Hoàng Anh Gia Lai: Giá dầu cọ hồi phục đúng lúc hoàn thành nhà máy chế biến, thanh khoản năm 2016 sẽ bớt căng thẳng?

Những tháng đầu năm 2016, giá dầu cọ đang hồi phục trở lại, chốt tháng 4 tại 681 USD/tấn. Dầu cọ và các sản phẩm phụ khác của cọ dầu là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Cây cọ dầu đang phát triển rất nhanh tại các nước Đông Nam Á, Châu Phi và châu Mỹ La Tinh.

Sau 3 lần bị HoSE nhắc nhở, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai mới đây đã chính thức công bố báo cáo thường niên năm 2015.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai nhìn nhận, năm 2015 vừa qua là năm đầy khó khăn với Hoàng Anh Gia Lai, khi giá cao su sụt giảm xuống chỉ còn 1.000 USD/tấn trong khi hồi tháng 2/2011 còn ở mức 5.750 USD/tấn.

Với mức giá 1.000 USD, tương đương 22-23 triệu đồng/tấn, ngay cả những nông trường có chi phí thấp nhất và năng suất cao của Hoàng Anh Gia Lai cũng khó có thể hoà vốn, bởi chi phí sản xuất trung bình mỗi tấn mủ cao su lên tới 35 triệu đồng (đã bao gồm chi phí lãi vay và khấu hao).

Chính vì thế, năm 2015, bầu Đức cho biết, công ty đã chủ động hạn chế mở rộng diện tích cạo mủ, chờ đợi giá cao su phục hồi.

Điểm ấn tượng nhất trong hoạt động kinh doanh năm 2015 của Hoàng Anh Gia Lai là việc bán bò, tiêu thụ được 66.337 con, doanh thu 2.541 tỷ đồng, tương ứng trung bình 38,3 triệu đồng/con bò. Doanh thu bán bò trở thành mảng đem lại nhiều tiền nhất cho Hoàng Anh Gia Lai.

Tuy nhiên, bầu Đức vẫn chưa hài lòng về số lượng bò tiêu thụ. Nguyên nhân là do thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến đồng cỏ, thức ăn chính của đàn bò, khiến doanh số bán bò chưa được như ý.

Hoàng Anh Gia Lai đang hoạt động theo chu trình nông nghiệp khép kín. Theo đó, các loại cây đầu vào được đem chế biến tại các nhà máy, phế phẩm đầu ra sẽ được đem làm thức ăn cho bò, còn chất thải từ bò được đem đi bón cho cây.

Hoàng Anh Gia Lai: Giá dầu cọ hồi phục đúng lúc hoàn thành nhà máy chế biến, thanh khoản năm 2016 sẽ bớt căng thẳng? - Ảnh 1.

Nguồn: Hoàng Anh Gia Lai

Điểm đáng quan tâm trong năm 2016 của Hoàng Anh Gia Lai sẽ là việc hoàn thành nhà máy chế biến cọ dầu tại Campuchia vào quý III, và sau đó là nhà máy tại Lào vào nửa đầu năm 2017.

5 năm trước, giá dầu cọ còn ở mức hơn 1.100 USD/tấn thì đến tháng 9/2015 sụt xuống 483 USD/tấn, mức thấp ngang ngửa với đợt khủng hoảng tài chính 2008.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2016, giá dầu cọ đang hồi phục trở lại, chốt tháng 4 tại 681 USD/tấn.

Hoàng Anh Gia Lai: Giá dầu cọ hồi phục đúng lúc hoàn thành nhà máy chế biến, thanh khoản năm 2016 sẽ bớt căng thẳng? - Ảnh 2.

Giá dầu cọ thế giới liên tục giảm mạnh 5 năm qua nhưng đang hồi phục trở lại. Nguồn: Indexmundi

Sự phục hồi của giá dầu cọ trong bối cảnh nhà máy của Hoàng Anh Gia Lai sẽ hoàn thành ngay trong quý sau có thể sẽ là tin vui đối với Bầu Đức.

Việt nam là nước tiêu thụ một lượng rất lớn dầu cọ nhưng phải nhập 100% nguyên liệu này từ nước ngoài bởi cọ là cây trồng không mấy quen thuộc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sản phẩm từ cọ lại rất phổ biến. Dầu cọ cùng với dầu đậu nành là 2 loại nguyên liệu chính dùng để sản xuất dầu ăn (dầu thực vật).

Các loại dầu ăn phổ thông tại Việt Nam phần lớn là hỗn hợp của dầu cọ với các loại dầu khác.

Hoàng Anh Gia Lai từng đánh giá, 1 hecta cây cọ mang lại lợi ích kinh tế hơn hẳn 1 hecta cao su do thời gian đầu tư của cây cọ chỉ 30 tháng kể từ khi trồng, bằng 1/2 so với cao su.

Hoàng Anh Gia Lai trồng thử nghiệm cây cọ từ năm 2012 với diện tích ban đầu 4.000ha. Đến cuối năm 2015, bầu Đức đã trồng được 28.626ha cọ dầu, trong đó tại Lào là 7.055ha và Campuchia là 21.571ha.

Nhà máy chế biến cọ dầu tại Campuchia của Hoàng Anh Gia Lai có công suất 45 tấn buồng quả tươi/giờ, có thể chế biến 270.000 tấn quả tươi/năm, phục vụ được diện tích khoảng 9.000ha. Nhà máy tại Lào sẽ có công suất bằng 2/3 nhà máy tại Campuchia.

Sau khi gặp khó khăn về vốn trong thời gian qua và được các ngân hàng tìm cách ứng cứu, chiến lược phát triển trong thời gian tới của Hoàng Anh Gia lai là "lấy ngắn nuôi dài", mà cụ thể là khai thác chế biến cọ dầu và một số loại cây ăn quả.

Bên cạnh chiến lược xoay quanh cây cọ, Hoàng Anh Gia Lai sẽ mở rộng thị trường thịt bò.

Sản phẩm bò thịt của Hoàng Anh Gia Lai năm trước mới chỉ tập trung cung cấp vào các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà nẵng nhưng trong năm tới sẽ mở rộng tiêu thụ ra các tỉnh thành trong cả nước.

Về bất động sản, dự kiến trong năm 2016 Hoàng Anh Gia Lai sẽ đưa vào khai thác khách sạn 5 sao Melia Yangon.

Năm tới, công ty sẽ tìm nhiều cách để có nguồn thu thường xuyên, ổn định và triển khai các công cụ nợ, hình thức huy động vốn, thanh lý tài sản... để giảm thiểu chi phí tài chính, cân đối nguồn vốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại