Vào ngày 2/7, dự thảo luật Phòng thủ Đài Loan (TDA) do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley soạn thảo đã được đệ trình lên Hạ viện Mỹ. Dự luật yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ can thiệp đảm bảo cho Đài Loan có đủ năng lực để ngăn chặn cuộc tấn công từ Bắc Kinh.
Cựu quan chức Lầu Năm Góc Joseph Bosco cũng hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật này bởi nó giúp Mỹ đi đến rất gần việc công khai bảo vệ hỗ trợ Đài Loan.
"Nếu dự luật được Tổng thống ký thành luật, chính phủ Mỹ có thể trì hoãn, làm suy yếu và cuối cùng là đánh bại nỗ lực của Trung Quốc (dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan)", Đại tá về hưu Daniel Davis chia sẻ trong bài viết đăng tải trên tờ National Internest (NI-Mỹ) ngày 6/8.
Ông này nói rằng, bất kỳ đạo luật hoặc hiệp ước nào mà Mỹ tham gia chắc chắn phải đưa tới kết là một nước Mỹ an toàn hơn, duy trì hoặc thúc đẩy khả năng thịnh vượng của đất nước. Rõ ràng là không có lợi cho Mỹ khi ràng buộc mình với một thực thể khác nếu Mỹ phải gánh chịu mọi rủi ro và phí tổn trong khi bên kia thu được phần lớn lợi ích. Việc bảo đảm an ninh cho Đài Loan không đạt yêu cầu đầu tiên nhưng đáp ứng yêu cầu thứ hai.
Đại tá Mỹ dẫn lời chuyên gia phân tích tại RAND David Ochmanek cho biết, trong các trận chiến mô phỏng giữa Mỹ và Trung Quốc do Lầu Năm Góc và RAND phối hợp tiến hành cho thấy, nếu Mỹ-Trung nổ ra xung đột quân sự, đặc biệt là xung đột về vấn đề Đài Loan, kết quả rất có khả năng là Mỹ thất bại. Thậm chí, ông Ochmanek còn dùng cụm từ "bị đánh cho một trận nhừ tử" để nói về thất bại của Mỹ.
Ông Ochmanek giải thích, nếu dốc toàn lực để giành lấy Đài Loan, Trung Quốc có thể hoàn thành mục tiêu trong một thời gian nhất định (trong vài ngày đến vài tuần), bởi: "Trung Quốc sẽ không chỉ tấn công các căn cứ không quân của Mỹ mà còn tấn công các tàu sân bay đang di chuyển trên biển... Họ sẽ tấn công các cảm biến của chúng ta (Mỹ) triển khai trong không gian. Họ sẽ tấn công hầu hết các liên kết dữ liệu mà chúng ta truyền qua vệ tinh".
Theo Đại tá Mỹ, có thể cuộc chiến mô phỏng này đã đánh giá thấp khả năng phản công của Mỹ hoặc đánh giá quá cao khả năng tác chiến của Trung Quốc. Có thể Mỹ cuối cùng cũng có khả năng đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan. Tuy nhiên, một "chiến thắng" như vậy sẽ khiến Mỹ phải trả một cái giá đắt đầy kinh ngạc.
"Ngoài việc phải trả giá bằng mạng sống của binh sĩ, tàu sân bay bị đánh chìm, máy bay bị bắn rơi, Mỹ còn phải bố trí lực lượng quân sự quy mô lớn ở Đài Loan, đồng thời thiết lập căn cứ ở khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để bảo vệ Đài Loan và ngăn chặn hành động tái diễn của Trung Quốc. Để duy trì liên tục thế trận phòng thủ này và luôn có nguy cơ trước các cuộc tấn công mới, Mỹ sẽ phải chi hàng trăm tỷ USD", Đại tá Davis nhận định.
Ngoài ra, theo ông, vị trí địa lý cũng là một vấn đề. Khoảng cách giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục tương đương khoảng cách giữa Cuba và Florida, trong khi Đài Loan cách Mỹ khoảng 6.000 hải lý.
Ông này nói rằng, ngoài trực tiếp xung đột quân sự với Bắc Kinh, Washington có giải pháp thay thế tốt hơn để giúp đỡ Đài Loan và ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công đảo. Đó chính là khuyến khích các đồng minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng cường khả năng phòng thủ.
"Trung Quốc đã tăng cường phòng thủ trước Mỹ bằng biện pháp thiết lập hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), điều này sẽ khiến Mỹ phải trả giá đắt khi tấn công Trung Quốc. Đài Loan cũng nên làm như vậy", Đại tá Davis nhấn mạnh.