hồn, những bí mật được chôn vùi dưới lớp bụi thời gian bởi sự độc ác, âm mưu tranh giành quyền lực mà ở đó kẻ gây oán, kẻ báo thù đều là nạn nhân đáng thương và có một cái kết bi thảm. Lòng tham, sự thù hận là vũ khí tàn độc nhất hủy hoại con người, chỉ có tình yêu thương là tồn tại mãi…

Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như Huy Khánh, Ngọc Lan, Hà Trí Quang, Chí Dũng, Huỳnh Thảo Trang...

Đặc biệt, bối cảnh chính trong phim - nhà ông hội đồng Hoàng cũng là ngôi nhà cổ của Hoàng Mập ở Đồng Nai trên diện tích 1000 mét vuông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại