Mỹ cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan
Vào ngày 19/8, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ cho biết 4 máy bay ném bom B-1B và 2 máy bay ném bom B-2 đã cất cánh vào ngày 17/9 từ các căn cứ quân sự ở lục địa Mỹ, đảo Guam và Ấn Độ Dương bay tới gần Biển Nhật Bản.
Theo tờ Liberty Times (Đài Loan), việc 6 máy bay ném bom của quân đội Mỹ xuất hiện cùng lúc ở vùng biển gần Bán đảo Triều Tiên là điều khá hiếm khi xảy ra. Động thái này "nhằm gửi tín hiệu cảnh cáo mạnh mẽ tới Triều Tiên và Trung Quốc". Theo truyền thông Đài Loan, 2 máy bay B-1B của Mỹ đã bay quanh biển Hoa Đông sau khi cất cánh từ đảo Guam vào ngày 17/8.
Trang tin tức EBC (Đài Loan) đưa tin, vào ngày 18/8 khu trục Mỹ đã đi về phía tây của đường trung tuyến khi đi qua eo biển Đài Loan, tiếp cận rất gần với đường bờ biển của Trung Quốc đại lục. Trước đó, tất cả các tàu của Mỹ thường đi về phía đông của đường trung tuyến và di chuyển ở phía Đài Loan. Đây là lần đầu tiên tàu Mỹ đi về phía tây của đường trung tuyến và ở gần bờ biển của Trung Quốc đại lục nhất.
Ông La Chí Chính, thành viên đảng Dân tiến Đài Loan cho rằng, mặc dù tàu Mỹ đi qua eo biển Đài Loan để thực hiện các nhiệm vụ hàng hải chung nhưng "động thái này có tác dụng răn đe lớn đối với PLA".
"Quân đội Trung Quốc PLA gần đây thông báo rằng họ sẽ tiến hành các cuộc diễn tập thực chiến ở eo biển Đài Loan... nên quân đội Mỹ đã ngay lập tức thực hiện các biện pháp ứng phó, các tàu Mỹ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của họ, tiến thẳng vào eo biển Đài Loan và cắt đứt tuyến biển thực chiến của PLA", ông nói. "Đây là lần thứ 8 tàu Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong năm nay. Trung bình, tương đương mỗi tháng một lần".
Tàu khu trục USS Mustin đi qua eo biển Đài Loan ngày 18/8. Ảnh: Hải quân Mỹ
Hải quân Mỹ: Thực hiện cam kết ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương
Theo một báo cáo trên trang thông tin của Viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ (USNI) ngày 18/8, Hạm đội 7 xác nhận một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan sau khi tiến hành cuộc tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản vào cùng ngày.
Báo cáo xác nhận, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin đi qua eo biển lần này thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan. Hải quân Mỹ cũng tuyên bố rằng hoạt động này thể hiện "cam kết của Mỹ đối với sự tự do và cởi mở của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương."
“Hạm đội 7 tiến hành các hoạt động hải quân nhằm phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với vai trò là hạm đội lớn nhất của hải quân Mỹ, Hạm đội 7 tương tác với 35 quốc gia ven biển khác nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác, giúp củng cố an ninh hàng hải, thúc đẩy ổn định và ngăn chặn xung đột", Hạm đội 7 ra thông báo cho biết.
Trước khi đi qua eo biển Đài Loan lần này, tàu khu trục Mỹ cũng đã thực hiện cuộc tập trận kéo dài hai ngày trên biển Hoa Đông với tàu khu trục DD-117 Ryotsuki của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản. Hạm đội của Mỹ cũng đăng tải những hình ảnh hiện trường của tàu khu trục USS Mustin và tàu khu trục Nhật Bản trong cuộc tập trận ở biển Hoa Đông và đi qua eo biển Đài Loan trên tài khoản mạng xã hội chính thức.
Tuy nhiên, thông cáo báo chí chính thức do Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đưa ra không đề cập đến việc tàu Mỹ đã đi về phía tây của trung tuyến eo biển Đài Loan.
Hoàn cầu: "Sẽ có ngày tính sổ"
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ Hoàn cầu ngày 19/8, chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cho hay, bình luận về việc tàu Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, người phát ngôn Chiến khu phía Đông quân đội Trung Quốc PLA nói rằng điều này "mang lại mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và ổn định trong khu vực".
Theo ông này, "mối đe dọa thực sự" tức là việc di chuyển của tàu Mỹ qua eo biển Đài Loan hiện đã trở nên bình thường hóa nên việc tàu Mỹ vượt qua trung tuyến eo biển Đài Loan để sang phía đại lục hành động khiêu khích và ngày càng trở nên nguy hiểm bởi, điều này không chỉ gây ra những phán đoán sai lầm giữa quân đội hai nước mà khả năng va chạm giữa các tàu cũng tăng cao, không loại trừ khả năng nảy ra xung đột.
Vài ngày trước, khi thông báo về các cuộc diễn tập thực chiến ở eo biển Đài Loan, người phát ngôn Chiến khu phía Đông Trương Xuân Huy nhấn mạnh, "các cường quốc khác không ngừng có hành động tiêu cực nhằm can thiệp vào vấn đề Đài Loan, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định khu vực eo biển Đài Loan".
Hoàn cầu dẫn lời một nhà quan sát giấu tên cho rằng, từ việc cảnh cáo "các cường quốc" chung chung đến việc trực tiếp chỉ đích danh nước Mỹ, thì đây là lời cảnh cáo rõ ràng đối với các hành động liên quan đến Đài Loan của Mỹ, tức là đang cho Mỹ xem "sổ ghi nợ", cảnh cáo sẽ có ngày "tính sổ".